Để giáo dục quyết định sự phát triển đất nước

09:01, 29/01/2013

Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch nước

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, từ chỗ kém phát triển, thiếu tài nguyên, thậm chí đổ nát sau chiến tranh… nhưng vì tận lực phát triển giáo dục, tập trung đầu tư phát triển con người, xem phẩm chất và năng lực của công dân là nguồn lực quý báu nhất của xã hội mà các nước ấy đã vươn lên, đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển cao. Đối với nước ta, lúc này hơn bao giờ hết, cần phải có một quyết tâm chính trị như thế.

Đại hội XI của Đảng một lần nữa nhấn mạnh "giáo dục là quốc sách hàng đầu” và chủ trương tiến hành "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân Việt Nam”. Trước những khó khăn, thách thức gay gắt của đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội... càng thấy rõ, đặt giáo dục vào vị trí quốc sách hàng đầu là một tư tưởng chiến lược cực kỳ quan trọng, càng thấy cần thiết phải đổi mới nền giáo dục quốc dân một cách căn bản và toàn diện. Chỉ có làm như vậy thì mới bảo đảm để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đổi mới, cải cách giáo dục là một công trình quốc gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài tới toàn bộ xã hội. Ảnh: Internet
Đổi mới, cải cách giáo dục là một công trình quốc gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài tới toàn bộ xã hội. Ảnh: Internet

Trong năm 2012, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để làm rõ nội dung của chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện. Trong các cuộc hội thảo ấy cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tổ chức và cá nhân các nhà giáo, nhà khoa học đã trình bày những kết quả nghiên cứu về thực trạng giáo dục và đóng góp ý kiến về phương hướng, nội dung đổi mới giáo dục. Bản thân ngành giáo dục cũng đã có những hoạt động chuẩn bị cho việc triển khai chủ trương của Đại hội Đảng, như giúp Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể trình Trung ương Đảng, khởi động việc nghiên cứu xây dựng chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới… Theo dự kiến, lẽ ra Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10-2012 sẽ ra nghị quyết chỉ đạo việc triển khai chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục (đồng thời với việc ban hành nghị quyết về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ) nhưng rồi Trung ương chưa làm được điều đó như mọi người mong đợi.

Vì sao việc triển khai chủ trương to lớn và vô cùng quan trọng này lại bị chậm lại? Cần xác định rõ những khó khăn, trở ngại nào đã gây ra sự chậm trễ không đáng có để tới đây có thể khai thông tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo kế hoạch đã định. Khó khăn, trở ngại kể ra thì nhiều nhưng xét riêng về mặt chủ quan, sự chậm trễ ấy chắc chắn có nguyên nhân chưa ổn về cách nghĩ và cách làm.

Về cách nghĩ, muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, theo ý kiến của hầu hết các đại biểu tại các cuộc hội thảo, thì vấn đề đầu tiên là cần phải đổi mới tư duy. Nhưng đổi mới tư duy gì, đổi mới như thế nào, hình như chưa được bàn đến nơi, đến chốn nên vẫn chưa thật rõ. Mà có nhận thức cho rõ, cho đúng vấn đề này thì mới có thể hành động đúng được.

Trước hết, theo tôi, đổi mới tư duy là phải nhận thức rõ nhu cầu bức xúc hiện nay của đất nước và nhân dân về một nền giáo dục được đổi mới thật sự. Từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân ta đã bước vào giai đoạn mới, xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau 30 năm đổi mới kinh tế - xã hội, mô hình phát triển kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có và nguồn nhân công giá rẻ đã hết tác dụng. Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thế giới, nhiều nước đã chuyển đổi mô hình phát triển, đạt thành quả to lớn trong việc áp dụng khoa học - công nghệ để xây dựng nền kinh tế tri thức, thì nước ta lại đối mặt với nguy cơ đã chậm càng chậm hơn vì giãn cách so với các nước phát triển ngay trong khu vực ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp khôn lường, chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của nước ta đối với biển đảo trực tiếp bị đe dọa. Để đất nước được bảo vệ vẹn toàn và phát triển bền vững, nhân dân ta đang phải giải quyết nhiều nhiệm vụ to lớn, nặng nề, phức tạp hơn trước. Tới đây, để tiếp tục giữ nước và dựng nước, đồng thời hội nhập với xu thế tiến bộ, văn minh nhân loại, những thế hệ người Việt chẳng những cần có nhân cách và năng lực hành động cao, nắm vững khoa học công nghệ ở trình độ tiên tiến mà phải có bản lĩnh tự lập, tự chủ, tự cường. Rõ ràng, sứ mạng và mục tiêu giáo dục phải khác trước. Giáo dục không thể chỉ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng mà phải phát triển nhân cách, phát triển mọi năng lực ở từng cá nhân học sinh, sinh viên.

Đáp ứng đòi hỏi đó, đất nước và nhân dân ta cần có một nền giáo dục quốc dân thật sự có chất lượng, mang tính nhân văn, tiên tiến và hiện đại. Muốn thế, phải đoạn tuyệt với phương thức giáo dục nhồi nhét, chỉ cốt gia tăng tính dựa dẫm, thụ động cả về tư duy và hành động, và ở bề nổi, phương thức giáo dục ấy đã biến khoa cử và bằng cấp từ chỗ là phương tiện trở thành mục đích, khiến cho sự giả dối lấn át ngay trong hoạt động của nhà trường và lây lan trong cả hệ thống giáo dục. Phải đoạn tuyệt với những biểu hiện cũ kỹ, lạc hậu, không tiến bộ của phương thức giáo dục ấy để dứt khoát chuyển sang một nền giáo dục vì sự phát triển của con người, coi trọng nhân cách và năng lực của từng con người, làm cho giáo dục, sau khi đổi mới căn bản và toàn diện, thật sự góp phần kiến tạo sức mạnh của dân tộc. Có thống nhất được nhận thức như trên thì mới có đủ quyết tâm và tập trung sức lực cần thiết để thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục lần này, xét về thực chất, đây là một cuộc cải cách to lớn và quan trọng về giáo dục.

Dự thảo Đề án tổng thể trước khi trình Trung ương đã được đưa ra từng phần tại nhiều cuộc hội thảo song chưa đủ sức thuyết phục các nhà giáo, các nhà khoa học được mời góp ý. Sở dĩ như vậy chính là vì, về căn bản, Dự thảo Đề án không thể hiện được ý tưởng đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân. Có lẽ vì các tác giả chưa quyết liệt và triệt để đoạn tuyệt với những biểu hiện cũ kỹ, lạc hậu, không tiến bộ ở nền giáo dục của chúng ta. Ở đây, còn có vấn đề về cách làm. Đổi mới, cải cách giáo dục là một công trình quốc gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài tới toàn bộ xã hội, việc thiết kế một công trình như thế không thể khoán trắng cho riêng Bộ GD và ĐT, mặc dù Bộ GD và ĐT có vai trò quan trọng. Theo kinh nghiệm của các nước, để xây dựng một đề án cải cách giáo dục (tương tự Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của ta) cần phải huy động sự đóng góp về trí tuệ của đông đảo nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, kể cả cha mẹ học sinh trong cả nước và được soạn thảo bởi một đội ngũ chuyên gia được chọn lọc cả trong và ngoài ngành giáo dục. Họ làm như thế vì họ lo kế sách trăm năm trồng người. Tiếc rằng, ta đã chọn một cách làm quen thuộc của ta khác hẳn với các nước, nên sản phẩm có được (văn bản Đề án tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam) chưa xứng tầm mà nó cần phải có.

Năm mới, nói chuyện cũ, hy vọng tới đây sẽ có cách nghĩ và cách làm mới để nền giáo dục Việt Nam thật sự đổi mới căn bản và toàn diện, từ đó phát huy tác dụng quyết định đối với sự phát triển đất nước./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com