Thực hiện đồng bộ chính sách an sinh xã hội

08:01, 28/01/2013

Năm 2012, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát dẫn đến hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao; doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn... tác động lớn đến chính sách an sinh xã hội (ASXH). Tuy nhiên, trong khó khăn, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trọng tâm là tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống nhân dân.

Nỗ lực trong khó khăn

Năm 2012, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người nghèo và cận nghèo, qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh, đất sản xuất, dạy nghề, khuyến nông - lâm - ngư, xuất khẩu lao động và các chính sách hỗ trợ gián tiếp như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, pháp lý. Giảm nghèo được thực hiện đồng thời trên các cấp độ: người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo và huyện nghèo. Các chương trình 135, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80... của Chính phủ đã hướng đến các địa bàn nghèo nhất, các xã đặc biệt khó khăn, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng. Các đoàn thể, DN cũng đã có nhiều sáng kiến để góp phần giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, xây nhà, cấp học bổng, phát triển giao thông...

Với quyết tâm chỉ đạo và điều hành sát sao, kịp thời của Chính phủ, có thể nói, nước ta đã cơ bản đạt được mục tiêu về ASXH, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua mốc của một nước nghèo (1.000 USD) và trở thành nước có thu nhập trung bình. Tỷ lệ hộ nghèo ước cả năm 2012 giảm 1,76%. Kết quả bước đầu đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới, góp phần giảm sự gia tăng khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư. Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn đã được cải thiện đáng kể với hàng vạn công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Lao động đến đăng ký tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm Nam Định. Ảnh: Vân Thi
Lao động đến đăng ký tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm Nam Định.
Ảnh: Vân Thi

Những chính sách như trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội đột xuất đã bước đầu phát huy hiệu quả, và được cộng đồng xã hội quan tâm, ghi nhận. Nhìn chung, các địa phương đã có nhiều cố gắng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Chính phủ; kiểm tra, rà soát tình hình thiếu đói, thiệt hại do thiên tai, trên cơ sở đó xây dựng các phương án cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ phương tiện sinh sống vùng ngập lũ; hỗ trợ nước sạch cho hộ nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ cải thiện sinh kế cho hộ nghèo... Ngoài trợ giúp tiền mặt, các mô hình trợ giúp xã hội cho từng nhóm đối tượng cũng được xây dựng phù hợp với nhu cầu của mỗi nhóm và bổ sung cho nguồn lực còn hạn chế từ ngân sách.

Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức như triển khai các chính sách, chương trình giảm nghèo còn bất cập do nhiều cơ quan, tổ chức cùng tiến hành dẫn đến chồng chéo về đối tượng, nguồn lực phân tán; công tác lập kế hoạch giảm nghèo còn yếu; quan niệm về nghèo đói chỉ giới hạn vào nghèo đói thu nhập, trong khi chuẩn nghèo thấp dẫn đến tỷ lệ hộ cận nghèo cao. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thiên về hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc hiện vật hơn là tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tự nâng cao năng lực vươn lên thoát nghèo bền vững...

Những đề xuất

Để tiếp tục bảo đảm chính sách ASXH, ổn định đời sống nhân dân, tạo động lực phát triển bền vững năm 2013 và những năm tiếp theo, trước hết cần chú trọng giải quyết việc làm, tiếp tục hoàn thiện Luật Việc làm, Luật Lương tối thiểu... tăng cường mở rộng việc làm trong khu vực FDI, khu vực tư nhân; có các chính sách khuyến khích các ngành sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động kỹ năng thấp, lao động nữ, lao động di cư làm việc trong các KCN, KCX; phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và hệ thống tư vấn hướng nghiệp nhằm nâng cao khả năng có việc làm cho lao động trẻ, thực hiện thành công chính sách phân luồng trong giáo dục. Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào tạo việc làm và giám sát quá trình hoạch định chính sách và phát triển thị trường lao động.

Đẩy mạnh các chương trình tạo việc làm, trong đó quan tâm đến người lao động từ các hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có nhiều cơ hội tiếp cận được việc làm với thu nhập ổn định và điều kiện làm việc tốt thông qua: nghiên cứu xây dựng chương trình việc làm công cho người thất nghiệp, thiếu việc làm; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt đối với nhóm dân tộc thiểu số; hoàn thiện luật và chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên cho người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo cần được thực hiện theo hai hướng: Một là, hỗ trợ hộ nghèo có việc làm với thu nhập ngày càng tăng để thoát nghèo, đạt thu nhập tối thiểu và nâng cao thu nhập. Hai là, hỗ trợ tiền mặt để bảo đảm thu nhập tối thiểu, đủ điều kiện cho trẻ em học hành, được chăm sóc y tế, chống suy dinh dưỡng. Hướng tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân. Hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo tìm được việc làm ổn định, có thu nhập hợp lý hoặc phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng là, hướng tới cung cấp dịch vụ an sinh tối thiểu bảo đảm cho người dân tiếp cận giáo dục thông qua việc tăng cường phổ cập giáo dục cấp II và giáo dục mầm non cho trẻ bốn tuổi. Bên cạnh đó, cần tăng cường y tế tối thiểu cho người dân (tham gia bảo hiểm y tế và chăm sóc cơ bản); bảo đảm nhà ở tối thiểu cho người nghèo nông thôn, người thu nhập thấp trong đô thị, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và lao động làm việc trong các KCN, KCX; tăng cường về nước sạch, thông tin và văn hóa đối với người dân ở nông thôn, nhất là dân tộc thiểu số và các huyện nghèo...

An sinh xã hội đã, đang và sẽ luôn vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của sự công bằng và ổn định xã hội./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com