Những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thư viện xanh nhằm khuyến khích học sinh đọc sách và học tập. Với không gian yên tĩnh, thoáng đãng, hòa nhập với môi trường xung quanh đã giúp việc học tập, đọc sách của học sinh trở nên hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực cho việc duy trì thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên, học sinh.
Học sinh Trường THCS Nam Cường (Nam Trực) đọc sách tại "Thư viện xanh" của trường. |
Trường Tiểu học thị trấn Cồn (Hải Hậu) được công nhận đạt “Thư viện tiên tiến” từ năm 2019. Từ đó đến nay, nhà trường tiếp tục đầu tư xây dựng thư viện theo không gian mở, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên. Các loại sách, báo, truyện được trưng bày trên kệ, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận, lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu đọc và tự lấy được sách để đọc ngay khi vừa đến trường, trong giờ ra chơi, giờ tan học. Thư viện còn bố trí nhiều giỏ hoa, chậu cây xanh, được trang trí, kẻ vẽ với những bức họa vui nhộn, bắt mắt xung quanh tạo thân thiện với môi trường, giúp giảm căng thẳng, kích thích nhu cầu đọc cho học sinh. Thư viện xanh có nhân viên thư viện hướng dẫn các em học sinh thực hiện đúng quy định, giữ gìn thư viện xanh - sạch - đẹp, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với thư viện, hình thành thói quen đọc sách của các em. Hàng năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy tiết đọc thư viện theo khung chương trình 1 tiết/2 tuần đối với khối 4 và khối 5; 1 tiết/tuần đối với khối 1, khối 2 và khối 3. Các tiết đọc thư viện đều được giảng dạy hiệu quả, phong phú với các hình thức tổ chức khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh. Các em được chọn và đọc những cuốn sách hay, những quyển truyện yêu thích dưới sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm và nhân viên thư viện. Ngoài các tiết đọc dành cho lớp, học sinh còn được đăng ký mượn sách, truyện mang về nhà và đọc vào giờ ra chơi, đọc theo nhóm, đọc cá nhân, đọc sách ở không gian thư viện xanh. Để thu hút học sinh đến thư viện ngày càng đông, nhà trường đã tích cực bổ sung thêm các đầu sách, tổ chức phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách mới hàng tuần theo chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách” đến giáo viên và học sinh. Tổ chức cho các em tham gia trò chơi có trả lời câu hỏi theo chủ đề trong các tiết đọc thư viện, tiết chào cờ như: Kể tên 5 cuốn sách mà em đã đọc, kể tên 5 thể loại sách có trong thư viện nhà trường. Các câu hỏi liên quan đến các chủ đề về ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), ngày Quốc khánh (2-9), ngày Giải phóng miền Nam (30-4)… Từ các hoạt động thiết thực đó đã tạo cho học sinh thói quen đọc sách, ham đọc sách, học sinh đến thư viện ngày càng đông hơn, số lượt sách mượn ngày càng tăng. Các em không chỉ đọc truyện mà còn chủ động tìm hiểu thêm nhiều loại sách khác về khoa học tự nhiên, về thế giới, về vũ trụ… Từ đó chất lượng các môn học ngày càng được cải thiện rõ rệt, nhất là môn Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lí. Hoạt động thư viện đã tạo nên phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho nhà trường. Điều này đã giúp các em có thêm nhiều kiến thức, tự tin hơn, đồng thời rèn kỹ năng đọc, kỹ năng ghi nhớ và khả năng tư duy tốt hơn, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Năm 2020, Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện” từ 100% nguồn vốn xã hội hóa giáo dục nhằm tạo nên không gian ngoài lớp học sinh động, hiệu quả, được người dân đồng tình, ủng hộ. Từ ý tưởng sáng tạo của cô giáo Triệu Thị Liên dạy lớp 4 tuổi tại điểm trường khu Bơn Ngạn về mô hình “Thư viện thân thiện”, năm 2020 lãnh đạo nhà trường đã tập trung bàn bạc, thảo luận, tìm ra cách làm phù hợp, được tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhà trường nhất trí cao. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khu Bơn Ngạn đã mạnh dạn xung phong nhận nhiệm vụ vận động ủng hộ kinh phí bằng hình thức “xã hội hóa giáo dục”. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhà trường đã nhận được 158 triệu đồng từ các tập thể, cá nhân là những người sống xa quê thành đạt, các bậc phụ huynh và cán bộ, giáo viên nhà trường tự nguyện ủng hộ. Trong đó có nhiều cá nhân đã tự nguyện ủng hộ 10 triệu đồng để nhà trường xây dựng “Thư viện thân thiện” như ông Nguyễn Quang Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Ngũ, ông Nguyễn Văn Hai và bà Nguyễn Thị Hường ở Hà Nội… Ngoài ra, nhiều phụ huynh còn tự nguyện quyên góp, ủng hộ, bổ sung vào thư viện nhiều loại sách mới. Dưới sự khéo léo của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, thư viện được xây dựng đẹp mắt, màu sắc tươi sáng, thoáng mát ngay trên nền sân bê tông cũ trước lớp học trong khuôn viên nhà trường. Nền thư viện được trải thảm sạch sẽ, chỗ ngồi thoải mái, có nơi tô tượng, nơi trưng bày nhiều loại sách, tranh vẽ, hình ảnh rất ngộ nghĩnh, phù hợp với độ tuổi và ngang tầm tay của trẻ. Tại “Thư viện thân thiện”, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như ngày hội đọc sách, cô và trẻ cùng làm sách, vẽ tranh, tô tượng, kể chuyện theo chủ đề đang học hoặc tổ chức cho trẻ các hoạt động đọc sách, bình sách theo nhóm. Đồng thời nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cùng tham gia đọc sách với con, với cháu trong giờ đón trẻ hàng ngày ngay tại thư viện, tạo nên sân chơi bổ ích, môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, mang lại hiệu quả thiết thực.
Những năm gần đây, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc đang là một trong những hoạt động trọng tâm của nhiều nhà trường nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc, chủ động, giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% trường học có thư viện trường học với hàng chục triệu bản sách, báo, tài liệu tham khảo; trong đó truyện đọc, sách báo dành cho học sinh chiếm từ 40-60%; hơn 10 nghìn tủ sách lớp học với đa dạng các loại hình như: thư viện xanh, thư viện di động, tủ sách lớp học… tạo điều kiện cho học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy, cô giáo đã hướng dẫn cho học sinh cách chọn lựa đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích, trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập... Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động thư viện thân thiện, khuyến khích học sinh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Việc triển khai xây dựng trường học, nhất là các góc thư viện xanh đã giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy tìm tòi, nghiên cứu; giúp học sinh có thói quen đọc sách, qua đó học sinh được rèn luyện kỹ năng đọc, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Để phát huy tối đa giá trị của hệ thống thư viện, các nhà trường thực hiện tốt quy định tổ chức 1 tiết đọc thư viện luân phiên theo từng tuần cho học sinh các lớp; tăng cường công tác quản lý, khai thác sách trên hệ thống máy tính... Hơn thế, các hoạt động mang tính bề nổi như tổ chức các hội thi, ngày hội sách, triển lãm, giới thiệu sách… cũng được các nhà trường duy trì tổ chức nhằm tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, giúp các em giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng trong việc chọn lựa và có cách đọc sách hiệu quả, đưa phong trào đọc sách trở thành một nét đẹp văn hóa, thói quen hàng ngày cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Các hoạt động đọc sách tại thư viện xanh trong các trường học đã mang lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với lớp, đồng thời giúp các em phát triển một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tại các nhà trường./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin