Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ chế từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh có nhiều khó khăn bỡ ngỡ nhưng đã có sự chuyển biến mới. Từ năm 1988 các xí nghiệp quốc doanh hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đều tiến hành sắp xếp lại sản xuất, đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ và hướng sản xuất vào phục vụ 4 chương trình kinh tế là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Trong bước chuyển đổi, bên cạnh những đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ phải chuyển hướng sản xuất hoặc giải thể đã có những đơn vị có cách tổ chức quản lý và đầu tư thích hợp, sản xuất có hiệu quả. Một số mặt hàng mới như đay xe, tôm và thịt đông lạnh xuất khẩu, may mặc, điện tử ... chiếm lĩnh thị trường từng bước làm thay đổi mặt hàng công nghiệp quốc doanh địa phương. Trong 5 năm 1986-1990 giá trị công nghiệp địa phương tăng bình quân 1,4% năm. Riêng năm 1990 tăng 7,2% so với năm 1985.
Bằng các hình thức hợp tác, liên doanh liên kết trong sản xuất, mối quan hệ giữa công nghiệp trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với công nghiệp địa phương bước đầu chuyển biến. Nhà máy Liên hợp dệt, nhà máy dệt lụa, xí nghiệp may xuất khẩu đã có những hợp đồng kinh tế với một số xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp địa phương để phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động.
Kinh tế ngoài quốc doanh có bước phát triển với các hình thức tổ chức đa dạng, góp phần đáng kể vào sản xuất hàng hoá tiêu dùng của tỉnh, thu hút được nhiều lao động. Đến năm 1990 số lao động công nghiệp tư nhân, cá thể và hộ gia đình tỉnh có khoảng 42 ngàn người, tạo ra 62,7 tỷ đồng giá trị tổng lượng (theo giá cố định năm 1989) gấp 3,2 lần năm 1985 và tỷ trọng công nghiệp tư nhân, cá thể và công nghiệp gia đình so với tổng sản lượng công nghiệp địa phương của tỉnh tăng lên rõ rệt, đến năm 1991 chiếm tới 31,7%.
Nhìn chung thời kỳ này công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa tạo được hướng đi rõ rệt và có phần sa sút nghiêm trọng, sản xuất chủ yếu là gia công. Đây chính là hậu quả nặng nề nhất của cơ chế quản lý kinh tế cũ, làm cho tỉnh ta mất dần thế mạnh truyền thống với tư cách là một trong những trung tâm công nghiệp -thương mại lớn của cả nước.
Chương trình hàng xuất khẩu trong điều kiện thị trường có nhiều biến động phức tạp, nhất là thị trường truyền thống với các nước XHCN bị thu hẹp, nhưng hoạt động ngoại thương đã cố gắng tìm kiếm, mở rộng thị trường mới để đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 1986-1990 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17,2%. Một số sản phẩm tăng khá như áo dệt kim, hàng thêu, khăn tắm, khoai tây, lạc. Tỉnh cũng đã xuất khẩu được một số mặt hàng mới như tôm đông lạnh, tơ tằm, may mặc, nấm mỡ. Nhưng một số mặt hàng truyền thống lại bị giảm như cói, thảm len, long nhãn, đay tơ. Hàng nhập khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cân đối một số vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Về hoạt động nội thương, do cơ chế kinh tế đổi mới, ngay từ năm 1987 Tỉnh uỷ đã ra nghị quyết chuyển hoạt động thương nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường gắn với việc sắp xếp lại tổ chức thương nghiệp.
Thương nghiệp tư nhân đã phát triển chiếm lĩnh phần lớn khâu bán lẻ và cả một phần bán buôn nên tỷ trọng thương nghiệp ngoài quốc doanh trong tổng mức bán lẻ xã hội từ 52% (năm 1985) tăng lên 68,3% năm 1991. Điều đáng lưu ý là thương nghiệp ngoài quốc doanh trong xu thế bung ra đã có những hoạt động tiêu cực, phi pháp như sản xuất và tiêu thụ hàng giả, buôn lậu.
Hoạt động tài chính, ngân hàng bước đầu đã chuyển theo cơ chế mới, cố gắng tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và huy động các nguồn vốn, nhất là vốn tiết kiệm trong dân cư, đáp ứng các yêu cầu đầu tư, cấp vốn thiết thực, góp phần khống chế lạm phát chung.
Đầu tư xây dựng cơ bản được điều chỉnh theo hướng tập trung cho 4 chương trình kinh tế - xã hội, chú trọng những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng các trạm bơm và đầu tư thiết bị cho hệ thống các trạm bơm lớn. Hà Nam Ninh từng bước hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông, khai thác khu kinh tế mới Cồn Lu, Cồn Ngạn (Xuân Thuỷ), Nam Điền (Nghĩa Hưng). Mạng lưới điện được mở rộng, xây dựng các xí nghiệp tôm đông lạnh, thịt đông lạnh, ươm tơ, se đay, may mặc. Đồng thời tỉnh cũng bước đầu quan tâm, đầu tư củng cố xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, các công trình phúc lợi theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm ". Ngành vận tải phát triển cả quốc doanh, tập thể và tư nhân. Ngành thông tin bưu điện với phương châm "Trung ương và địa phương cùng làm" nên ngành tranh thủ được sự hỗ trợ của Tổng cục Bưu điện, thay thế và trang bị các thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng thông tin liên lạc. Ngành đã chi hơn 250 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị mới, lắp đặt các tổng đài Telex, xây dựng tuyến cáp từ cơ VU tới tuyến vi ba ICS... Thời gian này, tỉnh cũng đã tranh thủ được một số vốn tài trợ quốc tế để xây dựng mới và hoàn thiện một số công trình phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã có cố gắng lớn, nhất là nỗ lực duy trì và phát triển các ngành học, cấp học, chú ý chất lượng giáo dục, từng bước thực hiện đa dạng hoá trường học, quan tâm dạy nghề cho học sinh, củng cố các trường chuyên, lớp chọn. Nam Định là một trong 4 tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và là đơn vị tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục toàn quốc.
Công tác y tế, tỉnh đã triển khai các công trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Dịch vụ y tế phát triển, cải thiện một bước điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện kế hoạch hoá gia đình được coi trọng nên tỷ lệ phát triển dân số năm 1991 chỉ còn 1,9%. Tuy nhiên, số người thiếu và không có việc làm thường xuyên hàng năm vẫn trên dưới 5 vạn người. Đây là một trong những vấn đề phức tạp nhất, cần phải có những chiến lược phát triển đồng bộ thì mới có thể giải quyết được trong tương lai.
Những thành tựu bước đầu trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại sự khởi sắc mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp từng bước được xoá bỏ, hình thành nên nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường với định hướng XHCN. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng tập trung vào 4 chương trình kinh tế xã hội, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Các hoạt động, khoa học kỹ thuật, văn hoá - xã hội, y tế được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân ổn định dần và có bước cải thiện... Đây là những tiền đề hết sức quan trọng tạo đà cho nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội trong giai đoạn 1992-1996.
Theo: Địa chí Nam Định