Người quảng bá nghệ thuật rối nước ra thế giới

12:02, 10/02/2016

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, quê thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) là người đầu tiên sáng tạo ra sân khấu rối nước thu nhỏ; có nhiều tâm sức quảng bá nghệ thuật rối nước ra thế giới. Căn nhà 4 tầng, mỗi tầng hơn 30m2 của anh nằm ở một ngách phố Khâm Thiên, quận Đống Đa (Hà Nội) hằng ngày luôn “đỏ đèn” đón khách. Dành trọn một buổi chiều cho chúng tôi, anh trải lòng về “Chuyện đời, chuyện nghề” hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật rối nước.

Độc đáo “Bảo tàng rối nước”
 
Cùng với đoàn khách nước ngoài, chúng tôi đến với “Bảo tàng rối nước” của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vào một chiều chủ nhật cuối năm. Đảm nhận vai trò “3 trong 1”, anh Liêm vừa là MC; vừa là một nghệ sĩ biểu diễn; vừa là nghệ nhân chế tác con rối. Trước hết, khách được mời lên tầng 2 để anh giới thiệu về lịch sử múa rối nước truyền thống. Tiếp theo, khách tham quan khu trưng bày con rối tại tầng 3, tìm hiểu về kỹ thuật và chất liệu sơn để làm ra một con trò. Sau đó, khách lên tầng 4 xem biểu diễn do chính nghệ sĩ Phan Thanh Liêm biểu diễn với các trò diễn truyền thống và hiện đại. Số ghế dành cho khán giả hơn 20 chỗ, không gian nghệ thuật thật gần gũi, không có khoảng cách giữa người “thưởng thức” nghệ thuật và người nghệ sĩ biểu diễn. Những con rối chế tác bằng gỗ trở thành những “nhân vật” được nhân cách hóa, biểu cảm những nội dung, cốt truyện và đề tài về cuộc sống một cách chân thực, sinh động. Trên nền nhạc theo điệu lưu thủy, cò lả, cảnh những con cá bơi lội tung tăng, rồi người đi đánh cá với nơm, vó bè, vó tay… tất cả đều sinh động như cuộc sống thực. Phía sau thủy đình, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm với kỹ thuật điêu luyện, đã “thổi hồn” những quân gỗ thành những nhân vật mang tính cách điển hình, thể hiện màu sắc đa dạng, phong phú. Sở dĩ, mỗi buổi biểu diễn của anh Liêm chỉ giới hạn một lượng khách nhất định bởi, khác với một buổi biểu diễn nghệ thuật rối nước đơn thuần, đến với “Bảo tàng rối nước” của anh, khán giả không chỉ được “mục sở thị” những trò diễn độc đáo của bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc từ quê hương Bàn Thạch mà còn được trực tiếp “thực hành” kỹ thuật điều khiển con rối; được anh nói về cách chế tác, tạo con trò; nguồn gốc và ý nghĩa của từng tích diễn.
 
Sau giờ biểu diễn, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trải lòng với chúng tôi về “Chuyện đời, chuyện nghề” hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật rối nước. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật rối nước thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang, ông nội anh là nghệ nhân Phan Văn Huyên - nghệ nhân nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình rối nước. Bố anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải - tác giả của thủy đình đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay (đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền vào năm 1989) và là tác giả của chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Nói về nét độc đáo của nghệ thuật rối nước quê hương, anh khẳng định: “Bàn Thạch là một trong 3 làng múa rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc. Không ai biết chính xác nghệ thuật múa rối nước ở Bàn Thạch xuất hiện từ khi nào, nhưng loại hình nghệ thuật này chính thức trở thành phường rối nước Nam Chấn vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Đồng hành cùng thời gian, người Bàn Thạch góp tiền, góp của bỏ công để tạc quân, chế máy và thả hồn mình để điều khiển con trò theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Đoàn nghệ thuật rối nước Sông Ngọc do cha anh là cụ Phan Văn Ngải sáng lập cũng là đoàn rối nước tư nhân đầu tiên ở Nam Định và cả nước. Anh chia sẻ: “Từ nhỏ tôi được sống trong không gian nghệ thuật múa rối truyền thống, nhất là được thừa hưởng tình yêu rối nước của cha nên tôi đã chọn con đường múa rối nước để lập thân”. Với tình yêu nghệ thuật truyền thống quê hương, có thời điểm rối nước mai một, sân khấu vắng khán giả, anh vẫn một lòng gắn bó đam mê sáng tạo con trò, tích diễn. Năm 35 tuổi anh lập gia đình. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Minh Loan, người con gái Hà Thành luôn động viên, chia sẻ cùng chồng vượt qua mọi khó khăn để giữ hồn rối nước. Hiện nay, vợ chồng anh có 2 con trai, diện tích nhà nhỏ hẹp, để mở “Bảo tàng rối nước” tại nhà, anh chị phải giản tiện mọi nhu cầu sinh hoạt để phục vụ khán giả, góp phần bảo tồn và quảng bá nghệ thuật rối nước dân tộc.
Mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ tại nhà riêng của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.
Mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ tại nhà riêng của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.
Quảng bá nghệ thuật rối nước ra thế giới
 
Là người gắn bó với nghệ thuật rối nước từ nhỏ, anh Liêm luôn trăn trở, tìm hướng đi cho nghệ thuật rối nước, phù hợp với nhịp sống đương đại. Trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, những tích lũy qua thời gian biểu diễn trong đoàn múa rối Sông Ngọc của gia đình và từ những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn rối nước trong cả nước, anh nhận thấy những hạn chế của rối nước là mặc dù đã tồn tại qua nhiều thế kỷ nhưng các trò diễn và hình dáng của các con rối vẫn không hề thay đổi. Trong khi đó, việc giao lưu văn hóa của các địa phương trong nước cũng như với thế giới rất rộng mở nên anh đã bắt tay vào “cải tiến” các con rối phù hợp với sân khấu lưu động để tiện cho việc lưu diễn. Cách đây 15 năm, tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ (Hà Nội - 2000), anh là người đầu tiên giới thiệu mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ. Buổi diễn của anh gây tiếng vang với kỹ thuật “độc diễn rối nước”. So với sân khấu múa rối nước truyền thống bán kính có thể lên tới 10m, anh đã tìm tòi, thiết kế “thủy đình” nhỏ hơn, mái đình được cải tiến còn 1 mái, giữ nguyên được những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống; “Tre vàng Thánh Gióng” được trang trí hai bên sân khấu, khắc họa nét đẹp làng quê; bể được thiết kế hình bán nguyệt rộng 1,5m và làm bằng các chất liệu cao su, có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng. Con trò cũng được cải tạo nhỏ hơn phù hợp với thủy đình mi ni. Ở sân khấu múa rối nước truyền thống, con rối được kết nối với đoạn gậy, người điều khiển phải đứng dưới nước để điều khiển hàng tiếng đồng hồ, nếu tích diễn có 3 đến 7 con rối thì cũng cần 3 đến 7 người trình diễn. Với sân khấu mi ni, anh đã cải tạo con trò có đế bằng cao su, một người có thể điều khiển được nhiều con rối cùng một lúc phù hợp với thủy đình thu nhỏ. Trong đó, đan xen giữa các tích trò, anh chọn lựa giai điệu âm nhạc, những làn điệu chầu văn, hát chèo, quan họ có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, sâu sắc. Với tâm nguyện “Đưa nghệ thuật truyền thống vào cuộc sống”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm hướng tới khán giả là các em học sinh và du khách nước ngoài. Đó cũng là “động lực” để anh trăn trở, tìm tòi và sáng tạo ra những trò rối nước mới, phản ánh được những vấn đề sinh động, đa chiều trong nhịp sống đương đại. Trong 10 năm qua, không đặt mục tiêu “doanh thu”, anh luôn sáng tạo nhiều tiết mục, chương trình múa rối nước đề tài hiện đại như vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường sống, an toàn giao thông để mang rối nước vào học đường. Vẫn giữ nguyên nét đặc trưng có tính ước lệ của môn nghệ thuật rối nước, nhưng hoạt cảnh và cách dàn dựng cốt chuyện mang tính đương đại, với kỹ thuật trình diễn điêu luyện, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã “thổi hồn” cho những con trò trên “thủy đình” trở thành những bác nông dân, ông lão đánh cá, cô tiên, con trâu, con cá, rồng, con vịt... qua những câu chuyện của thế giới lung linh huyền ảo đã giáo dục cho các em về môi trường, cuộc sống lao động, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Qua con rối cũng có thể dạy cho các em những câu đồng dao, những làn điệu dân ca. Anh Liêm bộc bạch: “Tâm nguyện của tôi và những người làm nghệ thuật rối nước muốn đưa nghệ thuật múa rối vào học đường với mong muốn mang đến một thế giới tưởng tượng phong phú bằng cảm xúc nhận thức nghệ thuật giúp các em gợi mở suy nghĩ sáng tạo, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Thông qua tích trò, các câu chuyện kể về lịch sử, cổ tích, sẽ gieo vào các em những ước mơ, hướng các em đến những điều tốt đẹp của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường còn nuôi dưỡng nghệ thuật trong tâm hồn thế hệ trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, đào tạo lớp kế cận cho từng thể loại nghệ thuật và sân khấu”. 
 
Với sân khấu rối nước thu nhỏ, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn được nhiều tổ chức trên thế giới mời đi biểu diễn, góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc với bạn bè thế giới. Năm 2003, anh đã đem sân khấu rối nước thu nhỏ sang lưu diễn tại Thủ đô Xơ-un và nhiều thành phố khác của Hàn Quốc. Năm 2005, lưu diễn tại I-ta-li-a trong khuôn khổ Festival An-đéc-xen. Năm 2007, anh lưu diễn tại Ca-na-đa. Trong hơn 10 năm qua, anh đã đem sân khấu múa rối nước thu nhỏ đi lưu diễn tại Thái Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Ma-lai-xi-a, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc... Tháng 9-2015, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được mời biểu diễn trong chương trình “Khám phá Việt Nam” do Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức nhằm xúc tiến đầu tư thương mại, thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Anh, quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com