Công cuộc đổi mới đã mang lại những khởi sắc to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, cải cách hành chính bước đầu mang đến những tín hiệu vui, khiến người dân bớt khổ hơn mỗi khi đến chốn công quyền...
Một chính khách từng tư vấn cho Việt Nam giải quyết vấn đề tham nhũng - cốt lõi sinh ra sự sách nhiễu, phiền hà trong thủ tục hành chính bằng bốn giải pháp: Phải được tiến hành đồng bộ như sau: Làm cho công chức "không dám tham nhũng bằng cách phạt rất nặng; không cần tham nhũng bằng cách trả lương rất cao; không thể tham nhũng bằng cách quản lý rất chặt; không nên tham nhũng bằng cách giáo dục họ".
Hoạt động của Trung tâm Giao dịch hành chính một cửa huyện Xuân Trường. Ảnh: Xuân Thu |
Rõ ràng, điều quan trọng để xóa bỏ nỗi ám ảnh "hành nhau là chính", để công chức "không dám - không cần - không thể - không nên" là bằng cách "phạt nặng - trả lương cao - quản lý chặt - giáo dục". Như vậy, điều cao nhất của chính sách này là cần giáo dục sự tự ý thức của đội ngũ những người "nhân danh nhà nước", chứ không phải là bắt ép, xử phạt.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cụ thể cải cách hành chính liên quan trực tiếp các lĩnh vực "nóng" như đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế... Đã có hơn 5.500 thủ tục hành chính được rà soát; 453 thủ tục hành chính được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; 3.749 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi, bổ sung; 288 thủ tục hành chính được kiến nghị thay thế, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%... tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Nếu thời bao cấp, người dân e dè bao nhiêu khi đến cửa công quyền thì nay, nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, nhất là về thủ tục khiến người dân bớt ngại. Một cửa một dấu đã trở thành một khái niệm phổ biến. "Minh bạch", "công khai", "thuận tiện" đã là những tiêu chí để người dân công khai giám sát. Người dân được tuyên truyền phổ biến về các quy định, chính sách mới của nhà nước nên khoảng cách người dân và bộ máy phục vụ ngày càng rút ngắn lại. Mặc dù vậy, vẫn còn những quan ngại, lo sợ "hành là chính" của một bộ phận doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc với các cơ quan nhà nước. Đa số vụ việc hành chính có kèm với văn bản mẫu thường bắt đầu bằng hai chữ "đơn xin". Nào là đơn xin giao đất, thuê đất; xin tách thửa, hợp thửa; xin đăng ký biến động về sử dụng đất; xin cấp giấy phép xây dựng; nào là xin cấp chứng minh nhân dân, xin đăng ký kết hôn...
Kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng lan rộng đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Cải cách hành chính hiệu quả chính là mũi tên trúng hai đích, vừa kích dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào, vừa tạo cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều mà chúng ta luôn hướng đến chính là một nền hành chính công dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại. Một chuyên gia nước ngoài từng nhận xét rất "quái" và rất hóm: "Cải cách hành chính ở Việt Nam giống như người đi xe máy trên đường phố. Có chỗ đi thì êm, có chỗ rất xấu phải lạng lách, tìm đường vượt qua". Nhưng khi đến hồi tổng kết đánh giá, báo cáo của các cơ quan thực thi thường nêu ra ưu điểm, nhược điểm mà nhiều khi ưu điểm này lại được viết trong phần nhược điểm, chỉ khác câu chữ đôi chút. Còn người dân, doanh nghiệp vẫn lo ngay ngáy khi đi làm thủ tục dù được truyền thông về "một cửa, một dấu" dưới nhiều hình thức. Người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, "biết thế... nhưng... vẫn làm để được nhanh hơn". Bản chất câu chuyện này mang hai mặt của một vấn đề: Các cơ quan quản lý nhà nước nhìn được mặt này, còn người dân lại nhìn ở mặt kia. Nhưng điều mà cả hai bên cùng hướng đến đó là một quy trình cải cách minh bạch, hiệu quả.
Khi thủ tục hành chính được các cấp, các ngành cẩn trọng "xén" đi những rườm rà tối đa có thể, vấn đề còn lại phụ thuộc vào con người. Thực tế, qua các đợt kiểm tra đột xuất của thanh tra liên ngành về hoạt động cải cách hành chính tại các quận, huyện mới thấy hết ý nghĩa của yếu tố con người. Ở một số địa phương, quan niệm "một cửa" mới chỉ dừng lại ở việc đưa hồ sơ vào một chỗ còn đưa đi đâu giải quyết lại là chuyện khác. Chuyện tiện lúc nào thì kê sổ lúc ấy không phải là hiếm thấy. Nhưng người ta thường dễ dàng "du di" cho nhau để lần sau rút kinh nghiệm.
Mới đây, UBND quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm mô hình dùng máy để chấm điểm cán bộ. Theo đó, 11 ô giao dịch trong bộ phận "một cửa" được gắn 11 máy điện tử màn hình cảm ứng đã cài đặt sẵn những câu hỏi và phương án trả lời về sự hài lòng của người dân với quy trình giải quyết hồ sơ và thái độ phục vụ của cán bộ công chức. Những nhận xét đánh giá của người dân được truyền về máy trung tâm và người quản lý có thể kiểm tra ngay tức khắc, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Với mô hình "chấm điểm điện tử", các cán bộ công chức cũng tận tình, hòa nhã hơn với công dân. Trong khi chưa có một khung chuẩn áp dụng chung cho cả nước về bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính và các mô hình đơn lẻ của các bộ, địa phương vẫn nặng về đánh giá hoạt động cải cách hành chính theo từng giai đoạn thì mô hình "máy chấm điểm cán bộ" của UBND quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là cách làm sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực./.
Theo: nhandan.com.vn