Ký ức mùa xuân năm 1975 của những cựu chiến binh

12:02, 10/02/2016

Trong không khí của những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tất Thành ở xóm 7, xã Hải Trung (Hải Hậu) và Trần Khắc Thiêm, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Đó là những người lính năm xưa đã từng vào sinh ra tử, trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975. Khoảnh khắc lịch sử ấy mãi là quãng hồi ức đẹp đẽ, hùng tráng không thể nào quên đối với các cựu binh, và cũng là nguồn cổ vũ thế hệ hôm nay ra sức cống hiến, làm nên vạn mùa xuân trường tồn cho Tổ quốc.

Năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn căng thẳng, ác liệt chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ xóm nhỏ xã Hải Trung, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó vừa tròn 20 tuổi quyết tạm biệt quê hương, gia đình tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi được huấn luyện ở tiểu đoàn 837 Tỉnh đội Nam Hà, anh được cử đi B, biên chế vào Đoàn 2019 vào miền Đông Nam Bộ rồi tiếp tục được phân về Trung đoàn 42, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, lúc đó anh là chiến sĩ pháo binh. Tháng 3-1975, anh cùng với đơn vị tham gia đánh giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng rồi Chân Thành, Chuông Mít, sau đó cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đi hướng Tây Nam giải phóng Thị xã Hậu Nghĩa và Đức Hòa (Long An) rồi tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhớ lại những năm tháng gian khổ mà tự hào, CCB Nguyễn Tất Thành xúc động “Tháng 4-1975, khi đánh vào Đức Hòa, Thị xã Hậu Nghĩa (đoạn sông Vàm Cỏ), cả đoàn quân không thể qua sông do địch đánh phá liên tục. Chúng tôi buộc phải tìm ra các phương án để vượt sông. Cuối cùng, bằng các biện pháp kỹ thuật tác chiến, từ tối hôm trước cho đến 10 giờ sáng hôm sau, sư đoàn mới qua được sông Vàm Cỏ. Khi sang được bên bờ bên kia thì xe pháo bị sa lầy. Tình hình lúc ấy rất khẩn cấp, trên đầu máy bay địch truy quét, giã đạn. Sư đoàn buộc phải tìm cách ẩn náu để địch không phát hiện. Khi các đợt truy quét “giãn” đi, chúng tôi kéo pháo ra rồi lại lắp nòng, tiếp tục tiến đánh Hậu Nghĩa và Sài Gòn”... Nhìn ánh mắt sáng, giọng kể hào sảng, chúng tôi hiểu, đó là những kỷ niệm không thể nào quên của CCB Nguyễn Tất Thành mỗi khi nhớ lại những năm tháng gian khổ song rất đỗi tự hào của mình.
CCB Nguyễn Tất Thành kể chuyện truyền thống cách mạng cho các em học sinh.
CCB Nguyễn Tất Thành kể chuyện truyền thống cách mạng cho các em học sinh.
Cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nếu ông Nguyễn Tất Thành là lính pháo binh thì CCB Trần Khắc Thiêm, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) lại là lính hỏa lực. Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, ông Thiêm tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Lá đơn xin nhập ngũ đề tháng 9-1972, khi đó ông Thiêm mới 17 tuổi. Ông được phân về tiểu đoàn 1, Trung đoàn 19, Tỉnh đội Nam Hà. Tháng 11-1972, ông được điều động vào miền Nam chiến đấu. Đến tháng 4-1973, ông được phân về đơn vị C5D1 Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, địa bàn chiến đấu chủ yếu ở Đồng Nai, Long Khánh, Bình Phước, Bình Dương... Năm 1974, lúc đó ông Thiêm đảm nhiệm vị trí tiểu đội trưởng hỏa lực cối 82, đơn vị của ông có nhiệm vụ tham gia chiến đấu tại khu vực cầu sông Nha Bích (Bình Phước), Quốc lộ 14 của Đồng Xoài, đánh Bầu Bà, Định Quán (Đồng Nai), Thị xã Phước Long, Tây Nam Bến Cát, chốt chặn Quốc lộ 13 và bắt đầu bước vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Ông Trần Khắc Thiêm nhớ lại: Tháng 4-1975, đơn vị của tôi được phân công phối hợp với Sư đoàn 9 đánh trận Tây Nam Bến Cát. Đây được coi như địa điểm chiến lược Bộ Chỉ huy chiến dịch chú trọng bởi nếu địch chiếm được khu vực trọng điểm này sẽ rất khó khăn cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Lúc đó tất cả các lực lượng chiến sĩ không quân, pháo binh… cùng với đơn vị tôi thay nhau suốt 20 ngày đêm đánh chiếm chốt chặn địch, Trung đoàn của tôi hy sinh hơn 1 nửa quân số, sau đó chúng tôi đã chiếm được vị trí nhưng hình ảnh về những người đồng đội đã hy sinh không bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Sau trận đánh ác liệt này, chúng tôi tiến vào giải phóng Long Khánh để bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, hai người lính mỗi người lại một nhiệm vụ khác nhau. Năm 1977, ông Thành được cử ra Bắc để đào tạo sĩ quan chỉ huy pháo binh, năm 1978 ra trường và làm chính trị viên đại đội rồi chính trị viên tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 204, Binh chủng Pháo binh. Đến tháng 6-1984, Bộ Quốc phòng điều ông sang làm chuyên gia quân sự tại Căm-pu-chia (chuyên gia về pháo binh của Đoàn 478). Tháng 2-1987, ông về nước và làm chính trị viên tiểu đoàn 3, đến tháng 11-1987 ra quân và hưởng chế độ bệnh binh mất sức 72%. Sau đó ông về địa phương tham gia công tác ở cơ sở với nhiều trọng trách khác nhau, trong đó có 22 năm làm Bí thư chi bộ. Hiện ông đang giữ chức vụ giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hải Trung. Còn ông Trần Khắc Thiêm sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, tháng 12-1977 ông được phục viên, về tham gia công tác tại địa phương. Tháng 7-2015, ông thôi giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Giao Thịnh và nghỉ hưu theo chế độ. Dù trên cương vị công tác nào, các ông vẫn luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 60 năm tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn lặng lẽ đóng góp sức mình cho Tổ quốc, vì sự phát triển của quê hương. Ông Thiêm chia sẻ: “Dù ở thời chiến hay thời bình, tôi vẫn nguyện đem hết sức mình dựng xây cho quê hương, đất nước, nguyện sống đúng với phẩm chất và đạo đức của người lính, là tấm gương sáng cho các thế hệ con, cháu học tập và noi theo”.
 
Ký ức về Chiến dịch mùa xuân lịch sử năm 1975 của những người lính vẫn còn mãi mãi với thời gian. Những hy sinh mất mát của các CCB chắc chắn sẽ không uổng phí khi ngày nay, lớp lớp thế hệ trẻ đã và đang nỗ lực cố gắng, đóng góp sức trẻ vì những mùa xuân tươi đẹp của quê hương, đất nước./.
 
Bài và ảnh: Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com