Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

10:08, 18/08/2010

ĐÁNH CHIẾM BẮC BỘ PHỦ. Ảnh: TL
ĐÁNH CHIẾM BẮC BỘ PHỦ.                                                              Ảnh: TL
Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo, là sự vùng dậy của cả dân tộc quyết đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Cuộc cách mạng diễn ra trong 15 ngày nhưng đã được chuẩn bị và phát triển qua 15 năm. Một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền trên cả nước. Đó là thành quả tổng hợp của ba cao trào cách mạng: 1930-1931 và Xô-Viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945 với sức chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Hàng nghìn đảng viên, cán bộ lãnh đạo của Đảng bị địch giết hại và cầm tù ở các nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Bắc Mê. Hơn mười đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trong đó có bốn Tổng Bí thư của Đảng đã anh dũng hy sinh. Người sáng lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng bị kẻ thù tuyên án tử hình vắng mặt và hai lần bị tù đày.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám là thành quả của tư tưởng cách mạng, đường lối chính trị của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được đề ra từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, là cuộc cách mạng mang tính dân chủ và nhân dân sâu sắc, tạo tiền đề và điều kiện để tiến lên xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. Đó là cuộc cách mạng mà mục tiêu cao nhất, cơ bản nhất là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cuộc cách mạng đó đã đập tan ách thống trị của đế quốc thực dân suốt 87 năm và lật đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm trên đất nước ta, mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tiết mục hát múa ca ngợi Tổ quốc của Nhà văn hoá tỉnh.  Ảnh:   Xuân Thu

Tiết mục hát múa ca ngợi Tổ quốc của Nhà văn hoá tỉnh.                                                               Ảnh: Xuân Thu

Mục tiêu "độc lập cho Tổ quốc tôi" Nguyễn Ái Quốc nêu ra năm 1920 đã được thực hiện. Trong Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Sau Cách mạng Tháng Tám, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải chiến đấu ngoan cường với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quý hơn độc lập, tự do, đã giành độc lập, thống nhất trọn vẹn ngày 30-4-1975, và đang bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là thời đại dân chủ thật sự, mang lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Độc lập dân tộc là khát vọng thiêng liêng, song, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Người nêu rõ: "Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ". Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo xây dựng một Nhà nước cộng hòa dân chủ hoàn toàn mới, nhà nước không phải để cai trị dân mà để phục vụ dân, cán bộ, công chức Chính phủ từ toàn quốc đến các làng là công bộc của dân. Dân chủ thể hiện ở tính nhân văn, nhân đạo cao cả của cuộc cách mạng. Cách mạng Tháng Tám đánh đổ chế độ quân chủ phong kiến nhưng không phải vũ lực mà còn chân thành mời cựu hoàng Bảo Đại và những quan lại tham gia chính quyền mới vì sự nghiệp của dân tộc. Cách mạng giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật nhưng bảo đảm an toàn cho sĩ quan, binh sĩ Nhật, tạo điều kiện để họ về nước, bảo vệ những người Pháp trước đó bị quân Nhật bắt giam, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là dân làm chủ, tất cả quyền bính đều thuộc về nhân dân. Nhưng dân chủ phải được bảo đảm bằng pháp quyền, pháp chế, bằng các quyền dân chủ rộng rãi về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền và trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Thành quả dân chủ khởi đầu từ Cách mạng Tháng Tám là nhân dân được làm chủ đất nước, xã hội, thông qua các cuộc bầu cử và sự ra đời của các bản Hiến pháp nhân dân thực hiện ngày càng tốt hơn quyền dân chủ về chính trị, góp phần xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị, xây dựng chế độ mới. Thực hiện chính sách người cày có ruộng tiến tới nhân dân được bảo đảm quyền sở hữu tư liệu sản xuất, tài sản, tự do phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Nhân dân được quyền hưởng thụ nền văn hóa, giáo dục mới, được học hành, phát triển tài năng sáng tạo. Bình đẳng và công bằng xã hội được xác lập trong từng chính sách, văn bản luật pháp, thực tiễn cuộc sống và trong từng bước phát triển. Dân chủ gắn liền với tập trung, với kỷ cương, kỷ luật, pháp luật, dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở dân chủ. Dân chủ không chỉ là sự thực hiện, là trách nhiệm từ phía Nhà nước mà còn thể hiện ở việc thực hiện tốt nhất trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Dân chủ là tạo dựng một xã hội an dân, văn minh, lành mạnh.

Ngay từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa có thể áp dụng được ở châu Á và Việt Nam dễ dàng hơn ở châu Âu. Sau Cách mạng Tháng Tám, do điều kiện lịch sử phải tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc, chưa có điều kiện chuyển lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, song Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định những tiền đề, những điều kiện cần thiết để khi giành được độc lập thống nhất đất nước thì chuyển ngay lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951) đã đề ra mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975) do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã định hình con đường và nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh quan niệm về chủ nghĩa xã hội là xã hội văn minh, bình đẳng, không có áp bức, bất công, là xã hội dân giàu, nước mạnh, mọi người được tự do, ấm no, sung sướng, hạnh phúc cả đời sống vật chất và tinh thần. Công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang làm sáng tỏ cả trong nhận thức và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập nhân dân Việt Nam là bằng hữu của các bạn quốc tế. Người chủ trương "hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững"(1). Người nhấn mạnh sự hợp tác thành thực với nước Pháp. Trong lời kêu gọi Liên hợp quốc (12-1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực". Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời nhà báo Mỹ S.Ê-li Mây-si (9-1947) đã nêu rõ, Việt Nam "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"(2).

Đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay đã và đang hiện thực hóa những nội dung căn bản của tư tưởng Hồ Chí Minh và những di sản của cuộc Cách mạng Tháng Tám./.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

--------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 4, tr4, 56, 8, 95, 177, 182, 470.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.220.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com