Giữ gìn nét đẹp tục mừng tuổi ngày Tết

09:21, 14/02/2024

Tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm đã được gìn giữ lưu truyền từ nhiều đời nay, là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc truyền thống của người Việt. Mỗi bao lì xì là món quà tinh thần chứa đựng những lời chúc tốt đẹp mà người chúc trao cho người nhận, mừng tuổi mới có nhiều niềm vui mới.

Ảnh minh họa.

 Đã thành truyền thống, sáng mùng một Tết, nhiều gia đình sẽ sum họp lại với nhau thắp hương tổ tiên và cùng nhau sum vầy ăn Tết. Mọi người cùng trao nhau những lời chúc tốt đẹp và trẻ con sẽ được ông bà, cha mẹ lì xì. Những phong bao lì xì này đã được ông bà, cha mẹ chuẩn bị trước. Theo phong tục, tiền lì xì được bọc vào giấy hay vải màu đỏ tươi. Màu đỏ tượng trưng cho điều tốt lành, sự may mắn, tài lộc dồi dào. Xu hướng ngày nay, để không mất thời gian chuẩn bị, người ta cho in sẵn phong bao lì xì màu đỏ phong phú về mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng, hoạ tiết với các hình ông Phúc - Lộc - Thọ, biểu trưng cho con giáp của năm, hình hoa mai, hoa đào hay hình nam thanh, nữ tú… Dù ở hình dáng, hoạ tiết nào thì mỗi phong bao lì xì cũng mang theo một thông điệp về tấm lòng, tình cảm của người trao đối với người được nhận. Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn tượng trưng cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập. Chiếc lì xì còn tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn người nhận có sự so bì. Do đó, người nhận không mở lì xì trước mặt người tặng.

Ngày nay, lì xì không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa. Chỉ cần là người đã đi làm, có thu nhập là có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà. Đối với người cao niên, lì xì Tết thay cho lời chúc phúc trường thọ. Ông Trần Văn Bình, ở thành phố Nam Định chia sẻ: “Với gia đình tôi, sau thời khắc giao thừa thiêng liêng tất cả con cháu trong gia đình sum họp đủ đầy lần lượt chúc Tết, chúc thọ ông bà, cha mẹ. Khi ấy con cháu được nhận một bao lì xì mừng tuổi bên trong có một ít tiền gọi là lộc đầu xuân. Các con đã trưởng thành cũng có phong bao lì xì chúc Tết ông bà, cha mẹ”. Em Trần Gia Hiền (thành phố Nam Định) cho biết: “Năm nào cũng vậy, sáng mùng một Tết em được bố mẹ cho đi chúc tết ông bà. Em rất háo hức mỗi khi được nhận lì xì. Với em, đây là món quà may mắn, hạnh phúc nhất khi xuân về. Để đáp lại sự quan tâm yêu thương từ ông bà, bố mẹ, em luôn tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt, ngoan ngoãn”. Không chỉ người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm chúc Tết cũng có thể lì xì lẫn nhau.

Mừng tuổi đầu năm vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt, nhưng theo thời gian, đang dần có những biến đổi. Ngay từ những ngày cuối năm, dịch vụ đổi tiền mới “đắt như tôm tươi” dù phí cao, có những nơi lên tới 20%. Tiền mới được đổi chủ yếu để phục vụ việc lì xì đầu năm. Bên cạnh đó, có một số người dần quan tâm đến giá trị mệnh giá của “lõi” lì xì thay vì những giá trị tinh thần. Không ít trường hợp trẻ em chê lì xì ít, không nhận lì xì hoặc mở phong bao lì xì trước mặt người cho rồi vứt luôn phong bao chỉ giữ lấy tiền. Chị Nguyễn Thị Hương (thành phố Nam Định) cho biết: “Ngày còn bé thì thích được lì xì lắm, giá trị không to nhưng nó mang lại may mắn cho cả một năm, lì xì bao nhiêu cũng được, được lì xì là đã thích rồi. Nhưng bây giờ, lì xì ít trẻ con nó còn không lấy, lì xì 10-20 nghìn đồng... trẻ còn chê ít, không nhận”. Đối với một số người, lì xì dần trở thành công cụ ngoại giao, duy trì các mối quan hệ. Bởi, mừng tuổi ít hơn người ta thì sợ bị coi thường, mừng với giá trị cao hơn thì "sợ lỗ" nên phải mừng bằng người ta cho "phải phép" và "lịch sự". Đây cũng là một trong số những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận người lớn về phong tục lì xì. Nếu các phụ huynh có suy nghĩ lệch lạc về cách lì xì thì rất khó để con cái có thể có suy nghĩ đúng đắn để góp phần gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp này. Không chỉ vậy, nhiều gia đình có con nhỏ còn coi lì xì của con là một khoản thu nhập của gia đình trong dịp Tết. Nhiều bậc phụ huynh đăng tải hình ảnh của con mình lên mạng kèm nội dung: "trụ cột chính của gia đình trong dịp Tết", "Cây ATM của gia đình", "Giúp bố mẹ hồi vốn"… Có thể đây chỉ là những trò đùa trên mạng xã hội của các bậc cha mẹ, tuy nhiên nó khiến cho con cái vô tình bị ảnh hưởng và có cái nhìn không đúng về văn hóa lì xì ngày Tết.

Để giữ được nét đẹp của tục lì xì, trước hết, các bậc phụ huynh phải nâng cao ý thức, nên nghĩ rằng mừng tuổi cho trẻ em là ý nghĩa biểu tượng. “Của cho không quan trọng bằng cách cho”, không quan trọng bằng cách biếu. Và nên coi đó là một thuần phong mỹ tục với ý nghĩa là khát vọng cầu may, cầu cho sinh sôi phát triển, cầu cho ngoan ngoãn, tốt đẹp chứ không phải để mua những giá trị đó. Lì xì tiền cho trẻ dịp Tết là một truyền thống tốt, nhưng cần được thực hiện một cách hợp lý và không quá nhiều, để trẻ có thể học được những bài học quan trọng về tiền và cách kiếm tiền. 

Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com