Chuyện về đôi vợ chồng cùng nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng

05:02, 01/02/2013

Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2012, vợ chồng bác Hoàng Dực và Nguyễn Thị Thanh ở chi bộ 3, Đảng bộ xã Mỹ Xá đã vinh dự được Đảng bộ Thành phố Nam Định trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Trong ngôi nhà nhỏ chiều cuối năm, hai bác cùng ôn lại những tháng ngày hoạt động, cống hiến cho cách mạng, những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời...

Người sỹ quan công binh quả cảm

Năm nay đã bước vào tuổi 80 nhưng bác Hoàng Dực, ở xã Yên Trị (Ý Yên) vẫn rất khoẻ mạnh, minh mẫn. Bác còn nhớ như in từng chi tiết, từng mốc thời gian trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Năm 1952, sau khi học xong cấp 2, bác Dực tham gia công tác ở xã. Đó là thời kỳ quê hương đang bị giặc Pháp chiếm đóng, đồn bốt dày đặc, bác được giao nhiệm vụ đưa tin tức từ trong vùng địch chiếm đóng ra vùng tự do. Năm 1955, bác tham gia Ban cải cách ruộng đất của xã, sau đó được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Thời kỳ đó phong trào Đoàn xã Yên Trị phát triển rất mạnh, nhất là phong trào thanh niên làm bèo hoa dâu, làm thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng, đắp hàng chục km đê bối ven sông Đáy. Trưởng thành từ phong trào Đoàn, năm 1956, khi mới 22 tuổi, bác đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1960, bác được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Huyện Đoàn Ý Yên. Tháng 4-1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau hơn 1 năm học tại trường sỹ quan công binh, bác được giao nhiệm vụ chính trị viên phó Đại đội 9, Trung đoàn 83 đóng tại Ba Vì (Sơn Tây). Mùa xuân năm 1968, đơn vị của bác được lệnh hành quân vào chiến trường Trị Thiên - Huế, mở đầu cho một cuộc trường chinh trên khắp các ngả đường của Tổ quốc. Vừa tham gia chiến đấu vừa làm nhiệm vụ mở đường cho bộ đội ta tiến vào giải phóng miền Nam, đại đội của bác luôn có mặt ở những cung đường máu lửa, ác liệt nhất như Đường 9 Nam Lào, cung đường Nghệ An - Hà Tĩnh, đường mòn Hồ Chí Minh…

Vợ chồng bác Hoàng Dực và Nguyễn Thị Thanh.
Vợ chồng bác Hoàng Dực và Nguyễn Thị Thanh.

Biết bao khó khăn, gian khổ trong những tháng ngày ác liệt ấy nhưng với trách nhiệm là chính trị viên đại đội, dù trong hoàn cảnh nào, bác cũng vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1970, bác được Trung đoàn điều động về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 83) sau đó rút về làm trợ lý tổ chức Trường Huấn luyện Kỹ thuật công binh ở Sơn Tây. Năm 1973, bác được giao nhiệm vụ trưởng ban tổ chức Sư đoàn 530 sang giúp nước bạn Lào xây dựng sân bay cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng - Lào). Năm 1979, đơn vị của bác bổ sung lực lượng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, sau đó tiếp tục ở lại củng cố hệ thống đường giao thông, hệ thống phòng thủ khu vực biên giới cho đến năm 1989 về nhận nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Công binh. Về nghỉ hưu với quân hàm trung tá, bác Hoàng Dực tham gia làm bí thư chi bộ 1 kiêm trưởng Ban thư ký HĐND phường Trần Tế Xương (TP Nam Định) nhiệm kỳ 1990-1995. Bác Dực tâm sự: Gần 80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, đi qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đối mặt với bao hiểm nguy gian khổ, được nguyên vẹn trở về và sống đến ngày hôm nay là cả một sự may mắn. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bác Dực đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 3 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương It-sa-la hạng Nhất của nước CHDCND Lào.

Mối lương duyên từ hoạt động Đoàn

Năm 1959, khi đang là Phó Bí thư Huyện Đoàn Ý Yên, trong một lần về Thành phố Nam Định dự cuộc họp do Tỉnh Đoàn triệu tập, bác Dực đã gặp cô nhân viên bưu điện trẻ Nguyễn Thị Thanh khi đó đang là cán bộ Đoàn của ngành bưu điện thành phố. Hai người bén duyên và nên vợ nên chồng. Mấy chục năm bác Dực trong quân ngũ, một tay bác Thanh lo toan công việc gia đình, nuôi 5 người con với mẹ già trong điều kiện đồng lương eo hẹp. Không chỉ đảm đang tháo vát việc gia đình, bác Thanh còn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Quê ở xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), khi mới 15 tuổi, được sự dìu dắt của người anh họ, bác Thanh tham gia du kích xã, làm quân báo cho đơn vị bộ đội chủ lực 304 chuyên đưa công văn giấy tờ từ ngoại thành vào thành phố, đồng thời lấy tin tức từ nội thành đưa ra ngoài. Ngày 10-8-1957, bác Thanh vinh dự được kết nạp Đảng khi mới tròn 20 tuổi. Năm 1958, bác được nhận vào công tác tại ngành bưu điện huyện Mỹ Lộc, sau đó được điều về bưu điện Thành phố Nam Định. Theo yêu cầu của công việc, bác thường xuyên phải di chuyển địa điểm làm việc, lúc ở thành phố lúc về Xuân Trường, Trực Ninh trong điều kiện chồng công tác xa, cứ đi đâu là bác lại phải bồng bế con theo. Khó khăn nhất là giai đoạn bác công tác tại Cty Bưu chính thành phố năm 1965, đúng vào thời điểm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Vừa làm vừa học, bác còn tham gia tự vệ thành, nhiều hôm phải đi trực chiến phải để các con nhỏ ở nhà trông nom nhau, không ít lần ngồi trực mà lòng nóng như lửa đốt khi máy bay Mỹ thả bom đúng khu vực nhà mình. Cũng có những lúc đi sơ tán, vừa đi đến đầu thành phố thì bom Mỹ đã san phẳng nơi bác và các đồng nghiệp vừa rời khỏi. Khó có thể kể hết nỗi vất vả, gian truân của bác trong những tháng ngày ấy, cộng với đó là nỗi lo lắng về người chồng đang ở vùng bom đạn ác liệt nhất. Bác Thanh nhớ mãi lần chồng được về thăm nhà trước khi sang Lào giúp bạn xây dựng sân bay cánh đồng Chum, khi ra ga không may bác bị kẻ gian lấy hết tiền và giấy tờ. Cũng may sau đó kẻ gian chỉ lấy tiền, còn các giấy tờ bỏ lại hòm thư bưu điện ga. Thế là, bác tìm lại được số giấy tờ đó và một mình lặn lội vào tận Thanh Hoá phía giáp với nước bạn Lào để đưa cho chồng có đủ giấy tờ để kịp theo đơn vị… Với những cống hiến cho cách mạng, bác Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp bưu điện, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Cả cuộc đời chờ chồng, nuôi 5 con khôn lớn, trưởng thành, đến lúc nghỉ hưu (năm 1990), 2 vợ chồng bác mới được ngày ngày gần gũi chăm sóc nhau. Về nghỉ hưu, bác Thanh tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, trong đó có 8 năm làm Bí thư chi bộ tổ dân phố số 1, tham gia BCH Hội LHPN phường, đại biểu HĐND phường Trần Tế Xương khoá 2, 3. Đến năm 2004, do điều kiện gia đình chuyển đến nơi ở mới tại xã Mỹ Xá, vợ chồng bác mới thôi tham gia công tác tại phường. Hai bác tâm sự: thế hệ chúng tôi được sống, cống hiến, hy sinh cho cách mạng là niềm hạnh phúc lớn. Vì vậy các bác luôn tự hào với những gì mình đã làm trong suốt mấy chục năm qua./.

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com