"Sống vì Đảng, chết không rời Đảng"

05:02, 05/02/2016

Đồng chí Vũ Văn Hiếu, quê xã Hải Anh (Hải Hậu), Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta. Lẽ sống và phẩm chất cách mạng “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng” của đồng chí là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản để các thế hệ học tập, noi theo. Ngày 10-8-2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1674/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Vũ Văn Hiếu.

Anh hùng trên đất anh hùng

Cùng với các đồng nghiệp Báo Quảng Ninh, chúng tôi về thăm quê hương đồng chí Vũ Văn Hiếu - đất Quần Anh xưa, xã Hải Anh nay. Đây là nơi hơn 500 năm trước, 4 cụ tổ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập đến định cư để mở ra vùng đất Hải Hậu. Đặt chân đến Khu lưu niệm, mặt trời đứng ngọn tre, chúng tôi chứng kiến một buổi học ngoại khóa của các em học sinh Trường THPT Vũ Văn Hiếu. Bác Trần Ngọc Điều 75 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng say sưa kể về lịch sử truyền thống của đất và người quê hương. Khi chúng tôi hỏi về truyền thống quê hương, em Trần Phương Lan, học sinh lớp 10A1 kể vanh vách: “Năm 1862, 1867, Vua Tự Đức ban tặng Quần Anh: “Mỹ tục khả phong” và “Thiện tục khả phong” (nơi có nhiều phong tục tốt đẹp). Để ghi nhớ công ơn tiên tổ, nhân dân lập đền thờ “Thuỷ Tổ Quần Anh” để thờ tứ tổ và các liệt tổ khai sáng. Ngoài “Tứ tổ khai sáng” còn thờ “Thành trung liệt tổ” tiếp đến “Kế chí liệt tổ”. Năm 1990 đền thờ thủy tổ cùng với chùa Lương, cầu Ngói xã Hải Anh được Nhà nước cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia”. Em Nguyễn Việt Anh, học sinh lớp 11A3 cảm nhận truyền thống quê hương với niềm xúc động, tự hào: “Đất Quần Anh xưa - Hải Anh nay còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đã sản sinh ra nhiều con người ưu tú như: Anh hùng, liệt sĩ Vũ Văn Hiếu; Anh hùng, liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Thi; Thiếu tướng, Anh hùng Trần Minh Chiến. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân xã Hải Anh đã dũng cảm chiến đấu lập công xuất sắc được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 116 cá nhân được thưởng Huy chương Kháng chiến, 105 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 290 người con hy sinh được công nhận liệt sĩ, trong đó có 8 du kích đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương”. Nói về ý nghĩa của buổi học ngoại khóa, bác Trần Ngọc Điều niềm nở: “Con trẻ ở đất này, từ nhỏ đã được giáo dục thông tỏ về truyền thống văn hiến của quê hương, dân tộc. “Ngọc bất trác bất thành khí/ Nhân bất học bất tri lý”. Đó chính là nét đẹp văn hóa trong nếp sống trên quê hương “Tứ tính, Cửu tộc”, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài vì sự nghiệp “trăm năm trồng người” ở đất Quần Anh xưa - Hải Anh nay”.

Học sinh Trường THPT Vũ Văn Hiếu (Hải Hậu) tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của Anh hùng, liệt sĩ Vũ Văn Hiếu tại khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh.
Học sinh Trường THPT Vũ Văn Hiếu (Hải Hậu) tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của Anh hùng, liệt sĩ Vũ Văn Hiếu tại khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh.

Tại khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông. Ở vị trí trang trọng là bức trướng ghi câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về đồng chí Vũ Văn Hiếu: “Đồng chí Hiếu là một đồng chí sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Được bác Trần Ngọc Điều cung cấp những tư liệu về thân thế, sự nghiệp của người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hình ảnh “Người tù trao áo” mà nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa “Chết còn cởi áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”. Tinh thần “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng” của đồng chí Vũ Văn Hiếu sẽ còn sống mãi với thời gian.

“Sống vì Đảng, chết không rời Đảng”

Theo các tư liệu được lưu giữ tại Khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, ông sinh ngày 20-3-1907, là con thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em; thân phụ là cụ Vũ Viết Giản, sinh năm 1872, mất năm 1935, thân mẫu là cụ Vũ Thị Yểng, sinh năm 1877, mất năm 1943. Khi lên 9 tuổi, Vũ Văn Hiếu được người cô ruột là Vũ Thị Nhung đón lên Thái Nguyên nuôi và cho ăn học. Khi người cô qua đời, đồng chí đến Hải Phòng vừa học, vừa làm tại trường kỹ nghệ thực hành. Tại đây, đồng chí Vũ Văn Hiếu được tiếp xúc với bè bạn có tư tưởng tiến bộ như Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ, Nguyễn Khắc Khang. Năm 1925 tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ra đời, sách báo và tài liệu của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc được bí mật tuyên truyền đã tác động mạnh tới tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Cùng với bạn bè ở trường kỹ nghệ, Vũ Văn Hiếu tích cực truyền bá tư tưởng yêu nước và tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Đầu năm 1926, Vũ Văn Hiếu tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Sau lần đấu tranh này, Vũ Văn Hiếu cùng hơn 30 người khác bị chính quyền thực dân Pháp đuổi học và ghép vào tội “gây rối loạn an ninh - xã hội”. Đầu năm 1928 Vũ Văn Hiếu ra mỏ than Hà Tu làm phu đầm trục, phu gạt đường, mở lớp dạy học cho con em thợ mỏ tại sở mới.

Tháng 11-1929, đồng chí Vũ Văn Hiếu được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và tham gia sinh hoạt tại chi bộ Hòn Gai. Được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở Hà Tu - Hà Lầm, đồng chí chuyển từ dạy học sang làm thợ để có điều kiện gần gũi, giác ngộ thợ thuyền tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng. Từ đây, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hà Tu được thành lập, đồng chí Vũ Văn Hiếu được cử làm Bí thư chi bộ; đến tháng 4-1930 được cử làm Bí thư Đảng uỷ mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả. Đồng chí Vũ Văn Hiếu đã cùng tập thể lãnh đạo công nhân mỏ đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi tăng lương, giảm giờ làm cho thợ mỏ. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở khu mỏ, chính quyền thực dân và bọn chủ mỏ hoảng sợ, tăng cường khủng bố, đàn áp. Ngày 17-5-1930 đồng chí Vũ Văn Hiếu bị địch bắt. Mặc dù bị tra tấn cực hình nhưng đồng chí không khai và không nhận bất cứ điều gì mà kẻ thù gán cho mình. Không đủ bằng chứng buộc tội, bọn mật thám phải trả tự do cho đồng chí Vũ Văn Hiếu. Sau một thời gian, Trung ương quyết định tách Đảng bộ Hòn Gai - Cẩm Phả thành Đảng bộ Hòn Gai và Cẩm Phả, đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ Cẩm Phả. Tại Cẩm Phả, đồng chí được bố trí làm thợ ở xưởng cơ khí và bắt tay vào phục hồi củng cố cơ sở của Đảng sau vụ khủng bố của địch tháng 5-1930.

Tháng 10-1930, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất quyết định thành lập Đảng bộ Đặc khu mỏ than Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được Trung ương chỉ định làm Bí thư và trở thành người Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên của mỏ than Quảng Ninh. Giữa lúc phong trào công nhân và phong trào cộng sản ở khu mỏ đang phát triển mạnh mẽ, ngày 9-2-1931 địch tiến hành càn quét khủng bố dữ dội trên phạm vi toàn khu mỏ, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng gần 70 cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú của Đảng bộ Đặc khu bị địch bắt. Sau hơn 3 tháng kể từ ngày bị bắt, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã bị mật thám ở khu mỏ, ở Hải Phòng và Bắc Kỳ thay nhau tra khảo, nhưng bọn chúng không khuất phục được người Bí thư kiên trung, bất khuất. Ngày 13-5-1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng 40 cán bộ, đảng viên ra xét xử ở Hội đồng Đề hình Hà Nội. Không run sợ trước sự đe dọa của chính quyền thực dân, trước mặt quan toà, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi giữ lời khai trước đây của tôi, tôi có chân trong Đảng Cộng sản vì tôi xét ra chỉ có chủ nghĩa cộng sản là có thể cứu nhân loại khỏi vòng lầm than”. Toà án thực dân Pháp đã liệt đồng chí Vũ Văn Hiếu vào “lãnh tụ có huấn luyện trong trường” và đã kết án 20 năm tù cầm cố, đày ra Côn Đảo.

Ngày 8-7-1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng 80 tù nhân khác bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo; bị giam ở Banh 2 cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Nguyễn Khắc Khang. Đồng chí Vũ Văn Hiếu đã tích cực tham gia Ban trật tự gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Phạm Văn Đồng bí mật tổ chức để hướng dẫn, chỉ đạo cuộc đấu tranh trong nhà tù. Đồng chí Hiếu còn được phân công vào tổ may vá, sửa chữa quần áo và giúp đỡ anh em trong Banh 2 lúc ốm đau. Khi tổ lý luận và tổ học tập văn hoá được bí mật thành lập để nâng cao trình độ cho các chiến sĩ trong tù, đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công bảo vệ tài liệu, chép và dịch sách kinh điển từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Tháng 5-1936, nắm được tình hình Mặt trận nhân dân Pháp thắng cử, chính phủ của Mặt trận lên cầm quyền, chủ trương thả tù chính trị phạm ở các xứ thuộc địa của Pháp, chi bộ nhà tù Côn Đảo đã phát động anh em đấu tranh đòi thực dân Pháp thả hết tù chính trị. Tháng 11-1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do. Ra tù, đồng chí được Đảng cử vào miền Nam, làm việc tại cơ quan Trung ương Đảng với tư cách là phái viên để chỉ đạo tuần báo Đông Phương tạp chí có trụ sở tại Thị xã Mỹ Tho. Đây là tờ báo do các đảng viên lập ra, để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận động quần chúng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 9-1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng vào Nam, trực tiếp làm việc tại cơ quan Trung ương đóng tại Hóc Môn - Bà Điểm. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ giúp việc cho đồng chí Tổng Bí thư. Tháng 11-1939 cơ quan Trung ương chuyển về địa điểm nhà số 10, đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn. Thời gian này, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng (Chánh Văn phòng Trung ương đầu tiên của Đảng ta). Trong đợt khủng bố tháng 1-1940 của địch, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... bị địch bắt tại cơ quan Văn phòng Trung ương. Ngay khi bị địch bắt, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã suy nghĩ đến trách nhiệm của mình là làm sao phải bảo vệ được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Khi địch đưa các đồng chí bị bắt vào phòng giam ở bốt Ka-ti-na, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã bí mật nhắn với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn: “Tôi đã nhận toàn bộ tài liệu địch lấy được là của tôi, địch có đánh thì tôi chịu, tôi không khai cho các đồng chí đâu. Các đồng chí cứ chối hết đi. Tôi chịu đòn, chịu chết thay cho các đồng chí để các đồng chí sống hoạt động cho Đảng”.

Sau 8 tháng bị giam cầm, tra tấn nhưng không khuất phục được đồng chí Vũ Văn Hiếu, thực dân Pháp đã đưa đồng chí ra xử tại toà án binh thường trực Sài Gòn và kết án 10 năm tù lưu đày. Đầu năm 1941 đồng chí Vũ Văn Hiếu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ 2 và tiếp tục bị giam ở Banh 2 cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh. Chế độ nhà tù tàn bạo của thực dân Pháp cộng với bệnh tật hành hạ, sức khoẻ đồng chí Vũ Văn Hiếu ngày càng suy kiệt. Biết mình không thể sống nổi, đồng chí cởi chiếc áo đang mặc trao cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng. Áo đây đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng... Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn có việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng” và đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày giá lạnh đầu năm 1943 trong vòng tay của những đồng chí cùng bị giam ở Banh 2 nhà tù Côn Đảo. Lúc đó đồng chí mới 36 tuổi.

Người chiến sĩ cộng sản Vũ Văn Hiếu, người con ưu tú của quê hương Nam Định đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Đảng, của dân tộc. Để tôn vinh và tưởng nhớ công lao của đồng chí Vũ Văn Hiếu - Người Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên của Quảng Ninh, tại phường Hà Tu, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã dựng tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu bằng chất liệu đá nguyên khối. Tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo đã xây dựng bức tượng “trao áo” biểu hiện cho tinh thần hy sinh cao cả vì Tổ quốc của người chiến sĩ cách mạng Vũ Văn Hiếu./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com