Hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam (1973-1975) -Kỳ 3

04:04, 07/04/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ, các ngành, các cấp và các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã dấy lên một phong trào thi đua mới nhằm tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; phát huy năng lực của các ngành cơ khí, điện, xây dựng, giao thông vận tải để thúc đẩy nông nghiệp phát triển; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý kinh tế.

Cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp dệt Nam Định liên hoan mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp dệt Nam Định liên hoan mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

    Trong khi Đảng bộ chuẩn bị triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ III thì ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245/NQ-TW về việc hợp nhất hai tỉnh Ninh Bình - Nam Hà thành một tỉnh mới. Được sự ủy nhiệm của Ban Bí thư Trung ương các đồng chí Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà và đồng chí Tạ Quang, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, triệu tập hội nghị liên tịch hai Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn việc hợp tỉnh vào ngày 17 và 18-10-1975 tại thành phố Nam Định.

    Sau khi đồng chí Phan Điền đọc lời khai mạc, đồng chí Tạ Hồng Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Hà đọc toàn văn Nghị quyết số 245/NQ-TW của Bộ Chính trị về việc bỏ cấp khu, hợp tỉnh; trong đó điểm 16 điều II quyết định hợp hai tỉnh Ninh Bình- Nam Hà thành một tỉnh mới. Tiếp đó, đồng chí Tạ Quang truyền đạt ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện Nghị quyết 245; đọc bản dự thảo Nghị quyết của Trung ương về kiện toàn cấp tỉnh và bản dự thảo của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc bỏ cấp khu, hợp tỉnh.

    Sau khi thảo luận những thuận lợi và khó khăn trong việc hợp nhất tỉnh, Hội nghị đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn:

    Tên tỉnh mới: đa số đề nghị là Hà Nam Ninh vì có ý nghĩa về quan hệ lịch sử và có tên cả ba tỉnh cũ. Một số ý kiến đặt là Hà Nam vì ở phía nam thủ đô và cũng có ý kiến đề nghị là Nam Bình.

    Tỉnh lỵ: đặt tại thành phố Nam Định.

    Việc hợp nhất các huyện khác sẽ làm sau.

    Hội nghị đã cử ra Ban chỉ đạo hợp tỉnh gồm 10 đồng chí và phân công chuẩn bị các công việc cho hợp nhất.

    Thi hành Thông tri số 321/TT-TW của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị gắn nghiên cứu Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị với việc xúc tiến chuẩn bị hợp nhất tỉnh, đẩy mạnh nhiệm vụ trước mắt. Đến ngày 3- 12, đã hoàn thành việc nghiên cứu Nghị quyết 24 đến toàn thể cán bộ sơ cấp và cán bộ chủ chốt ở cơ sở và đến 23-12 đã triển khai toàn Đảng bộ trong tỉnh.

    Công tác chuẩn bị kiện toàn Tỉnh ủy mới được ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh đặc biệt quan tâm, đến tháng 12-1975 đã chuẩn bị xong phương án bố trí lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan ban ngành cấp tỉnh (có trao đổi ý kiến với các Bộ và cơ quan Trung ương) chờ sau khi Trung ương chỉ định xong Tỉnh ủy mới đưa duyệt chính thức, bảo đảm tháng 1-1976 bộ máy hoạt động được.

    Hội đồng nhân dân tỉnh đã họp để chính thức đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho hợp nhất hai tỉnh Ninh Bình- Nam Hà.

    Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu, trong phạm vi từng tỉnh phải tập trung làm tốt các nhiệm vụ trước mắt sau:

    Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giữ vững đàn lợn, đặc biệt coi trọng hoàn chỉnh thủy nông.

    Phát huy năng lực của cơ khí, điện, xây dựng, giao thông vận tải; tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ bản.

    Coi trọng việc tổ chức tốt đời sống cho nhân dân và cán bộ, công nhân viên, chú trọng vùng bị thiên tai và thành phố.

    Phát động đợt thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, động viên quần chúng hoàn thành tốt kế hoạch năm 1975 trước thời hạn.

    Ngày 27-12-1975, kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá V đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong ba năm (1973-1975) quân và dân trong tỉnh đã quyết tâm phấn đấu khắc phục hậu quả chiến tranh, chống chọi với thiên tai, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa, đạt được những thành tựu quan trọng. Cũng trong thời gian trên, cùng với miền Bắc, quân và dân Nam Định dồn sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

    Với sự kiện Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết nghị hợp nhất tỉnh Nam Hà với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, Đảng bộ và nhân dân Nam Định tiếp tục bước vào một giai đoạn mới - cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com