Hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam (1973-1975) - Kỳ 1

08:03, 29/03/2016

[links()]

    Từ đầu năm 1973, trước yêu cầu vận chuyển để phục vụ cho công cuộc, khôi phục kinh tế và chi viện cho miền Nam, toàn tỉnh đã huy động lực lượng san lấp hố bom trên đường Quốc lộ 1A và 21, đưa lực lượng xe thông tuyến từ 300 lên 800 xe/ngày.

    Trong tháng 1-1973, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo công tác tuyển quân. Ngay trong đợt giao quân đầu năm, các huyện trong tỉnh đã có 9.741 tân binh bổ sung cho các chiến trường, trong đó Vụ Bản đạt 100,7%, Ý Yên đạt 121%, thành phố Nam Định đạt 119%. Đợt tuyển quân thứ hai trong mùa mưa bão nhưng vẫn đạt 103% chỉ tiêu, ở các địa phương có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa, việc gọi thanh niên nhập ngũ đạt tỷ lệ khá cao (Nghĩa Hưng đạt 67,3%, Xuân Thủy đạt 34,3%, Hải Hậu đạt 32,8%).

Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu. (ảnh tư liệu)
Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu. (ảnh tư liệu)

    Hai đợt tuyển quân năm 1974 đã được cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương hết sức quan tâm nên đạt 100,7% kế hoạch. Các huyện Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định đã vượt chỉ tiêu giao quân cả năm trong đợt đầu. Các huyện Nam Ninh, Hải Hậu đạt khá (cao hơn chỉ tiêu năm 1973). Trong đợt 2, huyện Xuân Thủy cũng giao đủ quân số. Tất cả thanh niên trong diện khám tuyển đều nô nức đi làm nghĩa vụ.

    Trước những thắng lợi đã giành được trong hai năm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu ngày một lớn của cách mạng miền Nam, ngay từ đầu năm 1975, Đảng bộ và các cấp chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo và khẩn trương tổ chức đợt cung cấp lớn cho chiến trường được 8.600 tấn lương thực, hàng ngàn tấn thực phẩm. Đồng thời để thực hiện chủ trương của Trung ương giao cho tỉnh nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng mới giải phóng miền Nam, trong tháng 1-1975, Đảng bộ đã cử đoàn cán bộ vào nghiên cứu khu vực bãi Cát Tiên - nơi giáp giới ba tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng - Long Khánh. Tại đây, đoàn đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Đảng bộ và nhân dân địa phương, vạch ra được kế hoạch cho việc đưa người đi xây dựng vùng kinh tế mới ngay từ khi miền Nam chưa được giải phóng. Việc tổ chức và động viên một lực lượng lớn đi chiến đấu và xây dựng kinh tế là bước phát triển mới của phong trào cách mạng của địa phương. Đảng bộ đã coi đây là một trong những vấn đề mấu chốt của nhiệm vụ năm 1975 và hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung ương giao cho, thể hiện rõ ý chí và tình cảm sâu sắc của nhân dân địa phương đối với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Trong đợt tuyển quân đầu năm 1975, toàn tỉnh đã tuyển giao 13.718 tân binh, vượt chỉ tiêu được giao. Huyện Xuân Thủy vượt mức 100 người. Đầu năm 1975, toàn tỉnh đã đóng góp nghĩa vụ 110.000 tấn thóc, 9.000 tấn thịt, giao thêm cho chiến trường 8.600 tấn lương thực, hơn 4.000 tấn thịt, đáp ứng yêu cầu tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam.

    Để động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, dồn sức chi viện cho tiền tuyến lớn, ngày 16-4- 1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị phát động phong trào quần chúng "Thi đua với miền Nam, mỗi người làm việc bằng hai" nhằm góp phần lớn nhất vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1975 với các mục tiêu sau:

    Đạt và vượt kế hoạch về năng suất, sản lượng cây lương thực vụ đông xuân; phát triển đàn lợn, gia cầm và nghề muối, nuôi thả cá; đẩy mạnh sản xuất và sửa chữa nông cụ, máy móc phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng xuất khẩu; làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.

    Bảo đảm hoàn thành các công trình đúng thời hạn, có chất lượng cao; hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, củng cố đê điều để phòng chống bão lũ.

    Bảo đảm kế hoạch tuyển quân, tuyển lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới; thực hiện tốt việc vận động nhân dân tiết kiệm lương thực giúp đồng bào vùng mới giải phóng.

    Hưởng ứng phong trào thi đua, nhiều cơ quan và đơn vị công tác đã có phong trào "Giờ làm việc giải phóng miền Nam"; thanh niên có phong trào "Tình nguyện vượt mức kế hoạch"; Nhà máy dệt Nam Định dệt thêm 15.000m lụa mừng chiến thắng, vì miền Nam"; Xí nghiệp Dân Sinh dệt vượt mức 15.000m vải. Cũng trong phong trào thi đua này ngành cơ khí đã sản xuất 500 máy bơm thuốc trừ sâu, 100 máy đập lúa, Xí nghiệp cơ khí C50 phát động phong trào "làm thêm 1 tấn sản phẩm" trong tháng 4-1975 để mừng miền Nam thắng lợi. Các hợp tác xã nông nghiệp đã bán cho nhà nước 400 tấn vịt thịt, đưa hàng ngàn tấn thóc tiết kiện chi viện cho vùng giải phóng. Trong công tác thủy lợi có phong trào "85m3 đất nhớ công ơn Bác Hồ", "40m3 mừng miền Nam đại thắng".

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com