[links()]
(Tiếp theo)
Trong năm 1969, giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương đạt 131,319 triệu đồng, tăng 9,7% so với năm 1968, trong đó có 10 mặt hàng vượt năm trước, 8 mặt hàng vượt năm 1964, sản xuất thủ công nghiệp vượt kế hoạch 0,31%. Có 45/54 loại hàng chủ yếu phục vụ nông nghiệp và tiêu dùng tăng với tốc độ khá.
Sản xuất công nghiệp năm 1970 vẫn được phát triển theo hướng tập trung phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản và đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương đạt 136,563 triệu đồng, tăng hơn năm trước 2,3% và đạt 93,2%. Việc phục vụ nông nghiệp nổi bật nhất là ngành cơ khí đã đi vào sản xuất phụ tùng thay thế và sửa chữa các loại công cụ, máy nổ, máy công tác cho các hợp tác xã.
Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, thông qua các cuộc vận động lớn, công tác quản lý kinh tế, quản lý xí nghiệp bước đầu có tiến bộ, nhất là quản lý lao động, vật tư. Đại bộ phận các cơ sở quốc doanh đã đi vào thực hiện ghi chép ban đầu, xây dựng và điều chỉnh định mức lao động, định mức vật tư (riêng 22 xí nghiệp do Ty Công nghiệp quản lý xây dựng thêm được 108 định mức lao động mới, tăng 44% so với năm trước, số người làm hưởng lương theo sản phẩm tăng 26,3%). Số cơ sở phải bù lỗ giảm, một số xí nghiệp kinh doanh đã có lãi. So với năm 1967, giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1971 tăng 28,48%, tập trung phục vụ sản xuất và đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành cơ khí tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ vững việc sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế. Mạng lưới sửa chữa bước đầu được hình thành và đang thực hiện sự phân công hỗ trợ trong toàn hệ thống. Mạng lưới điện ở các huyện bước đầu được cải tạo để phát huy tác dụng. Hệ thống sản xuất vật liệu xây dựng được hình thành từ tỉnh đến hợp tác xã, sản xuất hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng từng bước đi vào khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương. Tận dụng phế liệu và phế phẩm để sản xuất thêm mặt hàng mới, góp phần làm cho mặt hàng tiêu dùng thêm phong phú.
Nhận rõ vị trí của giao thông vận tải trong tình hình mới, Đảng bộ đã kịp thời lãnh đạo chuyển từ phục vụ chiến đấu sang phục vụ phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các yêu cầu của chiến trường; động viên quần chúng khẩn trương khôi phục đường sá, cầu cống, bến bãi. Trong năm 1969, tỉnh đã đóng mới được 11 xà lan thép trọng tải 1.100 tấn và tổng số thuyền có trọng tải 3.601 tấn cùng 1.825 xe cải tiến, 200 xe bò bánh lốp; sửa chữa tổng số thuyền có trọng tải 3.084 tấn, ô tô có trọng tải 170 tấn. Trong chiến dịch VT5 của Trung ương, vận tải vòng ngoài từ Nam Định vào Nghệ An, tỉnh đã vận chuyển 1.100 tấn hàng, huy động 111 xe vận tải của Xí nghiệp ô tô tham gia chiến dịch. Việc vận chuyển nội tỉnh đã đạt 1.462.891 tấn. Nhiều mặt hàng chủ yếu và những mặt hàng vận chuyển đột xuất (than, phân đạm, muối) đều được thực hiện tốt. Cùng với việc tập trung 2.000 tấn phương tiện phục vụ việc chống lũ đột xuất. Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của bộ chủ quản, địa phương đã tập trung vốn để nâng cấp và làm mới một số tuyến đường (21, 10, 54, 55), làm mới cầu treo sông Đào, làm mới cầu Tào, cầu Chuối (đường 10), cầu sắt (đường 38), rải đá một số đường (10, 12, 62). Phong trào giao thông nông thôn trở nên khá sôi động (30% số xã có phong trào toàn diện, 50% số xã khá về nhiều mặt, 20% số xã phong trào nổi từng mặt), đã đào đắp thêm được 1.790 km đường mới; cải tạo và sửa chữa được 788 km đường cũ, xây 689 cây cầu nhỏ và có 25% số xã xây dựng được tổ vận tải.
Hai năm 1970- 1971, ngành đã giải quyết tốt một số khâu kỹ thuật cho việc thi công cầu treo Đò Quan, lắp ghép xà lan trọng tải 150 tấn, làm thuyền xi măng lưới thép. Phong trào giao thông nông thôn phát triển từ 16 xã điển hình vào năm 1968 đã tăng lên 92 xã vào năm 1971.
Ngành bưu điện đầu tư nhiều vào khôi phục, củng cố hệ thống đường dây, cải tiến bộ máy và chế độ quản lý của ngành, giữ vững thông tin liên lạc, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Công tác xây dựng cơ bản được đẩy mạnh lên một bước hướng vào phục vụ cho ba mũi tiến công. Trong năm 1969 tỉnh đã dành nhiều tiền vốn, vật tư, thiết bị đầu tư xây dựng cho các ngành văn hóa, y tế, giáo dục, hành chính sự nghiệp và nhà ở của nhân dân thành phố Nam Định nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới. Tổng số vốn xây dựng đạt trên 20 triệu đồng, đạt 89,17% kế hoạch, hoàn thành 604/797 công trình, trong đó có 304 công trình đã đưa vào sử dụng. Riêng ngành công nghiệp, đã mở rộng 21 xí nghiệp cũ trang bị thêm cho 7 xí nghiệp cơ khí, tổng số thiết bị vượt kế hoạch 9,6%. Năm 1970, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 25,425 triệu đồng, bằng 84,3% kế hoạch và bằng 125% so với năm 1969, trong đó khu vực không sản xuất đạt 121,1% kế hoạch và bằng 131,8% so với năm trước. Các công trình xây dựng về thủy lợi đạt 121%, giao thông và phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt khá. Tuy vậy tiến độ xây dựng nhìn chung chậm, nhất là một số công trình về công nghiệp (Xí nghiệp mì Ba Lan, Xí nghiệp mì sợi Liên Xô, Xí nghiệp dệt kim chưa khởi công). Chất lượng xây dựng chưa bảo đảm.
(Còn nữa)