Xây dựng Đảng ta về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi Họp báo sau Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Phạm Cường |
Xây dựng Đảng về đạo đức luôn là việc làm thường xuyên quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong đó, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, một mục tiêu mà Đảng ta cần phấn đấu, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Văn kiện XIII của Đảng khẳng định: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Xây dựng Đảng về đạo đức thể hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người dạy: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Xây dựng Đảng về đạo đức là làm cho mỗi đảng viên ngày càng trưởng thành hơn, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương sáng trước quần chúng, trước tập thể cơ quan, đơn vị mình… góp phần xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại, thực sự văn hóa, văn minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề hết sức quan trọng. Từ thực tiễn và yêu cầu quán triệt tinh thần Đại hội XIII của Đảng về việc xây dựng Đảng về đạo đức đặt ra một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng về yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức.
Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải nghiên cứu, đổi mới hình thức giáo dục cho phù hợp. Đặc biệt coi trọng “phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu”, nghĩa là, phải phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của từng cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, phương pháp, tác phong, văn hóa Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên noi theo; đảng viên đi trước phải làm gương cho đảng viên đi sau; đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì phải càng gương mẫu, trong sáng về đạo đức cách mạng. Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng mới đạt hiệu quả thiết thực.
Hai là, thực hiện tốt các nội dung trong xây dựng Đảng về đạo đức.
Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Muốn vậy phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định và đẩy mạnh việc phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện tốt việc lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương… và vai trò tiên phong, gương mẫu của các đảng viên; phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ; thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Cán bộ, đảng viên cần học tập theo lời dạy của Bác: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo.
Phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, biểu dương gương những cán bộ, đảng viên tốt có tinh thần trách nhiệm xây dựng Đảng về đạo đức. Chủ động xây dựng cơ chế phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn có hiệu quả quan hệ “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”; thực hiện cải cách hành chính, tư pháp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên tăng cường tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao vai trò gương mẫu trong xây dựng và thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức.
Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng tự rèn luyện đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện đề cao vai trò gương mẫu nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, văn hóa Đảng của mỗi cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ người đảng viên của Đảng. Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ làm cho cán bộ, đảng viên tự rèn luyện phong cách lãnh đạo, quản lý cho mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng Đảng về đạo đức.
Xây dựng Đảng ta về đạo đức trong giai đoạn hiện nay thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, hoàn thành những trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc. Xây dựng Đảng về đạo đức là trách nhiệm của toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng./.
Theo qdnd.vn