Cần xây dựng Quỹ bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

08:01, 28/01/2013

Mấy năm trước, anh Nguyễn Minh Hùng (TP Nam Định) được nhận vào làm công nhân xây dựng ở một doanh nghiệp tại Hà Nội. Hằng tháng, nhờ tiết kiệm trong sinh hoạt, anh dành dụm được khoảng 2 triệu đồng. Một lần anh bị ngã giàn giáo và bị thương tật ở cột sống. Do thiếu hiểu biết pháp luật nên anh không để ý đến việc ký kết hợp đồng lao động, vì vậy việc giải quyết chế độ bồi thường khó khăn. Doanh nghiệp muốn cho “êm chuyện”, không để các cơ quan chức năng “vào cuộc” nên đã bồi thường cho anh vài chục triệu đồng, chấm dứt quan hệ lao động. Khoản bồi thường của doanh nghiệp và số tiền tiết kiệm của anh đổ hết vào chữa bệnh nhưng bệnh vẫn không chữa dứt được. Giờ anh Hùng không làm được việc nặng nhọc, kinh tế gia đình càng khó khăn.

Công nhân Cty CP Lâm sản Nam Định luôn chấp hành nghiêm quy định về sử dụng bảo hộ lao động.
Công nhân Cty CP Lâm sản Nam Định luôn chấp hành nghiêm quy định về sử dụng bảo hộ lao động.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách pháp luật bồi thường tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp còn nhiều bất cập, trong đó phần thiệt thòi chủ yếu thuộc về người lao động (NLĐ). Theo một cán bộ ngành BHXH, do những bất cập trong việc lập hồ sơ làm căn cứ hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp nên số lao động được hưởng chế độ chính sách vẫn chưa cao. Hiện chưa có quy định cụ thể về việc làm thủ tục xét hưởng chế độ cho người bị TNLĐ, nhất là những trường hợp bị TNLĐ khi đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, không gần nơi đông dân cư và trụ sở công an hoặc khi kiểm tra ngay lúc bị tai nạn thấy bình thường, sau đó mới phát hiện bị thương. Những trường hợp TNLĐ, khi xảy ra không lập biên bản nên NLĐ không đủ điều kiện để hưởng chế độ theo quy định. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của Sở LĐ-TB và XH hay của chủ sử dụng lao động trong việc lập biên bản điều tra các trường hợp bị tai nạn giao thông được coi là TNLĐ. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm điều tra, báo cáo về tình trạng của NLĐ bị TNLĐ. Luật chưa có văn bản quy định thời hạn người sử dụng lao động phải hoàn thiện hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người bị TNLĐ dẫn đến một số trường hợp bị tai nạn, sau 2-3 năm doanh nghiệp mới hoàn thiện hồ sơ cho NLĐ nên các cơ quan rất khó thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ. Hiện nay, Bộ luật Lao động chỉ quy định đối tượng được hưởng chế độ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là người làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp. Trong khi đó, công tác ATVSLĐ liên quan đến cả những đối tượng không thuộc phạm vi trên, như: nông dân và lao động tự do, người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ mà không có giao kết hợp đồng lao động. Quy định bồi thường, trợ cấp TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, mức trợ cấp và nhiều nội dung trong đó còn chưa phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ luật Lao động hiện nay, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường người bị suy giảm 5% khả năng lao động trở lên hoặc cho thân nhân người chết do TNLĐ và bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của NLĐ. Trường hợp do lỗi của NLĐ thì mức trợ cấp với mức bằng 40% mức bồi thường. Tuy nhiên trong thực tế, TNLĐ xảy ra thường do nhiều nguyên nhân và việc xác định nguyên nhân do bên nào là rất khó khăn và phức tạp. Việc bồi thường cho người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong thực tiễn còn vướng bởi quy trình. Việc chi trả bồi thường do cả chủ sử dụng lao động và cơ quan BHXH thực hiện. Quy trình giải quyết chế độ giám định và cấp sổ bệnh nghề nghiệp hiện nay rất rườm rà, phức tạp do phải gắn việc xác định bệnh nghề nghiệp với kết quả đo môi trường lao động trong khi hiện nay rất ít doanh nghiệp thực hiện quy định này. Quy định về điều tra TNLĐ cũng còn những điểm chưa hợp lý. Theo quy định, khi có tin báo xảy ra tai nạn chết người, đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh đến ngay cơ sở xảy ra tai nạn để phối hợp với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát tiến hành điều tra tại chỗ. Sau khi cơ quan công an và Viện Kiểm sát thụ lý, kết luận xong mới chuyển hồ sơ cho đoàn điều tra TNLĐ tiến hành điều tra, lập biên bản. Như thế, thời gian điều tra và lập biên bản kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ cho thân nhân người bị tai nạn. Khi bị TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, NLĐ và thân nhân của họ không những mất mát về người, suy giảm sức khỏe mà khả năng làm việc, thu nhập cũng bị giảm sút. Đối với người sử dụng lao động, khi tai nạn xảy ra sẽ gây thiệt hại về chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nhà xưởng; chi phí y tế, giám định thương tật… Hiện nay, theo quy định của pháp luật lao động, khi để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng chết người thì cơ sở sử dụng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường hoặc trợ cấp cho thân nhân NLĐ bị TNLĐ. Tại Điều 107, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung và tại Điều 11, Nghị định số 110/2002/NĐ-CP, ngày 27-12-2002 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của NLĐ. Trong trường hợp do lỗi trực tiếp của NLĐ thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có)... Như vậy, nếu không may xảy ra TNLĐ chết người do lỗi của người sử dụng lao động, NLĐ là công nhân bậc thợ thấp nhất là 1,85 sẽ được bồi thường 58 triệu 275 nghìn đồng? Trong khi người bị TNLĐ có khi là trụ cột, lao động duy nhất trong gia đình nuôi bố mẹ già, vợ con. Khi họ bị TNLĐ chết đi cũng đồng nghĩa cuộc sống của người thân sẽ lâm vào tình trạng rất khó khăn.

Từ những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách bồi thường TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, với mục đích đặt NLĐ là trọng tâm bảo vệ trong các chủ trương, chính sách pháp luật về lao động, Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATVSLĐ đã đưa ra nhiệm vụ xây dựng Quỹ bồi thường TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Cùng với việc sửa đổi các quy định hiện hành với yêu cầu giảm thiểu thủ tục, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, việc xây dựng Quỹ bồi thường TNLĐ và bệnh nghề nghiệp sẽ phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ kịp thời cho NLĐ khi gặp tai nạn, rủi ro, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài cho họ và gia đình, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt các gánh nặng bảo trợ xã hội do các hệ lụy đi kèm vì kinh tế gia đình kiệt quệ. Hiện, Bộ LĐ-TB và XH đang hoàn thiện việc xây dựng đề án thành lập Quỹ để trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

Bài và ảnh: Vân Anh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com