Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986-1991)

03:02, 05/02/2013

Bước vào công cuộc đổi mới, tình hình chung ở tỉnh có nhiều khó khăn, phức tạp. Kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, đời sống nhân dân lao động cả ở nông thôn và thành phố cực kỳ khó khăn.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch 5 năm 1986 - 1990 của tỉnh được xác định từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên cơ sở ổn định và phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư cho nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, nâng cao năng suất, hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng nhanh xuất, nhập khẩu, mở rộng liên kết, hợp tác và triệt để thực hiện tiết kiệm, xác định cơ cấu đầu tư hợp lý từ tỉnh đến cơ sở, tiếp tục hoàn chỉnh, xây dựng, tăng cường quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống, nhất là cho thâm canh nông nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng hoá xuất khẩu. Biện pháp quan trọng là phải đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với việc củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới XHCN, cần hình thành và thực hiện cơ chế quản lý mới. Tập trung cố gắng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, ổn định đời sống nhân dân.

Một góc Thành Nam (ảnh: Internet).
Một góc Thành Nam (ảnh: Internet).

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (1986-1990) trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu nên mọi nguồn lực đều ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ. Từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ chính trị "Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" (10-1988), cơ chế quản lý trong nông nghiệp và nông thôn có bước chuyển biến rõ rệt. Năng lực sản xuất từng bước được giải phóng tạo ra những động lực mới và thực sự cởi trói cho sản xuất. Cùng với kinh tế tập thể, kinh tế hộ xã viên được xác định đã tạo điều kiện hỗ trợ nhau thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển và xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh và toàn diện mà tập trung vào thâm canh lúa, nhất là vụ lúa chiêm xuân, tỉnh đã củng cố và mở rộng vùng thâm canh lúa có năng suất cao ở Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất được khuyến khích, nhất là đổi mới cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ cùng với việc áp dụng các biện pháp thâm canh, xen canh, đa dạng hoá các loại cây trồng vật nuôi. Từ năm 1986-1990 thời tiết tuy từng vụ, từng nơi bị thiên tai, sâu bệnh, thành tích nổi bật là sản xuất lương thực, thực phẩm. Sản lượng lương thực quy thóc bình quân 5 năm 1986-1990 đạt 762 ngàn tấn, tăng 11,2% so với bình quân thời kỳ 1981-1985 và từ năm 1988 trở đi, sản lượng lương thực của tỉnh đã đạt trên 1 triệu tấn. Năm 1991, mặc dù vụ chiêm bị thiên tai nặng nhưng do vụ mùa đạt năng suất cao, nên sản luợng lương thực cả năm vẫn đạt 785,2 ngàn tấn. Nhiều điển hình thâm canh tốt xuất hiện và nhân rộng. Nhiều HTX đạt trên 10tấn/ha 2 vụ như Xuân Phương, Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Hải Bắc, Hải Tân, Hải Xuân (Hải Hậu), Trung Đông, Trực Thái (Trực Ninh)... Nhờ sản xuất lương thực tăng nên tuy dân số còn tăng ở mức cao nhưng lương thực quy thóc bình quân đầu người vẫn tăng từ 298 kg (1985) lên 342 kg năm 1990. Năm 1991 tuy bị thiên tai, sâu bệnh vụ chiêm xuân nhưng bình quân lương thực vẫn đạt 316 kg /người.

Bên cạnh sản xuất lúa, tỉnh chủ trương mở rộng sản xuất vụ đông trong đó coi trọng phát triển cây màu lương thực có tính chất mũi nhọn như ngô giống mới, lạc và khoai tây. Riêng lạc, khoai tây được quy hoạch trồng theo vùng phục vụ cho xuất khẩu đạt hiệu qủa cao như Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản. Cho tới năm 1988 năng suất khoai tây đạt 80,89 tạ/ha, lạc 11,86 tạ/ha, ngô 19 tạ/ha sản lượng ngô đạt 39.882 tấn.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển dịch một cách hợp lý nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, phù hợp với nền kinh tế hàng hoá. Đặc biệt việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như cải tạo giống sử dụng thức ăn công nghiệp ... đã giúp tỉnh vực dậy được ngành sản xuất này sau một thời gian bị giảm sút. Cho tới năm 1990, 1991 tuy chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh đã đạt 35 ngàn tấn, tăng 33% so với năm 1985. Nhờ sự phát triển kinh tế nông nghiệp một cách đồng đều nên Hà Nam Ninh không những giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực đủ ăn mà nhiều hộ nông dân đã có lương thực dự trữ. Đời sống nhân dân bước đầu được ổn định.

Nghề cá trong nhân dân được phục hồi và phát triển bằng nhiều hình thức phong phú. Nghề nuôi trồng thuỷ sản tuy mới hình thành, nhưng đã có tín hiệu khả quan. Nhiều gia đình ở Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thuỷ đã nhận đấu thầu các vùng khai thác tôm, nuôi cua biển, trồng rau câu xuất khẩu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

         

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com