Đoàn kết toàn dân làm nên thắng lợi

08:08, 13/08/2010

Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.  Ảnh: TL
Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ảnh: TL
Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu là đoàn kết để tồn tại, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hoá của mình.

Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống đó trên cơ sở tiếp thu lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam làm nhiệm vụ dẫn dắt, tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 do Đảng lãnh đạo nổ ra trong cả nước và giành thắng lợi chỉ trong vòng gần hai tuần lễ. Một trong những nguyên nhân quan trọng có ý nghĩa quyết định là do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phán đoán đúng tình hình quốc tế và tình thế cách mạng trong nước, nắm và chớp đúng thời cơ, chủ động tiến công cách mạng và giành được chính quyền trong cả nước. Mới 15 tuổi, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên trên thế giới tự giành lại độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám là thành quả của toàn dân tộc đoàn kết đấu tranh dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.

Cách mạng Tháng Tám mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của dân tộc ta. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, nhân dân ta trở thành người chủ thật sự của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành đổi mới thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.

Đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo và tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nền tảng cốt yếu nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về đoàn kết toàn dân là phát huy lòng yêu nước, cùng hướng tới mục tiêu nước độc lập, dân tự do và hạnh phúc. Đó là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, bảo đảm quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi người, từ đó khắc phục những khác biệt giữa các giai tầng xã hội và các thành viên trong dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn cầu hoá trở thành xu thế thời đại, Việt Nam thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế thì đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất là xuất phát từ nhu cầu khách quan, việc xử lý những mâu thuẫn trong xã hội, các nhóm người có lợi ích khác nhau cần phải theo hướng phát triển cộng đồng, có lợi cho quần chúng nhân dân lao động, tránh đẩy tới mâu thuẫn đối kháng, không để cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946.    Ảnh: TL
Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946.                                                           Ảnh: TL
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh khi nước nhà đã được độc lập, thống nhất thì vấn đề cơ bản nhất để toàn dân đoàn kết là chăm lo cho đồng bào "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", nghĩa là đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên và đời sống tinh thần vui tươi, hạnh phúc, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc được sống trong một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ, hoà hợp.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là Di chúc của Người, trong quá trình xây dựng đất nước và tiến hành đổi mới, Đảng ta đã chủ trương chuyển đổi nền kinh tế trong cơ chế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo quan điểm của Đảng thì phát triển kinh tế gắn liền thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm xoá đói giảm nghèo, bảo đảm các quyền con người về kinh tế, chính trị, văn hoá...

Có thể thấy quan điểm đó của Đảng trong thực tiễn gần 25 năm đổi mới đã tạo ra những hiệu quả cho xã hội to lớn và hiệu quả ấy có được chính là do khối đại đoàn kết toàn dân.

Cũng cần nhận thức rằng, vẫn có những người và những lực lượng xuyên tạc, phủ nhận và phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân của Đảng. Họ xoáy vào những yếu kém, bất cập trong quá trình lãnh đạo, quản lý nền kinh tế chuyển đổi và sử dụng con bài "dân chủ, nhân quyền" kích động, chia rẽ dân tộc ở những địa bàn tập trung nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số và theo tôn giáo. Song họ lại cố làm ngơ trước những thành tựu của chính sách phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội mà công cuộc đổi mới đã làm.

Ngay khi lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng, phát huy mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài đã tạo nên bước phát triển kinh tế vượt bậc.

Nói kinh tế có bước phát triển vượt bậc bởi lẽ, khi đổi mới điểm xuất phát của nền kinh tế nước ta rất thấp. Từ một nước nông nghiệp sản xuất nhỏ là phổ biến, hơn 80% cư dân sống ở nông thôn, đổi mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực toàn xã hội và chăm lo cuộc sống người dân ở nông thôn là vấn đề cơ bản trong đổi mới chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình đổi mới gần 25 năm qua cho thấy rõ, đổi mới kinh tế nông nghiệp, nông thôn tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề, nền tảng bảo đảm cho quyền sống của con người là được ăn no, ăn đủ. Nếu năm 1987, nhân dân còn thiếu đói, phải nhập lương thực, vậy mà nhờ chính sách khoán đổi mới trong nông nghiệp, đến nay nước ta đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hàng hoá nông sản ngày càng phong phú và có nhiều mặt hàng xuất khẩu. Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn đóng góp quan trọng đổi mới cuộc sống cư dân nông thôn, giải phóng lao động nông nghiệp từng bước thoát khỏi lối canh tác nặng nhọc, lạc hậu, lam lũ. Nông thôn, nông nghiệp nước ta ở nhiều vùng đã đi vào cơ khí hoá, điện khí hoá, tự động hoá. Chính sách tam nông đang đi vào sản xuất, đời sống nông thôn, nông nghiệp, nông dân phát huy khả năng làm giàu và tăng nhanh lực lượng sản xuất ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới và cuộc sống mới của cư dân nông thôn.

Sản xuất công nghiệp của nước ta dù đang ở quá trình vào CNH-HĐH song đã có một số ngành công nghiệp mới có tính mũi nhọn. Với phương châm đi tắt, đón đầu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nền công nghiệp nước ta đang chuyển mình theo hướng hiện đại, hiệu quả, góp sức đẩy nhanh quá trình chuyển từ lao động thủ công sang cơ khí hoá và tự động hoá, từng bước đi vào kinh tế tri thức. Đây chính là quá trình giải phóng con người, bảo đảm nhân quyền cơ bản trong thời kỳ toàn cầu hoá kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thời đại kinh tế tri thức.

Bảo đảm quyền con người, để mọi người dân đều được sống bình đẳng trong một xã hội "dân chủ, công bằng, văn minh" là mục đích và cũng là yêu cầu trong quan điểm củng cố và tăng cường đoàn kết toàn dân của Đảng. Do đó, trong các chính sách kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng an sinh xã hội, nhất là các chính sách xoá đói, giảm nghèo đối với nhân dân vùng nông thôn, vùng núi, ven biển, hải đảo. Nổi bật trong những chính sách ấy là khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp đi liền với đẩy nhanh giảm đói, bớt nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, hưởng thụ và trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư.

Trong quá trình đổi mới, hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản được đổi mới và từng bước hoàn chỉnh dần. Theo đó, lưới an sinh xã hội phát triển để bảo đảm cho mọi người dân đều có thể được hưởng thụ thành quả tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới và các thành quả của công cuộc đổi mới về văn hoá, xã hội. Người dân tham gia vào các quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và nhiều chính sách còn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng xã hội yếu thế có thể hoà nhập cộng đồng.

Quyền có việc làm và hưởng thụ các thành quả lao động ngày càng có điều kiện thực thi tốt hơn nhờ những chính sách kinh tế đổi mới như chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra ngoài nước, đào tạo nghề, luật doanh nghiệp.

Xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong đó, các dân tộc thật sự đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là một quan điểm cơ bản nhất của Đảng để tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH-HĐH, hội nhập và mở cửa đều phải tạo ra những cơ hội cho mỗi con người, mỗi người dân, là người dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số đều có điều kiện lao động và hưởng thụ công bằng hơn những thành quả lao động của mình.

Đoàn kết toàn dân còn phải phát huy cao độ tình thương, lòng nhân ái của truyền thống dân tộc để chăm sóc tốt hơn người có công với nước và đùm bọc đồng bào nghèo bị thiên tai, nhân hoạ. Đây cũng là một nội dung trong quan điểm đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta./.

Phạm Văn Khánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com