Kiên trì, kiên quyết chống luận điệu xuyên tạc về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

07:34, 08/09/2023

Công kích, bôi bác Chủ nghĩa xã hội (CNXH), ca ngợi một chiều Chủ nghĩa tư bản, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); xuyên tạc về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau 37 năm đổi mới… là những luận điệu chống phá, xuyên tạc mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang ra sức thực hiện. Kiên định con đường đi lên CNXH của Việt Nam là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Vì vậy, việc làm rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, gây thù hận là nhiệm vụ nên làm, phải làm và phải kiên trì, kiên quyết.

Ban Giám đốc Công an tỉnh quán triệt, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự các hoạt động Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định.
Ảnh: Cơ sở cung cấp
Ban Giám đốc Công an tỉnh quán triệt, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự các hoạt động Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định. Ảnh: Cơ sở cung cấp

I. Nhận diện những luận điệu xuyên tạc, phản động về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Con đường đi lên CNXH đã được Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn; được kiên trì, kiên định triển khai thực hiện suốt từ năm 1930 cho đến nay. Và nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thế nhưng, hiện nay cũng có những giọng điệu lạc lõng, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn và đi theo con đường khác vì họ cho rằng con đường đi lên CNXH là con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến “đường cùng, ngõ cụt”. Họ cũng rêu rao rằng kiên định con đường đi lên CNXH, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “lạc nhịp, lỗi thời”.

Điển hình hồi tháng 5-2020, trang thông tin điện tử “Dân Báo” - một trang mạng chuyên đăng tải các bài viết của các đối tượng phản động với nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta đã trích dẫn bài viết của đối tượng phản động có những nhận thức sai lệch, ấu trĩ, cố tình bóp méo sự thật về tình hình đất nước. Kẻ này cho rằng: “Đảng Cộng sản dốc tâm lo xây dựng CNXH để nắm giữ lợi quyền, để độc quyền cai trị, làm giàu cá nhân… làm cho đất nước mãi lạc hậu, đói nghèo”. Hay những bài viết được đăng tải trên kênh VOA  tiếng Việt vào hồi tháng 11-2021 đã bịa đặt, xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, tung ra những cáo buộc vô căn cứ. Họ tung ra những quan điểm như “CNXH chỉ là phương tiện cứu nước, giành độc lập dân tộc và khi giành được độc lập rồi thì cần phải thay đổi phương tiện” hay “chế độ XHCN ở Việt Nam không có bình đẳng xã hội, không có an sinh, phúc lợi…”. Đây là những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học, bởi CNXH tạo ra một tiền đề kinh tế, một nền tảng vững chắc để hình thành một quốc gia hùng cường và với Việt Nam “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” là một yêu cầu tất yếu, không thể thay đổi, phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ.

Với mưu đồ kích động nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ CNXH, một trong những nội dung thường xuyên được các thế lực phản động sử dụng là xuyên tạc, bóp méo về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Họ cho rằng “không có mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản”, hay cho rằng kinh tế thị trường và định hướng XHCN là 2 mặt đối lập nhau… Nhưng thực tế thành quả phát triển kinh tế - xã hội trong 37 năm qua của một đất nước đã phải trải qua hơn 3 thập kỷ bị chiến tranh tàn phá liên miên và gần 1 thế kỷ bị đế quốc, thực dân đô hộ là những minh chứng rõ ràng nhất để bác lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo trên.

Một trong những thủ đoạn thâm độc khác cũng được các thế lực thù địch, phản động lợi dụng đó là chúng đã vin vào tình trạng tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên rồi lu loa, “vơ đũa cả nắm” bằng những luận điệu xuyên tạc, gây kích động thù hằn. Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng có tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức cách mạng, dẫn đến một bộ phận đảng viên, cán bộ, lãnh đạo có biểu hiện suy thoái, “quan cách mạng”, thậm chí “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Song những cán bộ thoái hoá, biến chất đó đã kịp thời được xử lý kỷ luật nghiêm minh với những hình phạt thích đáng, thậm chí có cán bộ nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị cũng đã phải chịu án tù!

Các nhà nghiên cứu, tư tưởng cũng chỉ ra rằng tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực Nhà nước, do vậy đây có thể là căn bệnh của bất kỳ xã hội, quốc gia hay ở bất kỳ chế độ chính trị nào. Đối với Việt Nam, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng ta triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thắn nhận định “chống tham nhũng triệt để là cách lấy lại lòng tin của người dân” và đó cũng là lý do mà nhiều năm trở lại đây, cuộc chiến chống tham nhũng của nước ta quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Trong thực tế, kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta ngày càng thể hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Bên cạnh đó, với quan điểm “phát hiện sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó”, thay vì chờ đầy đủ chứng cứ vi phạm, nhiều vụ án, vụ việc đã được khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, kiên quyết không để lọt tội phạm hay “chìm xuồng”.

II. Thành tựu đổi mới - “bằng chứng” sống động bác bỏ những luận điệu xuyên tạc

Đổi mới - quyết định mang tính bước ngoặt đã đưa Việt Nam từ nhóm những quốc gia nghèo với nền kinh tế bị khủng hoảng rất sâu sắc gần 40 năm trước đến nay đã trở thành 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD/năm (tăng khoảng 17 lần); khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu này, đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế. Nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm.

Việt Nam đã trở thành “điểm đến” hòa bình, là đất nước có vị thế để sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước. Từ một đất nước bị bao vây cấm vận từ bên ngoài và khủng hoảng kinh tế - xã hội bên trong, sau hành trình gần 40 năm đổi mới, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới... Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam có tầm ảnh hưởng và có uy tín lớn với bạn bè quốc tế. Dù còn có những khó khăn, hạn chế song mỗi người dân Việt Nam có quyền tự hào rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua là thực tế chứ không phải đi theo một CNXH “viển vông, ảo tưởng” như các thế lực thù địch cố tình gán ghép, xuyên tạc. Có thể khẳng định, bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của biết bao mồ hôi, công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam đã kiên định đi theo con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đều này không chỉ người dân trong nước cảm nhận được mà nhiều thế hệ kiều bào, bạn bè quốc tế cũng đã có những liên hệ rất cụ thể trong thực tế cuộc sống để thấy được rõ hơn bản chất của một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn và vì con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việt Nam tiến lên CNXH bỏ qua chủ nghĩa tư bản nhưng không có nghĩa là bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, mà chỉ bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột của chủ nghĩa tư bản”. Việt Nam sẽ không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thay vào đó mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội. Các thành tựu phát triển chỉ thực sự trọn vẹn khi mang lại lợi ích thiết thân cho người dân, khi đó Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đúng đắn và chân chính của CNXH.

Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam sẽ còn lâu dài, liên tục và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách và không thể nóng vội. Tuy nhiên, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì con đường ấy chắc chắn sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu ngày càng to lớn hơn, đất nước sẽ phồn vinh, hạnh phúc và giàu mạnh hơn. Đó cũng chính là câu trả lời rõ ràng, đanh thép, là vũ khí sắc bén của chúng ta để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị./.

Thiếu tá Đỗ Quang Dụ
(Công an tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com