Cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, do đó hàng hóa tập kết về các chợ dân sinh cũng nhiều, đa dạng các mặt hàng từ thực phẩm, cồn, rượu, vàng mã, vải, quần áo, giầy dép và các đồ dùng sinh hoạt nên nguy cơ cháy, nổ rất cao. Để bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC), lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tiểu thương về công tác PCCC; tăng cường tuần tra, kiểm soát và tổ chức cho hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình kinh doanh, buôn bán.
Đại diện Đội quản lý chợ Mỹ Tho (thành phố Nam Định) hướng dẫn các tiểu thương sử dụng thiết bị chữa cháy. |
Thành phố Nam Định nơi tập trung nhiều chợ đầu mối, có lưu lượng lớn người mua bán, trao đổi hàng hóa và cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhất trên toàn tỉnh. Ban Quản lý chợ thành phố đã thành lập Ban Chỉ huy PCCC và các Đội PCCC cơ sở ở các chợ trực thuộc; ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Chỉ huy PCCC, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Ban Quản lý chợ đã treo 171 biển niêm yết nội quy PCCC, 35 băng rôn tuyên truyền, niêm yết 70 biển cấm hút thuốc lá, biển exit chỉ dẫn thoát nạn… ở các cửa cổng ra vào, cầu thang lên xuống và các vị trí dễ thấy, dễ nhìn ở tất cả các chợ trực thuộc nhằm cảnh báo, hướng dẫn tiểu thương, người dân đến mua bán tại chợ biết để thực hiện. Thường xuyên tuyên truyền thông tin về PCCC do Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cung cấp qua hệ thống loa nội bộ vào thời gian mở cửa chợ và đóng cửa chợ để cảnh báo, nhắc nhở nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC, đặc biệt là an toàn điện. Tổ chức ký cam kết về đảm bảo an toàn PCCC, an toàn sử dụng điện và hướng dẫn người dân sử dụng app chữa cháy tới 100% hộ kinh doanh tại chợ. Vận động 255 chủ hộ kinh doanh gương mẫu tự trang bị bình bột chữa cháy xách tay tại chỗ. Công tác PCCC được chủ động chuẩn bị theo phương án “4 tại chỗ”. Trong đó lực lượng tại chỗ của Ban Quản lý chợ gồm 152 người được trang bị trang phục bảo hộ, mũ, ủng chống cháy, 5 bộ đàm để liên lạc, 6 loa nén cầm tay và tập huấn kiến thức, năng lực xử lý tại chỗ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Hệ thống chữa cháy họng nước vách tường; bình bột, thang tre, câu liêm, chăn chiên, búa, kìm cộng lực treo đặt ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy đảm bảo đáp ứng cho công tác PCCC khi có sự cố xảy ra. Bể ngầm chứa nước dự trữ PCCC có dung tích từ 50m3 đến 150m3… Riêng chợ Rồng được đầu tư thêm hệ thống báo cháy đầu beam; hệ thống chữa cháy bán tự động Drencher; 6 bể chứa nước ngầm đặt dưới lòng vỉa hè chợ, 6 bể nổi được đặt trên tầng 3 và tầng 4; 1 ống tụt thoát nạn... Tổng kinh phí đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC trên 66,7 triệu đồng. Trong năm 2023, Ban Quản lý chợ thành phố phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 8 hộ tiểu thương tại chợ Rồng, chợ Mỹ Tho về hành vi vi phạm chủ yếu như để hàng hóa không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; làm che khuất cản trở phương tiện PCCC. Ban Quản lý chợ thành phố đã lập biên bản xử lý cắt điện tạm thời 1 tuần đối với 5 hộ kinh doanh vi phạm về việc để hàng hoá mất an toàn PCCC và lập biên bản nhắc nhở 1 hộ nghi vi phạm hút thuốc lá trong chợ. Song song với việc kiểm tra, trong năm qua, Ban Quản lý chợ thành phố luôn yêu cầu Đội quản lý các chợ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất hàng tháng công tác đảm bảo an toàn PCCC, làm cơ sở nắm bắt tình hình, từ đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm quy định về an toàn PCCC. Do đó, thời gian qua trên địa bàn thành phố nói chung và toàn tỉnh không có sự cố cháy nổ lớn ở các chợ dân sinh. Bà Phạm Thị Phương, tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ Rồng cho biết: “Quầy hàng có giá trị lớn nên nếu xảy ra cháy, người chịu thiệt hại đầu tiên là chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi luôn chấp hành mọi quy định về PCCC do Ban Quản lý chợ và các lực lượng chức năng phổ biến, hướng dẫn; chủ động trang bị bình cứu hỏa ở gian hàng; luôn có ý thức nhắc nhở bạn hành, khách đến mua sắm ý thức PCCC cũng như sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy nổ xảy ra”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 213 chợ nằm trong quy hoạch đang hoạt động, bao gồm 4 chợ hạng I, 27 chợ hạng II, 182 chợ hạng III, phân bố ở khắp cả 10 huyện, thành phố. Hiện nay, ý thức của các tiểu thương kinh doanh đã được nâng lên, song nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các chợ vẫn luôn hiện hữu, nhất là vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ lễ, Tết tăng cao. Để chủ động phòng, ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ, cũng như tổ chức cứu chữa kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác PCCC tại các chợ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bố trí lực lượng thường trực, phương tiện PCCC và CNCH để xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra, không để bị động, bất ngờ; chủ động xây dựng phương án và phối hợp thực tập các tình huống cháy, nổ tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 12-2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với Ban Quản lý chợ thành phố Nam Định tổ chức thực tập phương án PCCC và CNCH tại chợ Rồng để nâng cao kỹ năng PCCC của các tiểu thương, lực lượng PCCC của các chợ trên địa bàn.
Để giảm tối đa nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các chợ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo các tiểu thương, người dân tham gia mua hàng tại các chợ cần thực hiện nghiêm quy định về an toàn PCCC và CNCH như không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng, các chất nguy hiểm về cháy, nổ. Các tiểu thương thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện để kịp thời phát hiện các nguy cơ phát sinh cháy, nổ; ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện trước khi ra khỏi khu vực kinh doanh; không tự ý câu mắc thêm các thiết bị điện chiếu sáng, tránh gây quá tải dẫn đến chập, cháy. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin