Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ VIII-2023: Sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố - Kết quả và những vấn đề đặt ra - Kỳ II:  Những vấn đề đặt ra sau sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố

18:05, 24/09/2023

Kỳ I:  Quyết tâm chính trị cao

(Tiếp theo kỳ trước)

Sắp xếp lại quy mô khu dân cư nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở; đồng thời tạo thuận lợi để các thôn (xóm), tổ dân phố (TDP) củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, sau khi các thôn (xóm), TDP mới được hình thành đã “nảy sinh” một số bất cập, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đòi hỏi các cấp, ngành sớm vào cuộc để chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân này thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.

Một góc nông thôn xã Hải Hưng (Hải Hậu) hôm nay

Một góc nông thôn xã Hải Hưng (Hải Hậu) hôm nay.

Ảnh: Viết Dư

Xã Nam Mỹ là vùng đất cổ của huyện Nam Trực được hình thành cách đây hàng nghìn năm. Thời điểm trước khi sáp nhập xã có 8 xóm, 2.304 hộ, 7.303 khẩu. Nghề nghiệp chính của người dân trong xã chủ yếu là làm nông nghiệp và trồng hoa, cây cảnh. Xã có 6 xóm đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên về số hộ gia đình gồm: Tiền Phong 1, Tiền Phong 2, Đại Thắng, Đồng Tâm, Tân Dân và Trung Thành. 1 xóm đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn về số hộ gia đình là Đồng Ích và xóm Quyết Tiến đạt dưới 50% tiêu chuẩn về số hộ gia đình. Theo đó, đây là 2 xóm thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên, Đồng Ích và Quyết Tiến lại có vị trí địa lý cách nhau khá xa, khoảng 1,5km, bị ngăn cách bởi đường quốc lộ Tân Phong nối liền từ thành phố Nam Định tới ngã 4 đường Lê Đức Thọ thuộc địa phận các xã Nam Phong (thành phố Nam Định), Nam Mỹ, Nam Toàn (Nam Trực). Ngoài ra, nếp sinh hoạt, hướng phát triển kinh tế của 2 xóm cũng tương đối khác biệt. Cụ thể, Quyết Tiến trước đây là xóm độc lập, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng quất. Trong khi Đồng Ích lại gần như “nằm trọn” trong địa bàn xã Nam Phong (thành phố Nam Định). 

Để triển khai việc sáp nhập xóm Đồng Ích và Quyết Tiến, căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của 2 xóm, UBND xã Nam Mỹ đã xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP và triển khai lấy ý kiến của cử tri ở các xóm; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn (xóm); lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã trực tiếp xuống dự các hội nghị họp cử tri; tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ dân trong khu dân cư. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến băn khoăn của một số cử tri và trực tiếp giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận… Được tuyên truyền, giải thích, đa số nhân dân thuộc 2 xóm đều nhất trí, đồng thuận với chủ trương sáp nhập thôn (xóm), tên gọi mới của xóm sau khi sáp nhập. Từ ngày 1-1-2022, Đồng Ích và Quyết Tiến có tên gọi mới là xóm Đồng Tiến. Xóm Đồng Tiến có diện tích đất tự nhiên 37,52ha, 302 hộ gia đình, 912 khẩu, 2 nhà văn hoá (NVH). 

Sau hơn 1 năm sáp nhập, xóm Đồng Tiến đang gặp một số khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Trường, Trưởng xóm Đồng Tiến cho biết: “Sau sáp nhập, diện tích, dân số của xóm tăng gấp đôi so với trước đây nên tạo nhiều “áp lực” cho đội ngũ cán bộ thôn (xóm). Cán bộ giảm nhưng lượng công việc lại tăng nên mỗi người phải làm việc gấp đôi, ba lần so với trước. Địa bàn rộng, dân cư đông còn dễ dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, khi có sự vụ xảy ra, chính quyền xóm cũng chưa thể có mặt kịp thời để can thiệp, xử lý. Ngoài ra, việc tập hợp, đoàn kết hội viên sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể cũng khó khăn hơn trước, đặc biệt là tập hợp hội viên để tham gia các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, TDTT”. Xóm mới được thành lập, đã nảy sinh một số vấn đề bất cập trong sinh hoạt chi bộ. Đồng chí Lê Văn Sỹ, Bí thư chi bộ thôn Đồng Tiến cho biết: “Để việc sinh hoạt chi bộ không ảnh hưởng đến đời sống, công việc làm ăn của đảng viên, chi bộ thường tổ chức sinh hoạt vào buổi tối. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý giữa 2 xóm khá xa lại bị ngăn cách bởi tuyến đường Tân Phong, là đường 1 chiều, có số lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, trong khi đa phần đảng viên trong chi bộ tuổi đều đã cao nên “ngại” đi lại đến các điểm sinh hoạt. Đảng viên ít tham gia sinh hoạt, vì vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng bị ảnh hưởng đáng kể”. 

Phường Thống Nhất được thành phố Nam Định chọn làm điểm để triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), TDP, giai đoạn 2021-2022. Trước khi sáp nhập, phường có 16 TDP, 2.451 hộ, 8.553 khẩu; có 19 chi bộ trực thuộc với tổng số 671 đảng viên. Các TDP của phường có số lượng hộ gia đình không đồng đều (có tổ trên 200 hộ dân nhưng có tổ chỉ có trên 80 hộ dân). Đây cũng là phường có nhiều dự án lớn của tỉnh và thành phố được triển khai thời gian qua nên sau khi các dự án hoàn thành, nhiều TDP có số hộ tăng cao, địa giới của các tổ xen kẽ nhau gây khó khăn trong công tác quản lý. Theo đó, phường sẽ có 9 TDP có dưới 50% tiêu chuẩn về số hộ gia đình phải thực hiện sáp nhập; 2 TDP số 12, 13 thuộc diện khuyến khích sáp nhập; 3 TDP thuộc diện khuyến khích sáp nhập nhưng giữ nguyên. Sau sáp nhập, phường Thống Nhất có 8 TDP.  TDP số 4, phường Thống Nhất được thành lập trên cơ sở sáp nhập các TDP 4, 5, 6 và 7. Tổ hiện có 487 hộ, 1.674 khẩu, 116 đảng viên. Sau khi sáp nhập, tổ có diện tích tự nhiên 10,52ha, chiều dài gần 1km. Đồng chí Trần Hán Tường, Bí thư chi bộ TDP số 4 cho biết: “Trước khi sáp nhập thành TDP số 4, mỗi TDP cũ có khoảng 30-40 đảng viên, trên 100 hộ gia đình. Quá trình sáp nhập, chúng tôi tiến hành các bước lấy ý kiến nhân dân, bầu cử các chức danh của TDP theo quy định. Sau khi sáp nhập, quy mô, địa giới của TDP được mở rộng, gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành, quản lý đảng viên cũng như sinh hoạt Đảng của chi bộ. Đặc biệt, TDP hiện nay đang thiếu NVH là nơi hội họp, sinh hoạt của cộng đồng dân cư cũng như chi bộ Đảng”. Theo đó, hiện TDP số 4 không có NVH. Đồng chí Đoàn Văn Thực, Tổ trưởng TDP số 4, cho biết thêm: “Từ khi TDP mới được hình thành, lực lượng cán bộ trong tổ luôn trong tình trạng làm việc “không xuể”. Đơn cử như việc đi thu các loại thuế trong tổ. Nếu trước đây, TDP nhỏ, tôi chỉ cần đi thu một vài ngày là xong thì nay có khi phải mất cả tháng. Dân số đông, địa bàn mới, trong TDP còn có 2 đoạn đường N1, N2 chưa có tên đường cũng gây khó khăn cho cán bộ trong việc tìm hiểu, nắm bắt thực tế các hộ gia đình”. 

Hải Hưng là xã cửa ngõ phía đông của huyện Hải Hậu, có Quốc lộ 21 và các tỉnh lộ 56, 37B chạy qua. Trước sáp nhập, xã có 12.609 người, 3.888 hộ sinh sống ở 20 xóm. Đảng bộ xã có 24 chi bộ, trong đó 20 chi bộ thôn (xóm) và 4 chi bộ chuyên ngành. Xã có 15 xóm theo đạo Phật; 5 xóm theo đạo Công giáo toàn tòng. Năm 2004, Hải Hưng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp; năm 2014, xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020, xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Về tiêu chuẩn số hộ gia đình theo quy định, xã không có thôn (xóm) nào đạt từ 100% tiêu chuẩn trở lên về số hộ gia đình. Có 5 xóm dưới tiêu chuẩn 50% về số hộ gia đình gồm các xóm 2, 4, 5, 13, 20. Có 15 xóm đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chuẩn về số hộ gia đình. Đặc biệt, xã có nhiều hộ gia đình đang sinh sống ổn định lâu dài trên địa bàn xóm này nhưng lại sinh hoạt ở xóm khác; nhiều hộ đã sinh sống làm ăn lâu năm trên địa giới hành chính của xã nhưng đăng ký hộ khẩu thường trú ở xã hoặc huyện khác; nhiều hộ có hộ khẩu đăng ký thường trú tại xã nhưng lại sinh hoạt, làm ăn lâu năm ở xã khác…

Nghề cây cảnh xóm Đồng Tiến, xã Nam Mỹ (Nam Trực)

Nghề cây cảnh xóm Đồng Tiến, xã Nam Mỹ (Nam Trực).

Ảnh: Viết Dư

Căn cứ trên điều kiện thực tế, UBND xã Hải Hưng đã xây dựng Đề án sáp nhập thôn (xóm), TDP. Từ đó khắc phục được sự manh mún, chia cắt trong tổ chức xóm theo quy mô hiện tại, xây dựng xóm mới có quy mô phù hợp với yêu cầu quản lý, tập trung được nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới… Đầu năm 2022, các thôn (xóm) ở Hải Hưng đã sáp nhập xong, từ 20 xóm ban đầu thành 13 xóm mới. Đồng chí Mai Thanh Cương, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: “Sau khi xã sáp nhập thôn (xóm), có nhiều bất cập xuất hiện. Trong đó, mức phụ cấp theo quy định như hiện nay dành cho cán bộ thôn (xóm), TDP hiện còn thấp. Đơn cử như trưởng một số đầu ngành ở thôn (xóm) chỉ được hưởng khoảng 300 nghìn đồng/tháng, trong khi các chức danh này ở cơ sở hầu như việc gì cũng đến tay. Sau sáp nhập, quy mô thôn (xóm) lớn hơn trước nhưng năng lực cán bộ ở một số xóm trong xã chưa đáp ứng được công việc. Số lượng đảng viên tại các chi bộ tăng lên nên nền nếp sinh hoạt không được đảm bảo như trước. Khi tổ chức họp dân, NVH của một số thôn (xóm) không có đủ chỗ để hội họp”. Cụ thể cho những khó khăn, vướng mắc của các thôn (xóm) trong xã sau sáp nhập, đồng chí Mai Thanh Cương nêu ví dụ. Tại chi bộ Nam Lễ, đồng chí bí thư chi bộ mới chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Ở các chi bộ Bắc Nghĩa (xóm toàn tòng) và Đông Nghĩa, các đồng chí bí thư chi bộ đều cao tuổi (75-76 tuổi), nhiều lần đề xuất nguyện vọng xin nghỉ nhưng do chưa tìm được cán bộ thay thế nên xã vẫn “động viên” tiếp tục đảm nhận công việc... Xóm Quốc Hưng được sáp nhập từ các xóm 3, 4 và 5. Để sáp nhập thành công, ông Phạm Ngọc Huấn, Trưởng xóm cho biết: “Xã phải chỉ đạo xóm tổ chức họp dân 3 lần lấy ý kiến. Người dân có nhiều băn khoăn khi các xóm sáp nhập. Họ nêu lý do, trong khi các xóm 4, 5 đã được công nhận là xóm NTM kiểu mẫu thì xóm 3 mới chỉ là xóm NTM nâng cao. Về cơ sở vật chất, người dân các xóm phản ánh, trong khi các xóm 3, 4 có NVH nhỏ, mỗi xóm khoảng 200m2, tận dụng đất của các nhà mẫu giáo cũ, không đủ cho sinh hoạt, hội họp của xóm. Xóm 4 tuy có NVH rộng gần 800m2 nhưng lại không nằm ở vị trí trung tâm của xóm mới sáp nhập nên cũng khó để sử dụng làm chỗ sinh hoạt, hội họp cho xóm mới”. Sự “vênh” nhau về cơ sở vật chất của các xóm dẫn đến mặc dù hiện tại Quốc Hưng đã chọn được vị trí là 1 sân thể thao, diện tích 2.000m2 nằm ở xóm 5 cũ để xây dựng NVH mới làm điểm sinh hoạt chung nhưng lại chưa nhận được sự đồng tình đóng góp xây dựng của bà con nhân dân. Vì theo người dân ở một số xóm cũ, trước đây họ đã đóng góp để xây dựng NVH rồi nên không thể đóng góp để xây tiếp nữa. Tình trạng “thừa” mà “thiếu” NVH của Quốc Hưng cũng là tình trạng chung của nhiều thôn (xóm), TDP sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh nói chung.

Thôn (xóm), TDP không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nhưng có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bởi đây là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hay nói cách khác là nơi trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Vì vậy, tổ chức, sắp xếp thôn (xóm), TDP hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là việc làm cần thiết, quan trọng, góp phần đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, thực tế các thôn (xóm) sau khi sáp nhập còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn đòi hỏi các cấp, ngành sớm vào cuộc tháo gỡ giải quyết. Từ đó tạo điều kiện để các thôn (xóm), TDP mới hoạt động hiệu quả.

(còn nữa)
Thu Thủy - Hoa Xuân - Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com