Những phụ nữ không có ngày 8-3

09:03, 08/03/2013

Ngày 8-3, trong khi hàng triệu phụ nữ Việt Nam hân hoan đón nhận những bó hoa, món quà từ những người yêu thương gửi tặng, thì đâu đó vẫn có những phụ nữ miệt mài với công việc nặng nhọc hằng ngày, “lặn lội thân cò” lo miếng cơm manh áo cho gia đình, chưa bao giờ nhận quà 8-3!

Ngày 8-3 của… phụ nữ khác!

Mấy năm trở lại đây, thành phố có nhiều công trình xây dựng mới, nhà cửa mọc lên ngày càng nhiều. Tốc độ xây dựng kéo theo đội ngũ  “phu hồ” đông đúc. Dạo quanh thành phố một vòng, ở những công trường xây dựng không hiếm gặp những “phu hồ” nữ, đầu bịt khăn kín mít, chân đi ủng đang “thoăn thoắt” xúc cát, oằn mình đẩy những xe gạch, xe cát nặng trĩu. Họ cũng cheo leo trên những giàn giáo đưa vật liệu cho thợ xây, gồng mình với những công việc nặng. Chị Trương Thị Hoa đi theo đám thợ của chủ thầu xây dựng Nguyễn Văn Hoan, huyện Hải Hậu ngót gần 4 năm. Chị kể “Không có nghề gì khác nên cứ mùa màng xong là tôi đi, gửi hai cháu một đứa học lớp 8, một đứa học lớp 5 cho ông bà nội trông. Vợ chồng tôi chung nhau một gánh thợ, chồng làm thợ xây còn tôi thì làm thợ phụ. Có những công trình lớn, vợ chồng tôi đi miết cả tháng, thay nhau về thăm con buổi sáng, buổi chiều lại đi. Ra Tết năm nay, may mà chủ thầu nhận công trình gần nên được ở trong tỉnh, nhớ con quá có thể bắt xe buýt về. Tiền công một ngày của thợ phụ được trả từ 120-130 nghìn đồng ngoài bữa ăn”. Khi được hỏi: quà mùng 8-3, chị cười xoà: "Chỉ nghe chồng tôi nói đùa với mấy ông thợ là sẽ tặng hoa “đồng tiền” chứ chưa có hoa thật bao giờ. Chưa bao giờ có quà mùng 8-3 cả”. Ở một công trình khác, tôi gặp chị Nguyễn Thị Hải đang đẩy một xe rùa đầy gạch, chị kể “Quê tôi ở Thanh Hóa, lấy chồng ở Nam Trực.

Nhiều phụ nữ nông thôn mải miết với việc mưu sinh hằng ngày không biết đến ngày 8-3 (Trong ảnh: Chị em bán hoa quả rong tại chợ Kênh, TP Nam Định).
Nhiều phụ nữ nông thôn mải miết với việc mưu sinh hằng ngày không biết đến ngày 8-3 (Trong ảnh: Chị em bán hoa quả rong tại chợ Kênh, TP Nam Định).

Hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng tôi bươn chải mỗi người mỗi ngả lo kiếm cơm cho các con. Quanh năm tôi đi phụ xây. Chỉ trừ việc đứng xây không làm được, còn các công việc khác của đàn ông tôi làm được hết. Cả ngày mệt nhọc, xong việc, ăn vội cơm là nằm nghỉ cho lại sức nên hầu như cũng chả quan tâm đến ngày tháng. Ngày mùng 8-3, tôi cũng chỉ nghe thế thôi chứ có bao giờ được chồng tặng gì đâu. Mà thú thật, chồng có định tặng hoa, quà cũng phải “dẹp” ngay ý tưởng đó từ đầu. Mất đến nửa ngày công cho một món quà, để tiền đó cuối tháng vợ chồng về nhà mua gì cho các con ăn thì hơn”(!). Nghe chị Hải nói thế, một phụ nữ khác đang cật lực xúc những xẻng cát to để sàng cát góp chuyện, “ôi giời, ngày mùng 8-3 là phải của những chị làm công sở kia, chứ phụ nữ nông thôn như chúng tôi muốn gặp chồng ngày 8-3 còn khó ấy chứ, vì ai cũng đi làm ăn mà, nói gì hoa, quà. Chồng ở xa có gọi điện cũng chỉ hỏi thăm con cái, công việc một chút rồi tắt máy đỡ… tốn tiền. Có khi cũng chả nhớ đó là ngày gì”.

Không chỉ riêng các “phu hồ” nữ có ngày 8-3 như thế. Những chị bán hàng rong, đẩy xe hoa quả trong phố, những chị bán hoa tươi, đồng nát… mải miết việc mưu sinh hằng ngày, ít có những niềm vui như phụ nữ thành phố, những phụ nữ làm công sở. Quà tặng mùng 8-3 với họ là thứ “xa xỉ”(!).

Nét đẹp cho thị thành

Ngày 8-3 với đa số phụ nữ nghèo lao động chân tay mà chúng tôi gặp trong thành phố, không có gì đặc biệt. Vì cơm áo, nhiều phụ nữ lao động đã không được hưởng một ngày Quốc tế phụ nữ đúng nghĩa. Chị Trâm, làng hoa Phù Long chuyên bán hoa tươi ở cổng đền Thổ Vua, đường Trần Hưng Đạo cho biết: Ngày 8-3 chúng tôi bán được rất nhiều hoa lại đắt hơn vì khách mua chủ yếu là đàn ông. Họ mua hoa về tặng bạn gái, vợ, mẹ… Tuy bán hoa phục vụ mọi người nhưng riêng chúng tôi, chưa được chồng tặng hoa tươi bao giờ. Niềm vui trong ngày mùng 8-3 của chúng tôi là bán đắt hàng, công lao động có thể lên tới vài trăm nghìn thậm chí cả triệu đồng nếu “trúng quả” trong ngày 8-3. Ở chợ đêm Phạm Ngũ Lão, chị em lao động trong và ngoài tỉnh là những người đón ngày 8-3 sớm nhất trong thành phố. “Quà” 8-3 với các chị là buổi chợ bán được nhiều, nhanh hết hàng. Chị Lê Thị Thoa quê tận Thái Bình tâm sự: Nhà tôi có 2 cháu học Trường Đại học Kinh tế và Đại học Điều dưỡng. Tất cả tiền nong “đổ” vào chúng nó, thành thử ngày mùng 8-3, tôi “cấm” cả nhà, không phải phung phí tiền mua hoa quà gì tặng hết, để lo cho con ăn học. Chị Thoa nói xong thì cười tươi roi rói. Và, đến cuối ngày 8-3 những nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài công việc quen thuộc. Họ sẽ dọn dẹp lại thành phố sau một ngày náo nhiệt. Tiếng chổi tre của họ, bóng dáng cần mẫn của các chị sau những xe rác nặng trĩu làm sạch thành phố đã quen thuộc với mọi người. Chị Thanh, công nhân môi trường đô thị cho biết: “Ngày 8-3 chúng tôi bận hơn vì đường phố nhiều rác hơn ngày thường do lượng rác từ người bán hoa tươi thải ra khá nhiều!”.

Còn những thiệt thòi cho nhiều phụ nữ nghèo trong ngày 8-3; nhưng có một niềm vui đối với tất cả phụ nữ đều giống nhau. Đó là chăm lo được cho gia đình, những người yêu thương, mà không đòi hỏi được quan tâm, chăm lo trở lại dù chỉ một ngày 8-3. Họ, trong ngày 8-3 đều đáng được tôn vinh!./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com