Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo và kế hoạch chương trình cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, thời gian qua Sở GTVT đã tập trung triển khai đẩy mạnh CCHC toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nội dung: nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ đạo về CCHC, tuyên truyền CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa, tiếp tục duy trì hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, chỉ đạo và kiểm tra giám sát về công tác CCHC.
Thanh tra Giao thông và cán bộ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải) kiểm tra hoạt động của thiết bị giám sát hành trình gắn trên phương tiện xe khách chạy tuyến cố định tại Công ty Cổ phần Xuân Thiệu Nam Định. |
Hiện tại, danh mục TTHC chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT gồm 136 thủ tục; trong đó có 15 thủ tục chung; 121 thủ tục chuyên ngành (đường bộ có 71 thủ tục; đường thủy nội địa có 46 thủ tục; đăng kiểm có 4 thủ tục). Sở đăng ký thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đối với 113 thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; còn lại 23 thủ tục được giải quyết tại đơn vị (gồm các TTHC chung và các thủ tục thuộc lĩnh vực đăng kiểm và thủ tục giải quyết tại các cơ sở đào tạo). Với mục tiêu đáp ứng sự hài lòng hơn của tổ chức và công dân đối với các dịch vụ công của ngành, Sở đã bố trí 2 công chức chính thức, dự phòng 5 công chức đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Sở cung cấp dịch vụ công toàn trình đối với 40 thủ tục đủ điều kiện theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. 100% TTHC được UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ đều được áp dụng trên phần mềm một cửa điện tử, phần mềm chuyên dụng của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, phân định rõ các bước, đơn vị thực hiện, người thực hiện cho từng công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Các bộ phận đã tuân thủ đúng các bước công việc mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Sở GTVT đã sử dụng hiệu quả Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến để cung cấp trực tuyến các dịch vụ công phù hợp với nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng số lượng hồ sơ tiếp nhận, xử lý qua môi trường mạng. Phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tích cực tuyên truyền người dân và các tổ chức lựa chọn nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và xử lý văn bản.
Hiện Sở đã và đang triển khai và áp dụng nhiều phần mềm quản lý điều hành như: quản lý văn bản và điều hành; cơ sở dữ liệu cầu, đường bộ trên địa bàn tỉnh Nam Định; cấp đổi giấy phép lái xe và đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; thiết bị giám sát hành trình xe ô tô giúp giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải; phần mềm quản lý công tác đăng kiểm. Các đơn vị hạch toán độc lập đã sử dụng các phần mềm kế toán, thuế, quản lý nhân sự, phần mềm kê khai, nộp thuế qua mạng, phần mềm quản lý về bảo hiểm xã hội, ứng dụng chứng thư số... tạo thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý, tính chính xác và thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động cơ quan. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả toàn diện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC - Trung tâm hành chính công, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng giữa bộ phận Một cửa với các phòng chuyên môn trong quy trình TTHC. Tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình trong giải quyết TTHC với Sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, phối hợp với Bưu điện tỉnh nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích. Nâng cấp Trang thông tin điện tử của Sở đảm bảo cung cấp đầy đủ các tin, bài, văn bản chỉ đạo điều hành... phục vụ nhu cầu tiếp cận và tra cứu thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản đối với khối cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc. Năm 2022, Sở đã nhận 7.530 văn bản trên trục liên thông; gửi 3.856 văn bản lên trục liên thông; tiếp nhận 14.719 hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (có 2.662 hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trực tuyến toàn trình và một phần; 11.501 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và 556 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang). Sở đã giải quyết 14.073 hồ sơ; trong đó có 12.276 hồ sơ giải quyết trước hạn, 1.797 hồ sơ đúng hạn, đang giải quyết 646 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Riêng đối với hồ sơ thuộc lĩnh vực đăng kiểm thực hiện tại đơn vị, trong năm 2022 đã tiếp nhận và giải quyết đối với 23.315 hồ sơ sử dụng phần mềm chuyên dụng của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023 Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy CCHC: tuyên truyền, phổ biến chủ trương của các cấp về đẩy mạnh công tác CCHC giúp từng cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Sở. Rà soát, đánh giá TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; triển khai đánh giá, rà soát, bổ sung, bãi bỏ quy trình ISO bao phủ 100% TTHC để duy trì áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 trong năm 2023. Tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công mức độ toàn trình trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, tiếp tục triển khai tốt việc tiếp nhận và trả kết quả qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, thực hiện tốt việc gửi nhận văn bản ký số trên trục liên thông văn bản, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo lộ trình của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin