* Ủy ban MTTQ tỉnh lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 6-3-2013, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo của Trung ương: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền; đại diện lãnh đạo một số bộ, cơ quan Trung ương, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Ở đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh.
Việc lấy ý kiến nhân dân được tỉnh ta triển khai đồng bộ, toàn diện. Tỉnh đã ban hành: Thông tri số 10-TT/TU ngày 8-1-2013 của Ban TVTU; Công văn số 407-CV/TU ngày 4-3-2013 của Tỉnh ủy về việc tăng cường chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 04/KH-HĐND của HĐND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Công văn số 15/HĐND-TGV ngày 25-2-2013 của Thường trực HĐND tỉnh để đôn đốc và hướng dẫn xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân; Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 1-3-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập tổ giúp việc Thường trực HĐND, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc lồng ghép với các hội nghị triển khai công tác chuyên môn; hội nghị cán bộ, công chức của các đơn vị hoặc hội nghị riêng để tuyên truyền. Tổ chức in sao các văn bản, tài liệu có liên quan hoặc đăng tải trên mạng nội bộ của đơn vị để phổ biến đến cán bộ, công chức, nhân viên thuộc đơn vị mình. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu ở các khu vực công cộng. Tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng như Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định, hệ thống phát thanh của các huyện. Đến nay, toàn tỉnh đã tập hợp được 15/61 đầu mối; ở cấp huyện đang tiến hành giai đoạn tập hợp cao điểm; ở cấp xã đã tổ chức lấy ý kiến được 70% tổng số đơn vị.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề của HĐND tỉnh (ngày 11-3) gồm đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh; Hội nghị lấy ý kiến cấp tỉnh (ngày 14-3) gồm đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí đại biểu Quốc hội của tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban
MTTQ tỉnh và đại diện các tổ chức thành viên; đại diện một số đơn vị cấp huyện, xã, một số chuyên gia, nhân sỹ, trí thức tiêu biểu. Ở các sở, ban, ngành, UBND các huyện tiếp tục đôn đốc và tập hợp ý kiến đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ đề ra. Tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo ý kiến từ các kênh để báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dự kiến xong trước ngày 20-3-2013). Nhìn chung, các ý kiến tham gia đều đồng thuận với nội dung dự thảo, những ý kiến đóng góp cụ thể tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo gửi Trung ương vào ngày 25-3. Nhìn chung về cơ bản lãnh đạo các cấp, các ngành đều nhận thức nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trong việc tổ chức, triển khai. Việc tuyên truyền Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các văn bản liên quan đã kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Một số tổ chức đoàn thể đã chỉ đạo sát sao việc tổ chức lấy ý kiến và đạt hiệu quả tốt, phương pháp tổ chức lấy ý kiến đa dạng, bảo đảm tiến độ và chất lượng ý kiến đóng góp.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc triển khai lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các bộ, ngành, các địa phương. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các địa phương cần tập hợp các ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đánh giá rõ ràng, không mơ hồ chung chung để có cơ sở lý luận nhằm phản bác lại các ý kiến sai lệch, lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, cần tranh thủ ý kiến tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý; chú ý thống kê và so sánh giữa ý kiến ủng hộ và không ủng hộ để lắng nghe và sửa đổi cho hợp lý. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải bám sát đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Đối với các ý kiến góp ý được chọn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần bảo đảm khách quan, mang tính tiêu biểu và tính xây dựng; cần tránh khuynh hướng thông tin phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, không chân thực. Ngoài việc thực hiện đúng tiến độ, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân đến khi Dự thảo được thông qua. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tham gia lấy ý kiến đóng góp; các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo công tác tuyền truyền đảm bảo đúng định hướng, kế hoạch đề ra, không để kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng để kích động nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng, các báo, đài Trung ương, địa phương cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục và có ý kiến định hướng, trả lời những thắc mắc của nhân dân. Đối với các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị bằng văn bản, báo cáo.
Ngày 7-3-2013, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự. Cùng dự có lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh và Ủy ban MTTQ 10 huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí với nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và khẳng định Dự thảo Hiến pháp 1992 đảm bảo tính khoa học về kỹ thuật lập hiến, có nhiều đổi mới, thể chế hóa kịp thời những quan điểm chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh của Đảng, khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đặc biệt, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này còn bổ sung, phát triển điều 4, Chương I, nói về vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Tại hội nghị có trên 500 ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trực tiếp và bằng văn bản, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Phần lời nói đầu, đề nghị thay cụm từ “mấy nghìn năm” bằng cụm từ “hàng nghìn năm” lịch sử; câu “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” nên sửa là “Từ ngày nhân dân ta có Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện…”. Tại Chương I, Chế độ chính trị, tại điều 4, khoản 2 cần thay từ “mình” bằng từ “Đảng”; điều 9, khoản 3 đề nghị thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng cụm từ “bảo đảm điều kiện” trong câu “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Chương II, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tại điều 21 thêm cụm từ “quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” vào câu “Mọi người có quyền sống…”. Tại Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi truờng, một số đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “nhân văn, dân chủ, tiến bộ” ở điều 64 thay bằng cụm từ “Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; cần có quy định về đội ngũ nhà giáo vào điều 66… Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp ý kiến xung quanh việc khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị xã hội khác; mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với MTTQ… Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng của các đại biểu. Đồng thời, yêu cầu Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực các ý kiến đóng góp thể hiện tốt nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, huy động trí tuệ nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh với những hành vi của các thế lực thù địch lợi dụng việc sửa đổi Hiến pháp để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta./.
Thanh Tuấn và Văn Trọng