Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhằm giúp học sinh có thêm không gian trải nghiệm về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động: gian hàng trang trí theo phong cách Tết cổ truyền, phiên chợ Tết, các trò chơi dân gian… Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn giáo dục cho học sinh nét đẹp truyền thống, văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.
Học sinh Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) bày mâm ngũ quả ngày Tết. |
Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp tham dự chương trình “Ngày hội mùa xuân” tại Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc). Ngay từ sớm, sân trường đã rất nhộn nhịp khi giáo viên và học sinh tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu để gói bánh chưng. Cô giáo Mai Thị Lừng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi cho học sinh làm quen với bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp vốn hiểu biết về văn hóa ngày Tết cổ truyền với khung cảnh hội chợ, những trò chơi dân gian đậm nét truyền thống của dân tộc như: kéo co, đập niêu, nhảy bao bố…, trong đó không thể thiếu hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng. Dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, các em học sinh được trực tiếp tham gia vào các công đoạn gói bánh chưng, thể hiện tài năng và sự khéo léo của mình. Cầm trên tay chiếc bánh chưng vuông vắn, Nguyễn Thúy Hồng, học sinh lớp 11 hồ hởi cho biết: “Em rất hào hứng được tham gia gói bánh chưng cùng các bạn trong lớp. Việc tự tay gói bánh chưng đã mang lại cho em một trải nghiệm khó quên. Không chỉ tham gia gói bánh, chúng em còn bày bán các gian hàng ẩm thực để gây quỹ giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) khuyến khích các trường từ bậc mầm non đến THPT linh hoạt lồng ghép việc giáo dục truyền thống đến học sinh, trong đó có việc giáo dục ý nghĩa ngày Tết cổ truyền vào các môn học hay hoạt động ngoại khoá trong nhà trường. Tại huyện Trực Ninh, nhiều trường học tổ chức các hoạt động vui Tết, đón Xuân từ khá sớm. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh cho biết: Các trường đều trang trí khuôn viên, lớp học, lồng ghép linh hoạt nội dung Tết cổ truyền vào bài giảng… Đối với bậc học mầm non, ngay từ giữa tháng 1-2024, các trường đã trang trí và hoàn thiện không gian Tết như: phiên chợ quê, các gian hàng ẩm thực Tết Việt, tổ chức các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian… Đối với cấp học tiểu học, học sinh được tham gia phiên chợ quê, nhận biết nguyên liệu làm bánh chưng, học những câu chúc tết ông bà, cha mẹ… Đối với cấp THCS và THPT, học sinh được trải nghiệm thi gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, tham gia những trò chơi dân gian… Một số trường còn tổ chức thi bày mâm ngũ quả, trình diễn trang phục dân tộc, gây quỹ dành tặng những phần quà đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, giúp các em có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền. Qua đó khắc sâu giá trị văn hoá, phong tục truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán, giúp các em có những suy nghĩ, cách làm, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy tốt những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của ngày Tết.
Học sinh Trường THPT Trần Văn Lan trang trí không gian Tết cổ truyền. |
Với sự chuẩn bị chu đáo, phong phú về nội dung và hình thức nên việc tổ chức Tết cổ truyền trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh tham gia. Chị Nguyễn Thị Huệ, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) cho biết: “Tôi rất vui được cùng con tham gia gói bánh chưng tại trường, qua chương trình giúp tôi trở về tuổi thơ của mình với những năm tháng cùng gia đình quây quần bên nồi bánh chưng đêm Giao thừa và đón Tết. Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị và là kỷ niệm đáng nhớ đối với hai mẹ con tôi trong dịp Tết này”. Không chỉ giáo dục cho học sinh về những nghi lễ, phong tục truyền thống ngày Tết Nguyên đán, nhiều trường học, đơn vị trong tỉnh còn tổ chức các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, thăm và tặng quà các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay mang đến cho cộng đồng một cái Tết đủ đầy, đầm ấm. Qua đó, không ngừng lan tỏa, giáo dục cho học sinh về đạo lý truyền thống tốt đẹp “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về. Em Trần Việt Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) cho biết, hàng năm, trường tổ chức các hoạt động vui Tết cổ truyền như biểu diễn văn nghệ, chơi kéo co, bày bán gian hàng… Năm nay, điều làm em thấy ý nghĩa là được tham gia chương trình tình nguyện “Mùa xuân cho em”. Cùng với các hoạt động, chúng em tham gia gây quỹ bằng việc tham gia bán hàng, kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm sau đó dành tặng những phần quà cho các bạn, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Dù là những phần quà nhỏ nhưng giúp chúng em phát huy được tinh thần “tương thân tương ái”, chia ngọt sẻ bùi với những hoàn cảnh khó khăn để các bạn, các em nhỏ có một cái Tết trọn vẹn hơn.
Một mùa xuân mới đang về, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt đã và đang được các trường học trong tỉnh triển khai một cách phù hợp, linh hoạt. Thông qua đó, học sinh trong tỉnh mở rộng hiểu biết, học hỏi, khám phá để từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị tốt đẹp trong Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin