Thực hiện quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta đã triển khai xây dựng một số bến xe mới. Tuy nhiên, qua quá trình vận hành khai thác, các bến mới được đầu tư theo hướng hiện đại, với mức vốn lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả và công năng sử dụng.
Bến xe khách Nam Định luôn ở trong tình trạng thiếu vắng hành khách. |
Bến xe khách của huyện Hải Hậu chuyển địa điểm mới đến xã Hải Thanh, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8 năm 2012 do bến xe cũ tại Thị trấn Yên Định đã xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn theo quy định, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển vận tải khách của huyện. Bến xe mới có tổng mức đầu tư là 19,5 tỷ đồng; được xây dựng theo tiêu chuẩn loại 3 với quy mô: 10 nghìn m2, 30 vị trí xe đón trả khách, khu đỗ xe qua đêm 2.000m2, phòng chờ khách 150m2, diện tích khu làm việc 600m2, 10 cửa bán vé và các công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng khách vào bến mới giảm sút nhiều so với bến xe cũ. Còn ở Thành phố Nam Định từ ngày 9-5-2012, Cty CP Vận tải ô tô Nam Định chính thức đưa vào khai thác, sử dụng bến xe ô tô mới, hiện đại tại quốc lộ 10, địa bàn xã Lộc Hoà (TP Nam Định). Bến xe được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn bến xe loại 2 với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng; quy mô 32 nghìn m2. Bến xe được thiết kế xây dựng đầy đủ các hạng mục: nhà điều hành, phòng chờ cho hành khách, xưởng sửa chữa ô tô phục vụ bảo dưỡng cho các phương tiện ngay tại bến; sân bãi đỗ xe, công trình phụ trợ. Đây là công trình nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; được đầu tư và đưa vào sử dụng với mục đích góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa trong khu vực và nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của bến xe. Hiện, lịch trình hằng ngày tại bến có hơn 150 chuyến xuất bến đi 40 tuyến liên tỉnh và 10 tuyến nội tỉnh. Mặc dù đã đi vào hoạt động gần một năm nhưng đến thời điểm hiện nay, bến xe hầu như không có khách vào bến. Các dịch vụ phòng trọ, căng-tin… vì thế cũng vắng vẻ, “đìu hiu” theo. Trái ngược với tình trạng vắng khách trong các bến mới, tại huyện Hải Hậu tình trạng hành khách thoải mái vẫy xe dừng đỗ, lên xuống thường xuyên xảy ra dọc khắp các trục đường chính trên địa bàn huyện. Tại Bến xe Nam Định, dọc tuyến quốc lộ 10 trong cự ly vài km quanh bến, xe khách tự do dừng đỗ để đón trả khách, bất chấp việc gây mất trật tự ATGT. Hoạt động đón khách của nhà xe và lựa chọn chuyến đi của hành khách chủ yếu được diễn ra tại ngã ba cầu vượt Lộc Hoà, đoạn Quốc lộ 21 rẽ Quốc lộ 10. Tại đây, cùng một thời điểm thường xuyên có đến 2 hoặc 3 xe dừng đỗ, đón khách đi Hà Nội; gây mất trật tự, an ninh và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do chèo kéo, tranh khách... Theo các đơn vị quản lý bến xe, từ khi bến xe được xây dựng ở vị trí mới, số lượng hành khách giảm rõ rệt vì phải di chuyển từ nội thành ra bến quá xa, phát sinh chi phí di chuyển trong khi các “nhà” xe “chiều” khách sẵn sàng đón dọc đường. Tuy nhiên, thực trạng này có nguyên nhân từ công tác quản lý của ngành chức năng. Do chưa nghiêm túc, kiên quyết trong quản lý nên các xe vẫn dừng “bắt khách” dọc đường. Ở cấp huyện, xe khách vẫn đỗ và xếp khách ở tại xã (nhà của chủ xe hoặc lái xe, chỉ vào bến để làm thủ tục hành chính). Riêng tại bến xe Nam Định, còn một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng hành khách không nghiêm túc chấp hành các quy định vào bến mua vé và bắt đầu cuộc hành trình an toàn từ trong bến là do chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của nhà xe đối với hành khách chưa đạt chuẩn. Chất lượng xe trong bến thấp, nhiều xe cũ nát, thái độ của nhiều lái, phụ xe thiếu lịch sự; không chấp hành đúng giờ xuất bến, hay quay tới 2-3 vòng để tìm khách, gây mất thời gian. Trong khi cùng trên tuyến này có xe chất lượng cao tuyến Thái Bình - Hà Nội chạy qua nên khách thường đợi để đi. Từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan cho thấy, cùng với sự tập trung vào cuộc, nâng cao hiệu quả quản lý của ngành chức năng thì bản thân các doanh nghiệp vận tải cũng phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để “giữ” khách như: thay thế, nâng cấp dần chất lượng phương tiện và quan trọng nhất là có thái độ ứng xử văn minh, đúng mực với hành khách đi xe, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải theo tiêu chí “kịp thời, văn minh”./.
Bài và ảnh: Thuý Vy