Thành phố Nam Định tăng cường công tác quản lý lĩnh vực văn hóa

08:06, 15/06/2022

Là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền thành phố Nam Định đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước toàn diện trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT và DL); tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, kinh doanh dịch vụ VH, TT và DL trên địa bàn, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh” tại địa phương.

Tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ Thái cực trường sinh đạo, phường Văn Miếu.
Tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ Thái cực trường sinh đạo, phường Văn Miếu.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thành Nam theo hướng phát huy truyền thống văn hiến của quê hương, hình thành sâu rộng nếp sống văn minh đô thị để thành phố ngày càng “xanh - sạch - đep - an toàn”, mang bản sắc riêng của một đô thị có bề dày lịch sử, văn hóa và cách mạng là mục tiêu thành phố đặt ra trong Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 13-10-2016 về triển khai thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh. Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT), Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH, TT và TT) thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng các chuyên mục về văn hóa tuyên truyền qua hệ thống phát thanh 2 buổi/tuần, mỗi chuyên mục có thời lượng từ 5-7 phút. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình thực thi công vụ, cải cách hành chính. Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược “Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, quy chế dân chủ cơ sở, đến nay, toàn thành phố có trên 70% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Các phong trào: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Phụ nữ thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Tuổi trẻ thành phố chung tay xây dựng đô thị văn minh”, “Xung kích vì cuộc sống cộng đồng” của các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên thành phố được phát động mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Từ năm 2019, 100% cơ quan, đơn vị, xã, phường của thành phố đã ban hành quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố đã chỉ đạo chính quyền các xã, phường vận động người dân thực hiện tốt nội quy đơn vị, hương ước, quy ước thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) và quy định nơi công cộng. Đến nay, thành phố Nam Định đã có hơn 90% thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Thôn, xóm, TDP văn hóa”. Các đơn vị được công nhận luôn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về: xây dựng đời sống kinh tế ổn định; phát triển văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú; xây dựng môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và sinh hoạt cộng đồng… Hiện thành phố có 1 nhà văn hoá (NVH) thiếu nhi, 1 Trung tâm văn hóa - thể thao và gần 100 địa điểm vui chơi, giải trí công cộng; 137 NVH khu dân cư, TDP, thôn, xóm. Trong quá trình xây dựng NTM, các xã ngoại thành của thành phố đã quy hoạch đất tại 59/62 thôn, xóm để xây dựng nhà NVH. Đến nay, 50 thôn, xóm có NVH; cả 62 thôn, xóm có sân thể thao. Năm 2020, thành phố đã hoàn thành Dự án “Xây dựng mô hình tập luyện thể dục thể thao (TDTT) công cộng tại các khu vực công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố” với 6 cụm trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời, thu hút hàng nghìn người tham gia tập luyện. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển, tập trung tại các địa điểm: Công viên Vị Xuyên, Quảng trường Dàn Leo, Vườn hoa Điện Biên… với các hình thức phong phú như: đi bộ, đạp xe, thể hình, dưỡng sinh, khiêu vũ, đá cầu, cầu lông, bóng đá… Hàng năm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, TDTT được thành phố tổ chức thường xuyên, gắn với các lễ hội, sự kiện văn hóa, chính trị của thành phố, của tỉnh. Tại 25 phường, xã đã thành lập được 96 câu lạc bộ, hội, nhóm văn nghệ quần chúng, sinh hoạt đa dạng các loại hình từ múa hát dân ca, dân vũ đến nhảy hiện đại, góp phần nâng cao vai trò của người dân trong sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực VH, TT và DL là thành phố Nam Định đang rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng Đề án “Đầu tư kinh phí đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, công chức, viên chức văn hóa” với các nội dung: Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật đối với đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; chủ động đấu tranh, phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Hàng năm, UBND thành phố phối hợp với Sở VH, TT và DL, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, bổ sung kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý Nhà nước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong quản lý di sản, chính quyền thành phố đã thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các biểu hiện tư nhân hóa, thương mại hóa di tích, lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm và giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp là đơn vị trực tiếp tham mưu, giúp việc cho UBND thành phố trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Việc quản lý, sử dụng các nguồn thu tại Đền Trần được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch theo quy chế phối hợp quản lý của UBND thành phố, quy chế dân chủ cơ sở và Luật Ngân sách Nhà nước. Hàng năm, UBND thành phố đều trích từ nguồn thu tại Đền Trần để đầu tư xây dựng, sửa chữa Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp. Đối với các di tích khác trên địa bàn, công tác quản lý được giao cho Ban Quản lý các di tích tại các địa phương, do nhân dân bầu và được UBND các xã, phường ra quyết định thành lập. Ban Quản lý các di tích này làm việc dựa trên sự tín nhiệm của người dân và chịu sự quản lý của chính quyền địa phương. Hàng năm, Phòng VH-TT thành phố và UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý lễ hội, nếp sống văn minh tại lễ hội, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, kinh doanh bất hợp pháp trong lễ hội. Năm 2019, UBND thành phố đã phê duyệt 2 quy trình ISO 9001-2015 về công tác quản lý lễ hội.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền, công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở được Trung tâm VH, TT và TT thành phố, Đài phát thanh các xã, phường đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình phát sóng, phát thanh; trong đó, tập trung tuyên truyền, phản ánh đa chiều trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Trung tâm VH, TT và TT thành phố đã mở các chuyên mục về phòng, chống COVID-19, hướng dẫn khai báo y tế toàn dân, thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của thành phố về công tác phòng, chống dịch và tình hình dịch bệnh trên địa bàn; giới thiệu tài liệu hỏi đáp, video do ngành Y tế cung cấp… 

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, Phòng VH-TT thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quảng cáo, lưu trú, TDTT, các di tích trên địa bàn. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ; đảm bảo đầy đủ thủ tục hành chính, giấy phép kinh doanh; đạt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất; có bảng nội quy theo quy định của pháp luật... Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch tại các điểm di tích liên quan đến 2 lễ hội lớn của thành phố Nam Định là Lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng) và Lễ hội Trần (tháng Tám âm lịch), phòng ngừa lây nhiễm dịch trong cộng đồng người dân và du khách. 

Thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Thành Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về gia đình, VH, TT và DL; rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn của địa phương. Củng cố mạng lưới thông tin, truyền thông, tuyên truyền viên, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa. Tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Nếp sống văn minh đô thị”, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa - thể thao. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân đầu tư vào các hoạt động VH, TT và DL. Chú trọng xây dựng văn hóa lành mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com