Chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động trong ngành Giao thông Vận tải

05:03, 09/03/2013

Do thường xuyên làm việc phân tán, lưu động, điều kiện lao động nặng nhọc, ngành nghề đa dạng, dễ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… nên việc quan tâm chăm lo bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động luôn được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp ngành GTVT tỉnh quan tâm. Theo báo cáo của các công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn ngành GTVT tỉnh, điều kiện làm việc của CNVCLĐ hiện đã có chuyển biến nhất định. Các doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động cho công nhân. Các phân xưởng sản xuất đã được trang bị thiết bị chống nóng, chống ồn. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm thực hiện các chế độ chính sách đóng BHXH, BHYT, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người lao động. Hằng năm, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động đã được các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chú trọng thực hiện. Một số doanh nghiệp đã quan tâm trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, thiết bị phòng hộ cá nhân cho công nhân, nhất là những người làm việc trong môi trường nguy hiểm, nhiều yếu tố độc hại, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn, sử dụng các thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, chấp hành nghiêm việc đăng ký, kiểm định thiết bị theo quy định.

Công nhân Cty CP Tasco thi công tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý. Ảnh: Thanh Thuý
Công nhân Cty CP Tasco thi công tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý.
Ảnh: Thanh Thuý

Tuy nhiên, một số hạn chế, tồn tại trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động trong ngành GTVT cần được cơ quan chức năng, người sử dụng lao động quan tâm khắc phục. Công nhân các đơn vị xây dựng cơ bản (xây dựng, sửa chữa duy tu cầu, đường), công nghiệp tàu thủy chủ yếu làm việc ngoài trời, do yếu tố nắng, gió, bụi, tiếng ồn và tác hại của một số loại hóa chất…, dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như điếc nghề nghiệp, sạm da, bệnh phổi… Đặc biệt một bộ phận người lao động trong lĩnh vực vận tải (hàng hóa, hành khách) thường xuyên làm việc trong các điều kiện nguy hiểm, vất vả, độc hại như di động thường xuyên, tiếng ồn, khói bụi, yếu tố tâm lý, sức khỏe… Tuy nhiên do thực tế nhiều đơn vị vận tải (doanh nghiệp, HTX) chỉ làm một số dịch vụ cho chủ phương tiện trong đơn vị nên các yêu cầu về bảo vệ sức khỏe người lao động thường lơ là, còn người lao động chủ quan, xem nhẹ vấn đề bảo đảm an toàn lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ yếu tập trung vào các nội dung bảo đảm an toàn giao thông. Việc chấp hành các quy định liên quan đến sức khỏe người lao động như quy định “thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ” của người lái xe khá hạn chế và lại không có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu, nên rất nguy hiểm đối với người lái xe đường dài. Trong khi đó việc khám sức khỏe định kỳ hay khám phát hiện bệnh nghề nghiệp chưa được nhiều doanh nghiệp và người lao động quan tâm, đa số chỉ đi kiểm tra sức khỏe khi bị ốm. Việc khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp đòi hỏi chi phí cao nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp không quan tâm nếu người lao động không đòi hỏi quyền lợi. Một thực tế nữa ở các đơn vị lĩnh vực xây dựng cơ bản là các doanh nghiệp thường sử dụng lao động thời vụ, thủ công thuê tại địa bàn có công trình nên việc huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động bị hạn chế.

Việc quan tâm, thực hiện nghiêm túc các quy định, chế độ chính sách về ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong ngành GTVT là yêu cầu cần thiết. Đây là một trong những ngành nghề được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn lao động cao. Cơ quan chuyên môn và tổ chức công đoàn ngành GTVT cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, chủ doanh nghiệp. Các đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư trang thiết bị làm việc tiên tiến, trang bị thiết bị phòng hộ cá nhân, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động, giảm thiểu các yếu tố độc hại, nguy hiểm tác động đến người lao động. Hiện nay, đa số người lao động làm việc với hệ thống máy móc trong quá trình sản xuất nên có nhiều yếu tố cơ học có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây nguy hại đến tính mạng như: va vào máy đang hoạt động gây chấn thương, bị vật cứng nặng va đè, té ngã từ trên cao xuống, đuối nước, điện giật, cháy nổ... gây nên những tổn thất to lớn về người và tài sản. Để hạn chế các rủi ro tai nạn nghề nghiệp, cần trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, xây dựng hệ thống phòng chống cháy nổ... Bản thân người lao động cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ; khi làm việc phải sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động được trang bị: giày, mũ, khẩu trang, nút chống ồn… Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần treo biển báo tất cả khu vực có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Có làm tốt các công tác an toàn lao động, mới có thể đảm bảo tốt sức khoẻ và tính mạng cho người lao động, tăng năng suất lao động xã hội. Đặc biệt với người lao động trong lĩnh vực vận tải, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, chăm lo bảo vệ sức khỏe người lao động tốt còn góp phần quan trọng bảo đảm an toàn giao thông, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com