Du xuân miền lễ hội

09:02, 05/02/2016

Nói đến mùa Xuân là nói đến lễ hội. Bởi trong mùa Xuân, lễ hội đã trở thành tâm điểm, tạo niềm hứng khởi cho con người để tìm về với cội nguồn dân tộc. Nam Định là tỉnh có nền văn hóa đa dạng, phong phú, là nơi tập hợp nhiều quần thể di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, cùng với ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc, các lễ hội chính là “điểm đến” để du khách tìm về thưởng thức, khám phá những điều kỳ diệu diễn ra trong mùa Xuân.

Lễ hội mùa Xuân ở các địa phương trong tỉnh không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước cũng như những bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng hơn 100 lễ hội được tổ chức vào mùa Xuân, tập trung nhiều ở các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Hải Hậu và Thành phố Nam Định…
 
Đặc sắc nhất trong các lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta có thể kể đến là Lễ Khai ấn Đền Trần tại Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Vào trước thời điểm diễn ra Lễ Khai ấn, du khách từ khắp nơi đổ về Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp để dâng hương tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ Khai ấn tại Đền Trần được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống. Vào giờ Tý đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, các cụ cao niên phường Lộc Vượng tổ chức đoàn rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch thờ Đức Thánh Trần sang đền Thiên Trường và long trọng làm Lễ Khai ấn. Nhiều năm nay, các nghi lễ truyền thống của Lễ Khai ấn đầu xuân được phục dựng và duy trì tổ chức trang nghiêm, thể hiện đúng tinh thần, tâm nguyện tri ân công lao của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Về dự Lễ Khai ấn đầu xuân, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của quần thể Khu di tích lịch sử - văn hoá Trần, tìm hiểu về một thời đại anh hùng 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Lễ Khai ấn đầu xuân trở thành một tập tục văn hóa, tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn, thể hiện lòng thành kính biết ơn tổ tiên và cũng nhắc nhở người dân kết thúc những ngày nghỉ Tết để bắt tay vào công việc lao động sản xuất đầu năm mới.
 
Vùng quê Thiên Bản xưa, Vụ Bản nay vốn nổi tiếng là “Vùng đất của lễ hội”. Nơi đây hầu hết các lễ hội được tổ chức vào mùa Xuân. Ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, dân làng mở hội ngay từ ngày mùng hai Tết tưởng nhớ vị tướng có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc và tổ chức các trò chơi dân gian, thi làm cỗ, làm bánh. Vào ngày mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng, hàng chục vạn người từ khắp nơi nô nức trẩy hội chợ Viềng Vụ Bản dọc theo trục đường liên huyện kéo dài 6 cây số trên địa bàn các xã Trung Thành, Kim Thái, Thị trấn Gôi để mua sắm cầu may. Chợ Viềng Vụ Bản còn gọi là chợ Viềng Phủ bởi gắn với di tích Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt. Du khách đến chợ Viềng thường về thắp hương tại các đền, phủ rồi mới đến chợ mua bán lấy may để cầu mong quanh năm làm ăn phát đạt. Hội chợ Viềng Xuân còn được coi là khởi đầu của cuộc đại diễn xướng về sử thi Mẫu Liễu - một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt. Bởi mặc dù lễ hội Phủ Dầy được mở từ mùng 3 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch, nhưng suốt từ tháng Giêng khi bắt đầu phiên chợ Viềng đến hết tháng Ba âm lịch, nhân dân địa phương và khách thập phương nô nức về quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy để dâng hương lễ Mẫu. Ngoài ý nghĩa tâm linh của phần lễ, lễ hội Phủ Dầy còn có nhiều hoạt động văn hóa độc đáo mang nhiều sắc thái dân gian như: hát chầu văn, múa rồng, hoa trượng hội… Cùng với hội chợ Viềng Xuân, lễ hội Phủ Dầy, từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, ở nhiều vùng quê của huyện Vụ Bản, nhiều lễ hội được tổ chức như lễ hội Thái bình xướng ca làng Quả Linh (xã Thành Lợi), hội Đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng), hội làng Gạo (xã Thành Lợi)… Các lễ hội trên địa bàn huyện Vụ Bản đều gắn với câu chuyện về những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, những người có công trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân. 
Lễ hội di tích lịch sử - văn hóa đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Lễ hội di tích lịch sử - văn hóa đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Ở huyện Nam Trực, trong 3 tháng mùa xuân cũng diễn ra nhiều lễ hội ở các địa phương; tiêu biểu như hội chợ Viềng (mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng), hội chùa Bi (20 và 21 tháng Giêng), hội đền Giáp Tư (8-2 âm lịch), hội đền Đá Tân Thịnh (3-3 âm lịch), hội đền An Lá (từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch)… Cũng giống như chợ Viềng Vụ Bản, chợ Viềng Nam Trực là cuộc “triển lãm” những thành tựu kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương khi tại chợ bày bán đủ loại mặt hàng. Bên cạnh những sản vật của miền quê nông nghiệp trù phú, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo là đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, đồ tế lễ, đồ trang trí… được làm từ bàn tay, khối óc của người dân địa phương. Từ nhiều năm nay, du Xuân chợ Viềng Nam Trực đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng được sự ngưỡng vọng của khách thập phương đối với vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đậm đà sắc thái văn hoá dân gian này. Lễ hội Hoa cây cảnh Vị Khê xã Điền Xá (Nam Trực) được tổ chức từ 12 đến 14 tháng Giêng. Trong lễ hội có tổ chức thi cây cảnh, cây thế, thi làm bể cảnh, đúc hòn non bộ… Lễ hội chùa Bi (Thị trấn Nam Giang) được tổ chức vào ngày 20 và 21 tháng Giêng lại hấp dẫn người dân bởi nhiều hoạt động văn hoá cổ truyền độc đáo như lễ rước, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm… Độc đáo nhất là trò hát rối cạn với những nội dung như chúc tụng, mong ước cuộc sống thanh bình, làm ăn thịnh vượng... Trên địa bàn huyện Nam Trực còn nhiều lễ hội Xuân tiêu biểu như: lễ hội đền An Lá, xã Nghĩa An với các nghi lễ: Tế thần, rước kiệu và các sinh hoạt văn hoá dân gian như: múa rồng, múa sư tử, leo cầu kiều, diễn tích trò. Lễ hội đền Đá, xã Tân Thịnh với các cuộc thi làm oản, làm bánh tế thánh, thi làm cỗ, chọn cau lễ và những trò vui: múa gậy, kéo dây, đấu roi. Lễ hội làng Nam Trực (Nam Tiến) với trò chơi tổ tôm điếm. Lễ hội làng Giáp Nhất (Thị trấn Nam Giang) với hoạt động biểu diễn rối nước. Lễ hội đền Giáp Ba (Thị trấn Nam Giang) thờ Triệu Quang Phục được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng với các hội thi: thi lợn, bánh chưng, bánh dày. Lễ hội chùa Cổ Ra (Nam Hùng) tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng với các sinh hoạt văn hóa dân gian như tổ tôm điếm, hát chèo, ca trù… 
 
Du xuân ở các vùng quê trong tỉnh, khách thập phương còn được hòa mình vào lễ hội với các trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng của từng vùng, miền như: lễ hội chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Khê (Xuân Trường); lễ hội đền Ngọc Chấn, xã Yên Trị, lễ hội làng Mụa (Ý Yên)... với các trò chơi như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, bơi chải… Ở một số lễ hội mùa Xuân trong tỉnh còn có trò chơi diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng xưa và những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Ở lễ hội đình Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc), ngoài các nghi thức tế lễ còn có các trò độc đáo như: tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc dân đi mở đường”, tục thổi cơm thi..., tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt của thái ấp xưa một thời phồn thịnh của vương triều Trần. Ngoài ra, hội chọn vật lễ cũng là một trong những nét độc đáo của lễ hội mùa Xuân ở Nam Định. Tiêu biểu là hội “Trư kiên bảo” (Hội chọn lợn), “Kê kiên bảo” (Hội chọn gà) và Hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc… gắn với tín ngưỡng phồn thực, mong ước mùa màng bội thu. Về dự lễ hội, được tận mắt ngắm các kiệu cỗ, các trò chơi dân gian, mới thấy được sự tài hoa khéo léo của đôi bàn tay người lao động. Những con người thật thà, chất phác, một nắng hai sương nhưng cũng rất tài ba, năng động trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chế biến nông sản thực phẩm để tạo ra mùa màng bội thu. Vào mỗi mùa lễ hội, những sản vật này lại được chế biến thành các sản phẩm kiệu cỗ dâng lên tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Đó cũng là những người giữ gìn, phát huy và lưu truyền nét đẹp văn hóa trong các trò chơi dân gian mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc qua mỗi mùa lễ hội. Đến với các lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta, du khách không chỉ thưởng lãm mà còn có thể trực tiếp tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy, bơi chải, vật dân tộc, múa rồng, chọi gà, thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, thi thổi cơm, kéo co, chơi cờ người, cờ đèn dưới nước, hát chầu văn, múa gậy, kéo chữ...
 
Lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta thực sự là nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, động viên người dân hăng say lao động sản xuất, học tập và công tác. Từ những lễ hội này, nhiều giá trị văn hóa, tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người để từ đó hướng về cội nguồn với sự tri ân các thế hệ đi trước, để giữ gìn những phong tục tốt đẹp mỗi dịp Tết đến Xuân về./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com