Trong bản Di chúc bất hủ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tháng 5-1968, Người căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Luận điểm đó là sự tổng kết lịch sử, nắm vững hiện thực, dự đoán tương lai, vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951). Ảnh: Tư liệu |
Thực tiễn chứng minh, trong quá trình tồn tại và phát triển, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản làm trong sạch Đảng, tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết về đổi mới, chỉnh đốn Đảng tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa VII xác định: Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng ta phải khẩn trương tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh chế độ ta và Đảng ta. Đến Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương Đảng khóa VIII ra nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Sau đó, Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII của Đảng và nhiều nghị quyết BCH Trung ương các khóa tiếp tục đề cập đến nhiệm vụ cơ bản, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ sức lãnh đạo đưa cách mạng tiến lên. Toàn Đảng đã, đang tiến hành thực hiện tự phê bình và phê bình, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là dịp tốt để mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên suy ngẫm và làm theo tư tưởng của Bác về chỉnh đốn Đảng.
Trước hết, đổi mới, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần về mặt tổ chức, nhằm đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tiêu chuẩn, tư cách đảng viên, hay chỉ tiến hành phê bình “nội bộ” là xong, mà phải xuất phát từ mục đích chính trị, nhiệm vụ chính trị của đảng cầm quyền; từ những mục tiêu kinh tế - xã hội Đảng phải giải quyết để đổi mới, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng thực sự ngang tầm với nhiệm vụ của đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Vấn đề hàng đầu của đổi mới, chỉnh đốn Đảng là không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng trong hoạch định đường lối, chiến lược, lãnh đạo toàn dân phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ đã đề ra; đồng thời, tránh cho Đảng không rơi vào bệnh chủ quan, nóng vội, sai lầm về đường lối. Để làm được điều đó, Đảng phải có lý luận tiên phong. Chỉ khi nào Đảng có lý luận tiên phong mới làm tròn nhiệm vụ đội tiên phong.
Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta cũng còn một số “lạc hậu” về nhận thức lý luận dẫn đến sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong nhiều năm. Khách quan đòi hỏi phải tăng cường công tác lý luận, đổi mới tư duy, nâng cao trình độ lý luận trong Đảng và trong xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, có nhiều vấn đề lý luận đang đặt ra, đòi hỏi Đảng phải tổng kết. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng dựa trên nguyên tắc, quán triệt vận dụng là đổi mới nhận thức, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình đó, một mặt tiếp tục đấu tranh khắc phục bệnh bảo thủ, trì trệ, giáo điều, mặt khác chống khuynh hướng xa rời, từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ bỏ định hướng XHCN và mọi diễn biến cơ hội, xét lại. Đó là nhiệm vụ hàng đầu, được coi là tiêu chuẩn cơ bản nhất để tiến hành đổi mới, chỉnh đốn Đảng.
Hai là, đổi mới, chỉnh đốn Đảng về mặt tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Thực hiện tư tưởng của Bác trong công tác phát triển Đảng, rèn luyện đảng viên nói chung, chúng ta đã bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc, thu nạp vào Đảng những người ưu tú nhất. Đại bộ phận đảng viên nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, giữ vai trò, vị trí lãnh đạo của mình. Song, trong công tác phát triển Đảng còn bộc lộ nhiều sai sót. Có lúc, có nơi tuyển chọn người vào Đảng không chặt chẽ, kéo bè kéo cánh; còn để những phần tử cơ hội lọt vào Đảng. Vào Đảng rồi, có một bộ phận không nhỏ đảng viên ngại rèn luyện, tu dưỡng, từng bước suy giảm đạo đức, lối sống, năng lực, phẩm chất. Toàn Đảng cần quan tâm đến công tác phát triển Đảng; phải xác định đây là công việc tuyển chọn nhân tài cho Đảng, cho đất nước.
Ba là, đổi mới, chỉnh đốn Đảng phải dựa vào những kinh nghiệm lịch sử, dựa vào lời chỉ dẫn của quần chúng. Theo Bác, phải dựa trên cái nền nhân dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng đều là công bộc của dân, phải thực sự chịu sự giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đó là chìa khóa dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là điều kiện bảo đảm cho Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo.
Từ những diễn biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới, từ thực trạng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có kinh nghiệm về đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Toàn Đảng thực hiện đổi mới, chỉnh đốn theo tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra, đưa đất nước vững bước tiến lên. Đó là con đường, biện pháp khắc phục có hiệu quả các nguy cơ của đảng cầm quyền: Sai lầm vì đường lối; thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sai lầm trong công tác bố trí cán bộ và nguy cơ lão hóa Đảng - điều Bác thường nhắc đến đối với đảng cầm quyền, nhất là mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn./.
Đại tá, PGS, TS ĐOÀN NGỌC HẢI
(Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị)
Theo Báo QĐND