Xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

10:08, 18/08/2010
Trần Tất Tiệp
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nội vụ

Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945 giành thắng lợi, ngày 28-8-1945, Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đã thành lập 13 bộ đầu tiên, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng là cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngày 28-8-1945 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Tổ chức Nhà nước.

Ngay sau khi được thành lập, Bộ Nội vụ đã nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng bộ máy Nhà nước cách mạng kiểu mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã tham mưu với Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng bộ máy nhà nước; tham mưu với Chính phủ ban hành các sắc lệnh, nghị định tập trung vào các vấn đề cốt lõi của việc xây dựng bộ máy chính quyền nhân dân như Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp đầu tiên, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức cách mạng... Các sắc lệnh, nghị định này là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, đánh dấu sự ra đời của nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, song Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức Nhà nước, xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, động viên nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi. Trong những năm 1960-1970, Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính. Bộ đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, trình Hội đồng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ, thể lệ đối với cán bộ công chức, xây dựng bộ máy chính quyền địa phương, chỉ đạo việc tổ chức bầu cử. Năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ giành nhiều thắng lợi, để chuẩn bị cho một Nhà nước thống nhất, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 29/CP ngày 20-2-1973 thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ để giúp Chính phủ quản lý công tác tổ chức Nhà nước trong điều kiện tình hình, nhiệm vụ mới. Sau chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Tổ chức của Chính phủ đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ về tổ chức bộ máy, công chức, công vụ của Nhà nước thống nhất, góp phần đẩy nhanh quá trình hàn gắn, xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Để đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngày 30-9-1992, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX đã quyết định thành lập Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang Bộ có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, quản lý công chức, viên chức, lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ, phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia. Ngày 5-8-2002 Quốc hội khoá XI, quyết định đổi tên Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về tổ chức, về cán bộ, công chức viên chức đẩy mạnh cải cách nền hành chính Nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý và tinh giản biên chế, củng cố và xây dựng chính quyền địa phương, đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoàn thiện chế độ công vụ, cải cách chế độ tiền lương, văn thư lưu trữ Nhà nước. Các chức năng, nhiệm vụ mới được sáp nhập như công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, công tác thi đua khen thưởng cũng đã được triển khai hiệu quả. Những kết quả về nhiệm vụ công tác của ngành Nội vụ đã góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, vì dân, do dân ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong khu vực.

Cùng với sự hình thành và phát triển của ngành Nội vụ ở Trung ương, qua các thời kỳ, ngành Nội vụ tỉnh đã không ngừng phấn đấu trưởng thành và hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong công tác xây dựng chính quyền, ngành Nội vụ đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện tốt các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp bảo đảm dân chủ, công khai, đúng luật, có tỷ lệ cử tri đi bầu cao và đại biểu đủ chất lượng. Công tác xây dựng chính quyền cơ sở tập trung vào việc nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát, quyết định của HĐND, đẩy mạnh năng lực quản lý, điều hành của UBND trong quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Sở Nội vụ đã tham mưu giúp UBND tỉnh và chính quyền các cấp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đảm bảo chất lượng và số lượng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 4 nghìn cán bộ, công chức cấp xã, đã có trên 81,54% đạt chuẩn. Đến nay tính riêng khối quản lý Nhà nước có 0,1% công chức đạt trình độ tiến sĩ, 2,65% trình độ thạc sĩ, 73,03% trình độ đại học, 4,13% trình độ cao đẳng... Để đạt được kết quả này, ngành Nội vụ đã tham mưu và triển khai các đợt thi tuyển công chức đúng nguyên tắc, thủ tục và chú trọng đến chất lượng, đồng thời tổ chức cho hàng nghìn lượt cán bộ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng về QLNN chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, trình với HĐND, UBND quyết định số lượng và chế độ lương, phụ cấp, bảo đảm đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn và thôn, xóm, tổ dân phố yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ngành Nội vụ giúp cấp uỷ Đảng và chính quyền thực hiện tốt việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở. Hiện nay, 100% số xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nền nếp quy chế dân chủ, góp phần ổn định tình hình an ninh nông thôn, tăng cường sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, củng cố lòng tin của nhân dân vào bộ máy quản lý.

Cùng với việc xây dựng chính quyền cơ sở, ngành Nội vụ đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng, tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII), bộ máy hành chính sự nghiệp của tỉnh được sắp xếp theo hướng tinh gọn, cấp tỉnh còn 19 sở, ban ngành (17 sở, ban, ngành, 2 cơ quan QLNN); cấp huyện còn 10 phòng, ban chuyên môn. Thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thí điểm không tổ chức HĐND tại 9 huyện và 20 phường thuộc thành phố Nam Định và thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND tại 2 huyện, 6 xã theo đúng hướng dẫn của TW. Công tác xã hội hoá từng bước được thực hiện trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin, thể thao... Công tác cải cách hành chính ở tỉnh được tăng cường. Đến nay, 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và 15/17 các sở, ban, ngành đều thực hiện cơ chế giao dịch hành chính "một cửa". Nhiều đơn vị, cơ quan triển khai cơ chế "một cửa", một cửa liên thông và một cửa hiện đại trong giao dịch hành chính được cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt đã triển khai hiệu quả Đề án 30 giai đoạn 1 và giai đoạn 2; rà soát 1376 thủ tục hành chính, kiến nghị đơn giản hoá 866 thủ tục hành chính, từ đó tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính với tổ chức, công dân và đang được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2003 ngành Nội vụ tỉnh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2008 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, năm 2009 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai và nhiều năm liền ngành và các đơn vị, cá nhân trong ngành được Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc. Có được những thành tích trên, trước hết nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Nội vụ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh và sự phấn đấu không ngừng, tuyệt đối trung thành với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngành Nội vụ qua các thời kỳ. Truyền thống và những thành tích đã đạt được trong chặng đường 65 năm qua chính là động lực để ngành Nội vụ tỉnh tiếp tục vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com