Những ngày giáp tết, trong lúc mọi người hối hả, rộn ràng mua sắm thì vẫn có nhiều người vẫn còn đang mải miết “chạy đua” với thời gian, tất bật mưu sinh với mong muốn có thêm thu nhập, lo cho gia đình có một cái Tết tươm tất, ấm no.
Với mọi người, Tết đã đến rất gần, nhưng với lao động tự do, Tết chỉ làm nặng thêm những gánh mưu sinh. |
Đã từ nhiều năm nay, cứ đến những ngày giáp Tết, chị Nguyễn Hiền, ở phố Hoàng Ngân (thành phố Nam Định) lại tất bật chế biến các món cá rán để phục vụ người dân ăn món bún cá trong dịp Tết. Vì một năm mới có một lần nên chị Hiền dành hết tâm sức cho công việc khá bận rộn này. Hàng ngày chị dậy từ rất sớm chọn mua các loại cá trôi, cá trắm nhỏ, cắt lát ngang lưng dày khoảng 1cm, tẩm ướp với gia vị rồi chiên ngập dầu. Nghe đơn giản nhưng cũng khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian vì để miếng cá giòn ăn được cả xương thì phải chiên nhỏ lửa cho tới khi miếng cá ngả màu vàng nâu cánh gián. Miếng cá đạt chuẩn phải giòn tan, không nát vỡ. Vì vậy nên lúc nào chị cũng bận bịu, vừa thoăn thoắt đảo cá, vừa bán hàng. Tuy nhiên, đây là động lực lớn nhất trong năm của chị bởi công việc này sẽ giúp chị có thêm thu nhập để mua sắm cho gia đình một cái Tết trọn vẹn hơn.
Khoảng 6 giờ 30 phút sáng, anh Bùi Huy Cường, nhân viên Công ty giao hàng nhanh bắt đầu đến kho nhận hàng đi giao trong ngày. Cận kề Tết, lượng hàng cần chuyển phát tăng đột biến nên dù chỉ phụ trách địa bàn các phường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng nhưng lịch trình của anh Cường dịp cận Tết đều bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn. Anh Cường chia sẻ: “Cả năm chỉ có một mùa Tết, nhà nào cũng mong được nhận hàng sớm để chuẩn bị đón năm mới, nên chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng phục vụ khách hàng nhanh nhất có thể. Nhiều đơn hàng giao cho học sinh, công nhân nên tôi phải chờ giờ tan tầm mới giao được, chuyện bỏ bữa cơm để làm xuyên trưa là rất bình thường nhưng cứ giao được hàng thành công là tôi vui rồi”.
Nhiều lao động tự do chọn nghề vận chuyển cây cảnh trong những ngày giáp Tết để kiếm thêm thu nhập. |
Tất bật mưu sinh ở chợ Phù Long (thành phố Nam Định) vào những ngày giáp Tết, cô Phạm Hạnh, ở xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) mong muốn sẽ có đủ tiền để gói mấy cặp bánh chưng, mua con gà về cúng Tết. Bình thường cô Hạnh chỉ loanh quanh làm thuê cho xưởng mộc gần nhà, nhưng năm nay xưởng ít việc nên cô không có việc làm. Nhà chỉ có hai vợ chồng già trông mong vào mảnh ruộng, các con đều lấy chồng xa nhà, kinh tế lại không khá giả nên chẳng thể giúp gì được cho cha mẹ. Mặc dù những ngày cuối năm giá rét, từ hơn 4 giờ sáng cô đã khoác chiếc áo mưa, đội nón dưới tiết trời mưa lạnh để đến chợ đêm Phạm Ngũ Lão mua rau về bán. Thời tiết mưa lạnh, người bán quá đông. nên dù vất vả nhưng cũng có nhiều ngày ế ẩm. Ngày nào bán đắt thì cô kiếm được hơn 100 nghìn đồng tiền lãi. “Ít ỏi là vậy, nhưng nếu không đi bán thì làm sao có thêm dăm ba đồng lo trang trải tết”, cô Hạnh tâm sự.
Công việc thời vụ tốt nhất trong những ngày giáp Tết của anh Nam là những chuyến xe chở thuê quất, đào về đến mỗi gia đình. Trên chiếc “xe ôm” hàng ngày, nay anh chuyển hẳn sang công việc chở “mùa xuân”. Công việc tưởng dễ nhưng cũng có không ít cạnh tranh vì cùng cảnh như anh cũng có khá nhiều người. Mỗi khi khách mua cây có nhu cầu vận chuyển, mọi người đều tranh thủ mời mọc, ngã giá để mong có thêm chuyến, thêm đồng tiền công. Tuy vất vả vì phải phụ khách vận chuyển vào tận nhà, có những cây to, cồng kềnh nếu không may sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng anh cố gượng để tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho gia đình trang trải trong dịp Tết và chuẩn bị một khoản sau Tết cho cô con gái trở lạ trường đại học. Hôm nào có được nhiều khách, anh cũng kiếm được khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Vừa tất tả cột cây đào cao gần 2m, anh Nam cho biết: “Mấy cái chậu vừa nặng, vừa cao này tôi phải cột kỹ lưỡng, chứ nó mà đổ thì tiền công cả ngày không đủ để đền bù. Nghe kiếm gần triệu đồng mỗi ngày thì cao, nhưng hễ “tai nạn nghề nghiệp” là dân chở thuê như tụi tôi đền không xuể…”
Nhiều người tranh thủ bán hàng rong kiếm thêm thu nhập trong những ngày giáp Tết. |
Quanh năm bộn bề với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những người lao động nghèo, giáp Tết không phải là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà là khoảng “thời gian vàng” để họ kiếm tiền ăn tết. Có lẽ vì thế mà càng cận Tết, bước chân của những người lao động nghèo trên nẻo đường mưu sinh dường như càng hối hả hơn. Trên các tuyến đường, dễ dàng bắt gặp những đôi quang gánh, những chiếc xe đạp cũ kĩ, những gương mặt lấm tấm mồ hôi trong giá rét đang mải miết mưu sinh. Người rong ruổi khắp các phố phường để bán hoa quả, rau củ; người vội vã làm mấy cuốc xe ôm; người nhanh tay cắt tóc cho khách để mong kiếm thêm chút tiền. Ở các khu phố, nhiều người đang tranh thủ “chạy sô” dọn dẹp nhà cửa... Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề khác nhau nhưng đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất hơn. Nhưng ai cũng vui khi nghĩ đến giá trị công sức lao động được đền đáp, con cái sẽ có thêm bộ đồ mới, mâm cơm gia đình sẽ có thêm thịt, cá. Khi được hỏi về mong muốn cho năm mới, các anh, các chị đều chia sẻ chỉ mong muốn một điều đó là có thêm công việc để những người lao động có thêm thu thập, có thêm động lực làm việc, có đủ tiền trang trải cuộc sống, để mỗi mùa xuân thêm trọn vẹn hơn./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin