Trong 5 năm xây dựng kinh tế theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp đã bộc lộ những bất cập. Mặt khác lại bị chiến tranh biên giới và thiên tai (mưa lũ năm 1978, bão 1980) chi phối, nên từ năm 1979-1980 mọi mặt sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh có chiều hướng đi xuống. Tổng sản lượng lương thực năm 1979 so với năm 1976 giảm 20 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người năm 1980 chỉ còn 229 kg (năm 1976 là 337kg/người). Đó chính là những tín hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Thực hiện thông báo số 22 ngày 21/10/1980 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương làm thử khoán sản phẩm đối với cây lúa. Nhiều HTX trong tỉnh đã tiến hành khoán sản phẩm. Đến tháng 1 năm 1981, trong tổng số 564 hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh có 116 hợp tác xã thực hiện khoán sản phẩm 100% diện tích, 184 hợp tác xã khoán một phần diện tích đối với cây lúa. Đặc biệt, sau khi có chỉ thị 100 CT/TW ngày 13/1/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã, Tỉnh uỷ kịp thời có nghị quyết 12 ngày 21/1/1981 nhằm quán triệt và chỉ đạo thực hiện khoán sản phẩm trong toàn tỉnh. Tất cả các đảng bộ đều nhanh chóng tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Nông dân vô cùng phấn khởi đón nhận, coi đây là một phương thức hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất, đưa nông nghiệp thoát khỏi vòng suy thoái. Đến hết quý I năm 1981 toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong việc khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động, đồng thời tiến tới khoán sản phẩm cây màu và một số ngành nghề. Từ đó, tinh thần làm chủ, khí thế lao động sản xuất, kỹ thuật canh tác và sự đầu tư vào sản xuất của các hộ xã viên được tăng lên. Những đơn vị có liên quan chặt chẽ với nông nghiệp đã có ý thức trách nhiệm phục vụ tốt hơn. Công tác quản lý được cải tiến một bước, các cấp huyện và cơ sở đã chủ động vươn lên trong chỉ đạo sản xuất và kinh doanh.
Mặc dù vẫn chưa thoát được ra khỏi tình trạng khủng hoảng, nhưng từ năm 1981-1985, tình hình kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến khả quan. Diện tích cây lương thực tăng: năm 1980 là 298.077 ha, năm 1981 là 339.436 ha. Tổng sản lương thực qui thóc năm 1981 đạt 79,7 vạn tấn, năm 1982 là 93,4 vạn tấn, cao nhất từ trước tới nay. Từ năm 1983 đến năm 1985 năng xuất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 57,42 tạ/ha trên diện tích hai lúa, tăng 18% so với 3 năm trước. Tổng sản lượng thóc bình quân mỗi năm 80,8 vạn tấn, tăng 21% và bình quân lương thực sản xuất theo đầu người đạt 305 kg, tăng 6% so với 3 năm 1981 - 1982. Việc chỉ đạo xây dựng vùng thâm canh cao sản, ruộng cao sản với trên 6 vạn ha đã tương đối ổn định và có tác dụng rõ rệt.
Đối với việc trồng cây công nghiệp, sau mấy năm bị giảm, đến năm 1982 đã được phục hồi. Từ năm 1983 đến năm 1985 diện tích cây công nghiệp được mở rộng nhằm tăng nguồn hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp. Năm 1985 diện tích tăng 11,8%, sản lượng tăng đáng kể, nhất là sản lượng thuốc lá tăng gấp đôi; lạc tăng 80,6%, đay tăng 35,6% ... bước đầu tạo được chuyển biến trong cơ cấu cây trồng và cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Cuối năm 1981, tỉnh thực hiện khoán sản phẩm trong chăn nuôi đã tác động trực tiếp đến đàn lợn tập thể. Năm 1982 chăn nuôi lợn tập thể chỉ còn bằng 32,8% năm 1976. Đến năm 1985 các trại chăn nuôi của hợp tác xã bị giải thể hoàn toàn. Song chăn nuôi gia đình lại phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng. Từ năm 1983-1985 đàn lợn lai tăng, trọng lượng lợn xuất chuồng tăng nên tổng sản lượng lợn toàn tỉnh bình quân tăng 22,8% so với 3 năm trước. Nhiều địa phương đẩy mạnh chăn nuôi động vật có sừng, riêng đàn bò gia đình tăng 67,5%. Việc nuôi trồng, khai thác thuỷ sản cũng được quan tâm hơn. Một số vùng ven biển đã nuôi và khai thác tôm xuất khẩu. Phong trào trồng cây nhân dân vẫn tiếp tục phát triển. Tỉnh từng bước thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, kinh tế hộ gia đình được tạo điều kiện phát triển.
Trong khi sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới thì sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lâm vào tình trạng khan hiếm vật tư, năng lượng, nguyên liệu... trầm trọng. Từ năm 1979-1983 nguồn cung ứng vật tư từ Trung ương về tỉnh chỉ đảm bảo được từ 30-50% kế hoạch. Các đơn vị sản xuất phải tự cân đối kế hoạch để đảm bảo sản xuất. Sau quyết định 25/CP và 26/CP của Hội đồng Chính phủ (21/1/1981), nhiều xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đã tiến hành chấn chỉnh bộ máy, cải tiến công tác quản lý, chủ động khai thác nguyên vật liệu, tận dụng phế liệu, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, động viên khuyến khích người lao động. Vì vậy đã đảm bảo được việc làm và thu nhập cho công nhân, xã viên. Năm 1981 giá trị sản lượng đạt 96,8% kế hoạch, năm 1982 đã có chuyển biến đi lên đạt giá trị 305 triệu đồng, vượt 6,2% kế hoạch nhưng vẫn chưa bằng mức cao nhất của năm 1978, trong đó công nghiệp quốc doanh giảm nhiều. Đời sống công nhân viên chức gặp rất nhiều khó khăn. Là một trung tâm công nghiệp, tình trạng trên đây có thể coi là dấu hiệu rõ rệt nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ở Nam Định.
Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh rất chú trọng công tác xuất, nhập khẩu. Nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản với một số mặt hàng chủ lực là cói, lạc, đay... Ba năm 1980-1982 công tác xuất khẩu đã có tiến bộ bước đầu. Riêng năm 1982 tổng giá trị xuất khẩu đạt 190,7 triệu đồng, trong đó xuất khẩu địa phương chiếm 31% đến năm 1985 đạt 600 triệu đồng. Bình quân giá trị xuất khẩu 3 năm 1983 - 1985 đạt 506 triệu đồng. Nhờ thu được ngoại tệ, hàng năm tỉnh đã nhập về một số vật tư, hàng hoá cần thiết như phân đạm, lân, thuốc trừ sâu, sắt, thép, xi măng, sợi nhựa PVC... phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Diễn biến của lĩnh vực phân phối lưu thông trong 5 năm (1981-1985) hết sức phức tạp, cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, hàng hoá khan hiếm, giá cả biến động vượt khỏi sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Doanh số bán lẻ năm 1982 của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chiếm 86,8% thị trường xã hội, đến năm 1985 chỉ còn 67%. Bội chi tiền mặt ngày càng lớn. Năm 1982 số thu tiền mặt bằng 78,4% số chi, đến năm 1985 chỉ còn 70%. Sau cuộc đổi tiền ngày 14/9/1985, tốc độ lạm phát lại tăng nhanh, giá cả leo thang hàng ngày, đời sống của cán bộ, công nhân hưởng lương gặp rất nhiều khó khăn.
Từ năm 1980-1982, bình quân mức huy động của Nhà nước về lương thực tăng 36,1%, khối lượng thịt lợn hơi tăng 3,5% so với 3 năm trước. Ba năm 1983-1985 so với 3 năm 1980-1982 giá trị vật tư, hàng hoá địa phương điều về Trung ương tăng 16,2%. Trong 5 năm, tỉnh đã tổ chức cho hàng chục vạn người đi xây dựng các vùng kinh tế mới, riêng 3 năm 1983-1985 số người đi xây dựng vùng kinh tế mới đã lên tới con số 705.000.
Về giáo dục - đào tạo, tính đến năm 1985 toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập văn hoá cấp II cho cán bộ chủ chốt xã. Cuộc vận động giáo dục đạo đức cách mạng trong nhà trường được coi trọng và có kế hoạch. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên được quan tâm nâng cao trình độ đại học bằng hình thức tại chức đang được mở rộng. Cuộc vận động thực hiện phong trào "5 dứt điểm" trong ngành y tế được duy trì và đẩy mạnh, 5 huyện, thị, xã trong tỉnh được Bộ Y tế công nhận hoàn thành "5 dứt điểm". Toàn tỉnh đã thực hiện việc "Đông Tây y kết hợp" có hiệu quả trong công tác khám và chữa bệnh. Từ năm 1981-1985 ngành y tế của tỉnh được nhận cờ luân lưu của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các hoạt động văn hoá, thông tin, văn học nghệ thuật, phát thanh, truyền thanh, sáng tác xuất bản báo chí đã có bước tiến bộ trong việc hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở. Huyện Hải Hậu 8 năm liền giữ vững lá cờ đầu của cả nước về công tác văn hoá thông tin cấp huyện. Tỉnh được Bộ văn hoá công nhận hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hoá cơ sở hai năm 1984-1985.
Theo: Địa chí Nam Định
[links()]