Khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá (1973-1975) - Kỳ 4

07:03, 22/03/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dần dần ổn định vì phát triển, đã có tám xí nghiệp bước đầu sản xuất ổn định bốn xí nghiệp hoàn thành nhiệm vụ mở rộng sản xuất và thêm bảy xí nghiệp mới xây dựng đưa vào hoạt động. Nhiều xí nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp đã thu dọn và sắp xếp lại cơ sở. Sản phẩm của Xí nghiệp dệt Dân Sinh, giá thành hạ hơn các năm trước. Số xí nghiệp quốc doanh kinh doanh có lãi và việc trích nộp cho nhà nước tăng lên nhiều (52/60 xí nghiệp, hơn trước 11 xí nghiệp). Có 6/10 ngành đạt và vượt kế hoạch năm từ 3-10%; 7/10 ngành tăng hơn năm 1973 từ 5-25%. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, dệt, da, may, nhuộm, chế biến lương thực - thực phẩm, cơ khí, chế biến gỗ, giấy... là những ngành chiếm tỷ trọng lớn đều đạt hoặc gần đạt kế hoạch và tăng hơn năm trước. Hướng sản xuất phục vụ nông nghiệp tuy còn hạn chế nhiều mặt nhưng do nhận thức đúng đắn nên địa phương vẫn cố gắng duy trì năng lượng điện phục vụ nông nghiệp, tích cực đi vào sửa chữa nông cụ.

    Ngay từ những ngày đầu năm, một không khí tưng bừng và phấn khởi đã toả khắp địa bàn của tỉnh. Ngày 5-1, Nhà máy dệt lụa Nam Định, Chi cục Thống kê tỉnh, ủy ban Thanh tra tỉnh và hợp tác xã Trực Tĩnh (Nam Ninh) vinh dự được đón nhận lẵng hoa và thiếp chúc mừng năm mới của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Liền sau đó, vào ngày 15-2, Tổ 1 máy con ca A Phân xưởng sợi (Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định) tổ chức đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động vì những thành tích trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến trong các xí nghiệp xuất hiện nhiều điển hình ở Nhà máy Liên hợp dệt, Nhà máy tơ, Nhà máy điện, Xí nghiệp cơ khí miền Nam. Ngày 13-4-1974, uỷ ban hành chính tỉnh đã mở hội thi làm thủy lợi giỏi tại công trường đắp đê Ngô Xá (Nam Điền, Nam Ninh). 1.000 đội viên của 33 đội thủy lợi tham gia dự thi. Kết quả cả 33 đội đều vượt kỷ lục trong đó có 11 đội đạt 300% đến 402%. Các đội Đồng Lực Hợp Thành (Nghĩa Hưng), Liên Phương (Vụ Bản), Giao Lâm (Xuân Thủy) đạt giải nhất, nhì và ba. Các lực lượng vũ trang của tỉnh cũng mở Đại hội thi đua "Quyết thắng" nhằm biểu dương các phong trào "Luyện hay, đánh giỏi", "Vai trăm cân chân ngàn dặm" với các điển hình Phân đội 4 (đơn vị 762 đoàn Trần Hưng Đạo), Phân đội 2 (đoàn 6), Phân đội 2 và 5 (đoàn 66), dân quân du kích Hải Thịnh (Hải Hậu), Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) và tự vệ thành phố Nam Định. Đại hội đã biểu dương các đơn vị có thành tích xuất sắc toàn diện (tự vệ thành phố Nam Định, dân quân du kích Hải Thịnh, đại đội tự vệ chiến đấu Nhà máy Liên hợp dệt, trung đội dân quân cơ động xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) và 14 đơn vị dẫn đầu từng mặt.

    Cũng trong không khí náo nức đó, Đảng bộ và nhân dân địa phương đã vui mừng được đón tiếp một số đoàn đại biểu đến thăm như: đoàn đại biểu Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới và Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế (17-3-1974), đoàn đại biểu Phụ nữ miền Nam do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu (từ ngày 19 đến ngày 27-3-1974). Đồng thời, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn tỉnh lần thứ II (từ ngày 10 đến ngày 13-4-1974); cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh (5-5-1974) cũng đã tiến hành thắng lợi. Đặc biệt là Hội nghị mừng công của đồng bào theo đạo Thiên Chúa trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng đã thành công tốt đẹp (10-11-1974).

    Quán triệt tinh thần Nghị quyết 22 của Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ban Bí thư tại cuộc họp ở Thái Bình (8-1974), qua kinh nghiệm của một số hợp tác xã sản xuất giỏi, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp từ cơ sở, từng bước thực hiện chuyên môn hoá sản xuất kết hợp với hợp tác hoá một cách hợp lý, nhằm phát huy thế mạnh của từng vùng, từng loại đất và khả năng lao động. Phải cải tiến quản lý, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ và nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa theo đúng hướng dẫn của Chỉ thị 208 (16-9-1974) của Trung ương.

    Năm 1974 mở đầu cho kế hoạch hai năm khôi phục và phát triển kinh tế (1974- 1975) được tiến hành trong tình hình lương thực thiếu gay gắt trên phạm vi rộng do vụ mùa năm 1973 bị thiên tai thu hoạch sút kém; đầu vụ đông xuân rét sớm và kéo dài, nhiều nơi bị hạn hoặc nhiễm mặn; đầu vụ mùa cũng bị hạn, thiếu nước để cày bừa. Với quyết tâm sớm lấy lại thế cân đối về sản xuất và tiêu dùng lương thực trong năm 1974 và tạo thế vững chắc cho năm 1975, Đảng bộ đã động viên và tổ chức nhân dân trong tỉnh phát huy mọi năng lực, khắc phục khó khăn để giành thắng lợi tương đối toàn diện trong phạm vi toàn tỉnh.

    Được sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng và sự nỗ lực của nhân dân, ngành nông nghiệp toàn tỉnh đã vượt mục tiêu 5 tấn thóc/ha. Cả bốn huyện phía nam tỉnh đều vượt năng suất 6 tấn/ha và có huyện xấp xỉ 7 tấn/ha. Đặc biệt các huyện phía bắc tỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các huyện phía nam.

    Nông nghiệp giành được thắng lợi to lớn nên các địa phương đã thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước nhanh gọn, đầy đủ, đồng thời để quỹ tích luỹ cho hợp tác xã và thu nhập của xã viên tăng hơn các năm trước. Do đó đã tạo niền tin cho xã viên và điều kiện thuận lợi để củng cố quan hệ sản xuất, đánh dấu một bước chuyển biến trong xu thế đi lên của nền nông nghiệp tỉnh, nhanh chóng lập lại thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng về lương thực, thực phẩm; cung cấp ngày một nhiều nguyên liệu cho công nghiệp, nông sản và sản phẩm cho xuất khẩu. Đây cũng là kết quả của một quá trình phấn đấu và tích luỹ vật chất; kinh nghiệm về quản lý tổ chức chỉ đạo; phát huy tác dụng của cơ sở vật chất kỹ thuật - nhất là thủy lợi và sự tiến bộ của các biện pháp thâm canh.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com