Về nơi có cửa Bạch Đằng

02:02, 11/02/2013

Để có những cảm xúc chân thực và sự nhận biết sâu sắc hơn chiến thắng oanh liệt của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ III (1287-1288) và đón năm mới Quý Tỵ 2013, những ngày cuối năm Nhâm Thìn tôi làm cuộc viễn du từ quê hương Tức Mặc - Thiên Trường (Nam Định) tới Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) - nơi có cửa sông Bạch Đằng - một con sông thiêng của đất nước Việt Nam. Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, ba lần đại chiến thắng quân xâm lược ở cửa sông Bạch Đằng luôn là niềm kiêu hãnh và tự hào của mỗi người dân Đại Việt xưa, Việt Nam nay.

Năm Mậu Tuất (938) vua Hán sai con trai là Vạn vương Hoàng Thao đem đội binh thuyền vượt biển vào cửa sông Bạch Đằng hòng xâm chiếm nước ta. Để chống lại đội quân Hán xâm lược, nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền đã cho đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Khi nước thuỷ triều lên, bãi cọc nơi cửa sông chìm sâu dưới mặt nước; quân ta nhử đội thuyền chiến của địch vào sâu, tới khi thuỷ triều xuống mới phản công tiêu diệt đội thuyền của giặc, giết chết tướng Hoàng Thao. Cuộc xâm lược nước ta của nhà Hán thất bại. Chiến thắng nơi cửa sông Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc hơn 100 năm mất nước, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước ta.

Tranh minh họa/Internet.
Tranh minh họa/Internet.

Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ hai: Năm Tân Tỵ (981) đức Vua Lê Đại Hành (941-1006) đích thân chỉ huy quân đội Đại Cồ Việt chống lại cuộc xâm lăng của nhà Tống do các tướng Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàn Hưng, Trần Khâm Tộ chỉ huy đội quân xâm lược đi đường bộ và tướng Lưu Trừng chỉ huy đội quân thuỷ vào bằng đường sông Bạch Đằng xâm chiếm nước ta. Lê Hoàn đã cho đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng để ngăn chặn đội quân thuỷ của giặc. Nhìn thấy những bãi cọc nhô lên nơi cửa sông, bọn giặc khiếp đảm vội vã quay đầu thuyền rút chạy.

Và lần thứ ba là tháng 3 năm Mậu Tý (1288) để chống lại đội quân Nguyên - Mông xâm lược đi bằng đường thuỷ, Trần Hưng Đạo đã lệnh cho các đội quân Trần cùng với cư dân vùng đông bắc đẵn gỗ lim, táu ở các khu rừng nơi cửa sông Bạch Đằng cắm xuống lòng sông tạo thành những bãi cọc. Lợi dụng khi thuỷ triều lên đội thuyền của quân ta xông ra đánh rồi giả thua quay thuyền rút chạy, nhử đội thuyền chiến của giặc vào sâu trong nội địa. Tới khi nước triều xuống, thuyền quân ta nhất tề quay đầu lại phản công cộng với những đội thuyền mà quân ta đã mai phục sẵn ở hai bên bờ sông xông ra đánh địch, tạo nên chiến thắng vang dội: Quân ta tiêu diệt và bắt sống hơn 600 chiến thuyền cùng hơn bốn vạn quân xâm lược Nguyên - Mông. Bằng chiến thắng Bạch Đằng giang năm 1288 đã đập tan dã tâm xâm lược Đại Việt lần thứ ba của đế quốc Nguyên - Mông. Bạch Đằng giang vẫn còn đó và những chiến công oanh liệt của tiền nhân đã đi vào sử sách. Cuộc đại chiến thắng ở cửa sông Bạch Đằng của quân dân nhà Trần năm 1288 tới nay vừa tròn 725 năm.

Bất cứ ai mang trong mình dòng máu Lạc Việt khi về thăm vùng sông nước Quảng Yên (Quảng Ninh) đều bồi hồi xúc động. Mặc dù vùng cửa sông mênh mang xưa, nay do bồi đắp phù sa và do con người lấn tạo đã co hẹp lại nhưng vẫn còn khá rộng. Cửa sông Bạch Đằng là vùng hợp lưu của cửa sông Giá và sông Đá Bạch. Nơi hợp lưu cửa của ba con sông còn có tên là Họng sông; bao gồm một vùng sông nước rộng mênh mang từ bến phà Rừng sang đền thờ Trần Hưng Đạo thuộc huyện Yên Hưng (nay là Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) tới xã An Lễ, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Vùng sông nước này ngày xưa khi thuỷ triều lên rộng tới 15km, dòng chính rộng 4km.

Vùng bãi cọc xưa, nay nhiều chỗ đã thành ruộng, thành nhà… Được đứng nhìn khu bãi cọc (qua khai quật phát lộ sâu dưới lớp phù sa chưa đến 1m) và  mục sở thị những chiếc cọc Bạch Đằng bằng gỗ lim, gỗ táu… hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Thị xã Quảng Yên lòng ta không khỏi bồi hồi xúc động. Chứng tích vô giá ấy đã gợi lên trong tôi những nghĩ suy: Dưới sự tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo các đội quân Trần cùng dân ta ở vùng Đông Bắc đâu phải đi đốn gỗ ở nơi xa hay ở những núi đá vôi ngoài Vịnh Hạ Long để đem về đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng? Mà chặt gỗ ở ngay những vùng phụ cận nơi cửa ba sông: Bạch Đằng, sông Chanh và sông Đá Bạch… Cho tới nay ở vùng Quảng Yên vẫn còn những tên gọi cổ như: Phà Rừng, Bến đò Rừng, Làng Rừng, Chợ Rừng, Giếng Rừng… và một trong hai cái tên cổ của sông Bạch Đằng là Sông Rừng (tên cổ thứ hai: sông Vân Cừ).

Qua các văn tự cổ đều ghi rừng xưa ở nơi đây có rất nhiều gỗ lim và gỗ táu… Nay nếu ai về Thị xã Quảng Yên vẫn còn được thấy 2 cây gỗ lim cổ hơn 700 năm tuổi ở cạnh Giếng Rừng ngay giữa thị xã. Hai cây lim cổ cao khoảng 35m, tán rộng trên 30m, một cây gốc có chu vi hơn 7m. Cây thứ hai gốc có chu vi hơn 5m. Từ thực tiễn trên mà tôi nghĩ rằng: cái tên “Hang Đầu gỗ” hay “Hang Dấu gỗ” ở lưng chừng một quả núi đá vôi giữa Vịnh Hạ Long, coi đó là nơi tiền nhân xưa đẽo gỗ, giấu gỗ, hay tập kết gỗ để đem về đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Gọi tên và lý giải như thế là thiếu tính thuyết phục. Ông cha ta hơn 700 năm trước đâu phải ra giữa Vịnh Hạ Long mới kiếm được gỗ lim, gỗ táu đem về đóng cọc?!

Tranh minh họa/Internet.
Tranh minh họa/Internet.

Nhận thức thứ hai của tôi về bãi cọc Bạch Đằng: Vùng cửa sông rộng mênh mang như thế, thuyền chiến của giặc đều rất to và nhiều, khó có thể tiêu diệt gọn trong một thời gian ngắn. Để chuẩn bị cho trận quyết thắng Hưng Đạo vương đã đi thị sát và được một lão bà bán nước ở Bến đò Rừng nói cho người biết rõ những luồng lạch và giờ lên xuống của con nước thuỷ triều… Nhờ vậy mà Hưng Đạo vương đã cho đẵn gỗ rừng làm cọc đóng nơi cửa sông tạo thành những bãi cọc. Hiện nay đã tìm thấy ba di tích gốc là bãi cọc ở Đầm Nhừ, xã Yên Giang; bãi cọc đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Mả Ngựa, xã Nam Hoà huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Theo tài liệu của Viện Khảo cổ học (báo cáo đợt nghiên cứu tháng 11-2005) thì bãi cọc đồng Vạn Muối còn khoảng một ngàn cây cọc. Các cọc đều cắm sâu dưới đáy sông trên dưới 1m. Cọc dài từ 1,5m đến 3m.

Cách đánh trận thuỷ chiến nơi cửa sông Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần cũng giống cách đánh quân xâm lược nhà Hán năm 938 của Ngô Quyền: Khi thuỷ triều lên nhử đội chiến thuyền lớn của giặc vào sâu trong nội địa, lúc thuỷ triều xuống là phản công. Khi đó những bãi cọc và bãi đá ngầm nơi cửa sông đều lộ diện, thuyền giặc buộc phải rút theo một vài luồng lạch nhất định. Nếu ta đánh chìm một vài thuyền giặc đi đầu thì cả đội thuyền chiến của giặc ùn tắc lại tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt. Một số thuyền giặc va vào bãi cọc và bãi đá ngầm vỡ tan; phần lớn bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Chức năng chủ yếu của những bãi cọc cắm nơi cửa sông là ngăn không cho đội thuyền chiến của giặc tháo chạy một cách nhanh chóng. Nhờ vậy mà chỉ trong một ngày mồng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) quân ta đã đánh tan đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, tiêu diệt và bắt sống hơn 600 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân Nguyên - Mông. Tướng giặc Ô Mã Nhi, Phạm Nhan, Tích Lệ Cơ Ngọc… đều bị bắt sống.

Truyền thuyết kể rằng: Sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba (1288) Hưng Đạo vương có quay lại Bến Đò Rừng tìm lão bà bán nước để tạ ơn thì quán nước và lão bà đều không thấy, chỉ có một đống mối rõ to ở nơi bà lão ngồi bán nước. Hưng Đạo vương đã tâu với Vua Trần sắc phong cho bà lão bán nước ở Bến Đò Rừng là “Vua Bà”. Hiện nay, ngôi đền thờ Vua Bà đã được tạo dựng khá khang trang ở nơi bến đò xưa. Trước cửa ngôi đền hiện còn một cây cổ thụ hơn 700 năm tuổi; địa phương gọi đó là cây Quếch. Thần tượng “Vua Bà” cho ta hai suy nghĩ: Đó là hiện thân của thánh, của thần cùng quân dân nhà Trần đánh giặc ngoại xâm; hoặc giả đó là biểu tượng của nhân dân Đại Việt đã góp trí tuệ và công sức trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
Gợi mở thứ ba: Được nhìn tận mắt những chiếc cọc Bạch Đằng đang trưng bày tại Bảo tàng Thị xã Quảng Yên, trong số đó có một chiếc cọc có đục hèm ở một đầu cọc giống hệt hèm mộng của một xà nhà. Từ hiện vật quý giá này gợi mở trong mỗi chúng ta suy nghĩ: Phải chăng để ngăn chặn giặc và thực hiện lệnh của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương, nhân dân vùng đông bắc đã dỡ cả nhà để lấy gỗ góp vào làm cọc đóng dưới lòng sông? Nếu quả vậy thì truyền thống nhân dân ta dỡ nhà đánh giặc đã có từ thời Trần?

Cũng có thể mộng đó là để liên kết một số cây gỗ nằm ngang tạo nên sự vững chãi của bãi cọc? Đó là những chi tiết tạo nên những nghĩ suy hết sức thú vị.

Thêm một lần được đến cửa của con sông thiêng, được đứng ngắm nhìn sông nước mênh mang, núi non, mây trời, được đi trên mảnh đất mà 725 năm trước đã nhuộm đỏ máu giặc ngoại xâm và cả máu của quân dân Đại Việt, đã để lại trong tôi những xúc cảm sâu nặng, tăng thêm niềm tin và lòng tự hào về chiến thắng Bạch Đằng giang năm 1288. Trong tôi lại vang vọng lời thơ trong bài “Bạch Đằng giang” của đức Vua Trần Minh Tông:

“Giáo gươm lởm chởm, núi non dày,
Mặt bể rung rinh sóng tuyết bay.
Đất ráo mưa xuân hoa dệt gấm,
Thông reo gió tối lá khuơ mây.
Non sông sau trước hai phen rạng,
Hồ Việt hơn thua một chớp bày,
Đỏ rực ráng chiều in đáy nước,
Ngỡ rằng máu giặc vẫn còn đây”.

(Hợp tuyển văn học Việt Nam - NXB Văn học Hà Nội - 1976)
Chào Xuân Quý Tỵ 2013



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com