Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

05:02, 01/02/2013

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) là di tích thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh - một danh nhân văn hóa nổi tiếng của nước ta vào nửa cuối thế kỷ XV.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496) tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh tại làng Cao Hương, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, lanh lợi, được mệnh danh "Thần đồng làng Hương". Ông rất ham đọc sách, có tài nhớ lâu, suy ngẫm nghĩa lý sâu xa của các bậc thánh hiền, lại gắn với cuộc sống đời thường nên càng hiểu sâu, nhớ kỹ. Ông đỗ Trạng nguyên vào khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được bổ làm quan ở Hàn lâm viện thăng đến chức Hàn lâm Thị thư trưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu viện Hàn lâm. Ông là người có tài ngoại giao nên được vua giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Trạng nguyên Lương Thế Vinh là người tài hoa, uyên bác về nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học... Ông là người có nhân cách đạo đức cao đẹp và lòng yêu nước thương dân. Đặc biệt, ông có tư tưởng trọng giáo dục đào tạo, thu hút hiền tài cho đất nước: "Việc giáo dục làm tốt thì phong tục đẹp, có tôn sư trọng đạo thì mới có nhiều người tài giỏi...". Lương Thế Vinh còn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, bởi ông đã biết kết hợp hài hòa giữa việc học tập chuyên tâm với vui chơi giải trí, gần gũi với thiên nhiên và biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Nhận thấy vai trò quan trọng của toán học trong cuộc sống nên ông rất chú trọng đến việc dạy toán, học toán, khác hẳn với xu thế đương thời là đi sâu vào văn chương từ cú. Lúc còn đi học, trong một bài văn nói về chí hướng của mình, ông đã xác định "Thần cơ diệu toán vạn niên sư" (Tính toán giỏi sẽ là thầy của muôn đời). Khi làm quan ông đã biên soạn cuốn "Toán pháp đại thành" là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Với những đóng góp to lớn của ông trên các lĩnh vực, khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông trên nền nhà cũ của gia đình để ghi nhớ công ơn ông.

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản).

Di tích đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990. Di tích nằm giữa thôn Cao Phương, mặt chính quay hướng đông nam, ngoài cùng, giáp đường đi là hai cột đồng trụ xây cao to cùng hai cổng bên có mái che tạo sự bề thế cho di tích. Qua cổng và một khoảng sân lát gạch là tới khu đền. Di tích chính có ba lớp nối tiếp nhau. Phía ngoài cùng đối diện với sân gạch là cung đệ tam. Công trình có ba gian, bốn mái với các góc đao uốn cong mềm mại tạo nên sự thanh thoát cho kiến trúc. Toàn bộ cung đệ tam được để trống bốn mặt nên khá thoáng đãng. Bốn hàng cột lim được kê trên những chân tảng đá giữ vững cho cả hệ thống khung gỗ liên kết với nhau bằng các xà ngang, xà dọc, vì kèo... Trên mái, bờ nóc, bờ chảy bố trí cân đối, hợp lý. Tại bờ nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt nằm giữa một không gian thoáng với nhiều khúc uốn lượn, đường nét mềm mại, cùng với những con rồng từ các đao góc đang uốn mình vươn lên, góp phần điểm tô cho di tích. Cung đệ nhị và cung đệ nhất tiếp liền mái với nhau, mỗi cung cũng gồm ba gian. Các dãy nhà này hai đầu xây gạch, đằng trước là hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ lim. Cả hai cung đều xây theo kiểu vì quá giang kèo cầu, không cầu kỳ, tạo sự bền chắc cho công trình. Tại cung đệ nhất (chính cung) đặt bức vẽ chân dung Trạng nguyên được vẽ trên gỗ đặt trong khám kính. Bức chân dung vẽ Trạng nguyên Lương Thế Vinh mặc triều phục, tay lại cầm quạt ngồi buông chân thoải mái, tư thế ung dung phóng khoáng. Trên hương án trước khám thờ có một lư đồng khá độc đáo là vành miệng đúc nổi lên 28 vì sao, tượng trưng cho "Tao Đàn nhị thập bát tú" (Hội thơ do vua Lê Thánh Tông làm Chủ soái, trong đó Lương Thế Vinh giữ chức Sái phu, chuẩn phê bình sửa chữa thơ văn). Những mảng chạm khắc trong kiến trúc của ngôi đền không nhiều, chỉ góp phần điểm xuyết, tạo nên sự hài hòa cân đối cho toàn bộ di tích. Các kiến trúc cũng không lớn nhưng mỗi bộ phận lại tạo nên một sự hoàn chỉnh cho tổng thể công trình. Trải qua hơn 500 năm, di tích đã được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được những phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc. Hiện tại do được bảo quản chu đáo nên các nhang án, bát biểu, ngai thờ, kiệu bằng gỗ, các bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, những đôi song bình, độc bình, bát hương, nậm rượu bằng gốm sứ còn khá đầy đủ.

Hằng năm, không chỉ trong dịp lễ hội mà thường ngày cũng có nhiều đoàn khách tới tham quan; trong đó có nhiều giáo viên và học sinh giỏi tiêu biểu khắp mọi miền đất nước đã đến thăm quê hương Trạng nguyên, để tìm hiểu, viếng đền và tỏ lòng tôn vinh, noi gương ông. Một số đơn vị giáo dục còn tài trợ kinh phí để tôn tạo lăng mộ, xây dựng phòng truyền thống tại đền thờ. Di tích đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh là một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com