Nam Định thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1975-1980)

08:01, 24/01/2013

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Nam Định phấn khởi, hân hoan chào mừng ngày toàn thắng. Khí thế cách mạng dâng cao, khắp nơi nô nức thi đua lao động sản xuất và công tác. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ an ninh trong tỉnh lại hăng hái tình nguyện vào Nam tham gia tiếp quản vùng mới giải phóng, góp phần ổn định cuộc sống nhân dân.

Từ ngày 28-10-1975  hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình được sáp nhập  thành tỉnh Hà Nam Ninh. Mục đích của việc sát nhập tỉnh là tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, văn hoá và tăng cường khả năng quốc phòng ở địa phương.

Nhằm tập trung sức mạnh của toàn dân phấn đấu giành thắng lợi từng bước trên tất cả các mặt sản xuất, từ ngày 3/2/1976 đến 31/12/1978 toàn tỉnh dấy lên phong trào thi đua quyết tâm thực hiện vượt mức kế hoạch. Trong các hợp tác xã nông nghiệp có phong trào "Học tập và làm theo hợp tác xã Hải Quang" - Lá cờ đầu về tổ chức lại sản xuất, hoàn chỉnh thuỷ nông, thâm canh tăng năng suất. Ngành công nghiệp tiếp tục phát động phong trào "Giành ba điểm cao" - Đẩy mạnh phát huy sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Đoàn thanh niên phát động phong trào chăn nuôi và cấy trồng giống mới. Hội phụ nữ nêu khẩu hiệu thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, quyết tâm làm tròn công việc gia đình và xã hội".

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với trọng tâm là giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm, toàn tỉnh tập trung khả năng hoàn chỉnh thuỷ nông, xây dựng các trạm, trại và làm thí điểm cơ giới hoá nông nghiệp. Từ năm 1976 - 1978 công tác xây dựng cơ bản, thuỷ lợi đã đạt kết quả tốt. Hà Nam Ninh là tỉnh đầu tiên của miền Bắc có 6 trạm bơm điện cỡ lớn, gồm 19 máy, công suất mỗi máy từ 10.000 - 30.000m3/giờ, 25 trạm điện loại vừa và nhỏ với tổng công suất 10,6kw phục vụ cho các trạm bơm. Hệ thống thuỷ nông gồm 269 kênh tưới tiêu phục vụ cho 149.000 ha hai vụ chính và 50.000 ha vụ đông. Kết hợp thuỷ lợi với giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã xây dựng hàng trăm cầu cơ giới, cầu dân dụng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.  Tỉnh đã tiến hành làm thí điểm cơ giới hoá ở huyện Nam Ninh và đã đạt được những kết quả bước đầu: đưa diện tích ruộng được cày bừa bằng máy từ 15% năm 1975 lên gần 74% năm 1976. Phong trào thâm canh, chuyên canh, tăng vụ và mở rộng diện tích trồng cây phát triển mạnh mẽ.

Việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến công tác quản lý được đẩy mạnh. Các hợp tác xã nhỏ quy mô thôn được hợp nhất thành hợp tác xã liên thôn, hợp tác xã toàn xã. Từng hợp tác xã lập các đội chuyên: cầy, cấy, làm phân bón, giống, thuỷ lợi, chăn nuôi, trồng cây... Số hợp tác xã "tiên tiến" và "khá" tăng từ 26,8% năm 1977 lên 32% năm 1979. Bên cạnh việc tổ chức sắp xếp lao động tại chỗ, từ năm 1977 đến năm 1979 tỉnh còn tích cực vận động và tổ chức chặt chẽ cho 20 vạn lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới và các nhu cầu chung của cả nước. Tổ chức quai đê lấn biển ở vùng biển Nghĩa Hưng, lập ra một xã mới (xã Nam Điền) đưa hàng trăm hộ dân đến định cư, phát triển sản xuất.

Nhờ tập trung chỉ đạo của tỉnh và nỗ lực của toàn dân, diện tích gieo trồng và sản lượng lượng nông sản đều tăng. So với bình quân 5 năm trước, toàn tỉnh đã tăng thêm 26.000 ha gieo trồng (chủ yếu tăng vụ đông) và tăng gần 26.000 tấn màu quy thóc. Tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân của 5 năm (1976 - 1980) đạt trên 70 vạn tấn/ năm. Hàng trăm hợp tác xã đạt 5 tấn thóc/ ha, đặc biệt HTX Xuân Tiến (Xuân Thuỷ) đạt trên 10 tấn thóc/ha. Các huyện Hải Hậu, Xuân Thuỷ, Nam Ninh đạt gần 7 tấn thóc/ ha, toàn tỉnh đã cung cấp trên 3 vạn tấn lương thực cho nhà nước.

Chăn nuôi có bước phát triển tương đối khá ở cả hai lĩnh vực: chăn nuôi tập thể, quốc doanh và chăn nuôi gia đình. Hầu hết các hợp tác xã đều xây dựng trại chăn nuôi lợn, quy mô đàn lợn trên dưới 200 con, có trại lớn quy mô 1.000 con. Huyện Nam Ninh dẫn đầu về phong trào nuôi lợn tập thể, hàng năm tổng số lợn nuôi từ 18 - 20 ngàn con, tiếp theo là huyện Hải Hậu (14 - 17 ngàn con), Xuân Thuỷ (11 - 15 ngàn con). Từ năm 1976 - 1980 toàn tỉnh chăn nuôi bình quân mỗi năm trên 66 vạn con lợn. Đàn trâu bò vẫn được duy trì tốt, đảm bảo sức kéo cho nông nghiệp.

Mối quan hệ hợp tác sản xuất giữa các ngành và các xí nghiệp, đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề cũng được tăng cường. Giá trị sản lượng toàn ngành bình quân 5 năm (1976 - 1980) đạt 295 triệu đồng, tăng 57,2% so với bình quân 5 năm trước. Năm 1979 có 7 huyện đạt giá trị sản lượng công nghiệp, mỗi huyện 10 triệu đồng. Riêng huyện Nam Ninh và thành phố Nam Định mỗi đơn vị đạt gần 40 triệu đồng. Ngành tiểu thủ công nghiệp được mở rộng. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp phát triển tiểu thủ công nghiệp đạt giá trị kinh tế từ 2 - 4 triệu đồng, chiếm từ 40 - 60% giá trị kinh tế công nông nghiệp của xã. Các nghề truyền thống của nhân dân được phát huy góp phần sản xuất nhiều hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Trong năm 1976 - 1980 giá trị hàng xuất khẩu bình quân tăng 99,3% so với bình quân năm năm trước .

Công tác giao thông đã có nhiều cố gắng tu bổ, phục hồi và làm mới trên 200km mặt đường, 49 cầu các loại và kết hợp với thuỷ lợi đẩy mạnh phong trào giao thông nông thôn.

Các hoạt động tài chính, ngân hàng giá cả ... tích cực phục vụ sản xuất, góp phần tăng cường quản lý kinh tế. Cuộc đổi tiền tháng 5 năm 1978 toàn tỉnh đã tiến hành nhanh gọn, an toàn. Trong điều kiện nguồn vốn, vật tư của Nhà nước có hạn, với phương châm "Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm", toàn tỉnh đã huy động thêm hàng chục triệu đồng tiền vốn, hàng triệu ngày công để xây dựng các công trình sản xuất và phúc lợi. Vì vậy, giá trị tài sản cố định trong 5 năm đã tăng thêm 350 triệu đồng.

Sự nghiệp giáo dục luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, phát triển cả số và chất lượng. Đến năm 1979 ngành giáo dục mầm non đã thu hút 58% số cháu trong độ tuổi vào nhà trẻ, 64% số cháu trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo. Giáo dục phổ thông phát triển tương đối đồng đều, kể cả nơi có đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Toàn tỉnh phổ cập xong lớp 1, bảy huyện phổ cập xong lớp 2, thu hút hầu hết các cháu lớp 4 vào lớp 5 và 30% lớp 7 vào lớp 8; 56% cán bộ chủ chốt xã, 53% số đảng viên và 47% số thanh niên tốt nghiệp văn hoá cấp II. Truyền thống "Dạy tốt, học tốt" vẫn được duy trì. Hoạt động văn hoá thông tin, y tế được mở rộng xuống cơ sở. Phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng gia đình văn hoá mới được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia. Mạng lưới truyền thanh của tỉnh đã đến được 311 xã có đài tiếp âm và 6 huyện có đài phát sóng cực ngắn. Việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ.  8 huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất thuốc nam và châm cứu, 2 huyện làm xong việc quản lý sức khoẻ toàn dân.

Do cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp và nhất là năng lực quản lý kinh tế của cán bộ còn hạn chế, trong khi hậu quả chiến tranh còn nặng nề, thiên tai liên tiếp xảy ra, việc sáp nhập tỉnh chẳng những đã không tạo ra những thuận lợi như mong muốn, mà trái lại còn gây thêm nhiều khó khăn, trở ngại cho sự phát triển, khiến đời sống nhân dân chậm được cải thiện.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com