Kỳ I - Đột phá vị trí “top” đầu cả nước
(Tiếp theo và hết)
Kỳ II - Tăng tốc chuyển đổi số
Vì chuyển đổi số (CĐS) là lĩnh vực mới lại được triển khai đồng thời trên diện rộng nên nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua được xem là giai đoạn “dò đường”, vừa làm vừa phải kịp thời điều chỉnh để đưa lộ trình CĐS của tỉnh đi đúng quỹ đạo, định hướng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7-3-2019, thúc đẩy CĐS quốc gia.
Số hóa quản lý hồ sơ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Với những nỗ lực, sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, quá trình CĐS của tỉnh thời gian qua về tổng thể đã đạt kết quả ngoài mong đợi mang tính đột phá, tạo cơ sở, nền tảng cho CĐS tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh thì quá trình CĐS trên địa bàn diễn ra chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Tỉnh chưa có được nền tảng số tốt, an toàn, dễ sử dụng để đề xuất lựa chọn, áp dụng dẫn đến ba trụ cột “chính quyền số”, “kinh tế số” và “xã hội số” của tỉnh phát triển không đều. Hạ tầng số của tỉnh vẫn chưa thực sự tiếp cận công nghệ hiện đại. Nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức về CĐS, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS và chưa đáp ứng được sự đổi mới liên tục của công nghệ. Hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông, hệ thống cơ sở dữ liệu còn thiếu và chưa đồng bộ.
Trong khi đó mục tiêu CĐS đến năm 2025 của tỉnh vẫn còn 2 nhiệm vụ cần phải quyết liệt thực hiện mới có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đó là: 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP. Đến năm 2030, tỉnh hoàn thành cơ bản CĐS và xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc; thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá CĐS...
Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, công cuộc CĐS phải tăng tốc, đẩy nhanh tiến trình CĐS trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ việc xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, giúp người dân thụ hưởng trực tiếp lợi ích từ CĐS.
Trên quan điểm định hướng đó, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương nêu cao nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả công tác CĐS gắn với thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện CĐS. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về CĐS sâu rộng đến tất cả cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia tích cực, chủ động vào tiến trình CĐS của tỉnh. Tập trung huy động nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, thống nhất về hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của CĐS và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp các dịch vụ số, nền tảng số làm cơ sở thúc đẩy CĐS trong các doanh nghiệp. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ số vào đầu tư tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế số. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về CĐS; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CĐS; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo nhân lực, xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo về công nghệ. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ CĐS đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kịp thời phát hiện, xử lý nguy cơ gây mất an ninh thông tin.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngay trong năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch tập huấn, phổ biến kiến thức về CĐS cho khoảng 20 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs); phổ biến kiến thức, kỹ năng chuyển đổi, sử dụng dữ liệu số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua các hội nghị chuyên đề cho từng lĩnh vực công tác. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp về các xã, thị trấn tập huấn kiến thức, kỹ năng số với nội dung cụ thể như: Sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; kỹ năng lập tài khoản và sử dụng sàn thương mại điện tử; kỹ năng sử dụng các ứng dụng ngân hàng số Mobile Banking, thanh toán trực tuyến; kỹ năng sử dụng các ứng dụng và nền tảng số; kiến thức về an toàn thông tin mạng và tự bảo vệ an toàn thông tin mạng cho cá nhân... cho tất cả người dân có nhu cầu ở khu vực nông thôn toàn tỉnh để ứng dụng vào cuộc sống sinh hoạt và công việc hàng ngày. Đây là cơ sở để hỗ trợ người dân chủ động tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông, xây dựng và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng những mô hình điểm CĐS toàn diện để nhân rộng ra toàn tỉnh. Trước mắt, các địa phương thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu xây dựng Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành (Hệ thống IOC) để tiên phong ứng dụng nền tảng làm việc số cho phép người sử dụng đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng của các nền tảng số, dịch vụ số dùng chung của tỉnh, đưa hoạt động của các cơ quan Nhà nước, người dân, doanh nghiệp lên môi trường điện tử, thiết bị di động. Các ngành chức năng tiếp tục triển khai ứng dụng thiết thực với đời sống người dân. Sở Y tế đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế; Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Sở Công Thương triển khai việc số hóa cơ sở dữ liệu các cụm công nghiệp. Sở Tư pháp triển khai số hóa sổ hộ tịch…
Nghiêm túc nhận diện những hạn chế, khó khăn để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm vượt mọi rào cản, tạo tâm thế vững vàng, toàn tỉnh quyết tâm tăng tốc CĐS, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 15-10-2021, của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin