Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) và Ngày hội STEM cấp tỉnh dành cho học sinh trung học được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hàng năm nhằm mục đích khuyến khích học sinh ứng dụng sáng tạo kiến thức đã học được vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Sản phẩm khoa học kỹ thuật "Thiết kế hệ thống quản lý việc tưới cây tự động ở Trường Lê Hồng Phong" của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định). |
Cuối tháng 1 vừa qua, Sở GD và ĐT đã tổ chức thành công Cuộc thi KHKT và Ngày hội STEM dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023-2024. Cuộc thi có 55 đơn vị tham dự gồm 10 Phòng GD và ĐT, 45 trường THPT với tổng số 87 dự án KHKT thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Toán - Tin học và điều khiển; Kỹ thuật cơ khí - Vật lý; Khoa học xã hội và hành vi; Hóa - Sinh - Y học - Môi trường; dự án STEM có 72 sản phẩm. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các dự án KHKT dự thi năm nay phong phú về thể loại với nhiều lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội; nhiều dự án thể hiện được tính khoa học, sáng tạo, chất lượng cao. Phần lớn các dự án có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp; có ý nghĩa đời sống thực tiễn, giàu tính nhân văn, được nghiên cứu từ trăn trở, khám phá qua kinh nghiệm thực tiễn, điều tra, khảo sát xã hội phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Các đề tài KHKT chú trọng vào các vấn đề nóng, có tính thời sự đã xảy ra trong năm 2023 như: “Mô hình hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho tầng hầm để xe của chung cư mini” của Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định; “Thiết kế chế tạo xe hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn trong đám cháy” của Trường THPT B Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng). Nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tế phục vụ các công việc của người lao động, sản xuất như: “Máy ấp trứng” của Phòng GD và ĐT Ý Yên; “Tổng hợp xanh nano bạc từ dịch chiết lá hẹ để bước đầu bảo quản củ niễng tại xã Nghĩa An, Nam Trực”... Ngoài ra, nhiều đề tài mang tính nhân văn cao: “Thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tìm kiếm đồ vật cho người khiếm thị” của Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên); “Gậy tiện ích hỗ trợ người già” của Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên). Một số sản phẩm quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hóa, truyền thống cũng như những vấn đề phát sinh trong gia đình, nhà trường; những vấn đề nóng của xã hội; cập nhật những vấn đề mới nhất, nóng hổi nhất của thời đại như AI (trí tuệ nhân tạo). Đặc biệt, cuộc thi năm nay, một số dự án được đầu tư nghiên cứu sâu, sáng tạo, đột phá, có triển vọng giải quyết yêu cầu cấp thiết. Các dự án STEM đều xuất phát từ thực tiễn và có khả năng nhân rộng trong cộng đồng; có nhiều tiện ích sử dụng trong cuộc sống. Qua cách lựa chọn đề tài, cách thực hiện dự án cho thấy các tác giả đã thể hiện được sự say mê đối với KHKT, vận dụng được kiến thức đã học trong nhà trường, thực hiện theo chu trình trong nghiên cứu khoa học, thể hiện năng lực tư duy tốt; sự nỗ lực, niềm say mê khoa học và sự tận tụy của các thầy, cô giáo hướng dẫn từ hội thi cấp trường, cấp huyện để chọn ra những sản phẩm tốt nhất dự thi cấp tỉnh.
Điểm mới của cuộc thi năm nay, đó là lần đầu tiên có sự phối hợp tổ chức giữa Sở GD và ĐT và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Nam Định, nên việc tổ chức bài bản hơn, hệ thống cơ sở vật chất tốt, thuận lợi. Công tác tổ chức và chuẩn bị của các đơn vị cho cuộc thi chu đáo, công phu, số lượng dự án nhiều, đa dạng, có chất lượng. Các đơn vị tích cực hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nghiên cứu; xây dựng video các dự án khá đẹp mắt, đảm bảo tính khoa học. Một điểm mới nữa của năm nay, Sở GD và ĐT tổ chức chấm độc lập đối với tất cả các sản phẩm STEM và KHKT: Vòng 1 chấm sơ bộ, mỗi sản phẩm được chấm bởi ít nhất 5 giám khảo độc lập; vòng 2 chấm trực tiếp theo lĩnh vực, mỗi sản phẩm được chấm bởi ít nhất 5 giám khảo độc lập. Sau khi lên điểm, các giám khảo ngồi lại để thống nhất đánh giá đối với từng dự án, phân tích mổ xẻ để thấy được tính kế thừa, điểm mới sáng tạo của đề tài; vòng 3 chấm trực tiếp chọn 2 sản phẩm KHKT dự thi quốc gia. Sở GD và ĐT đã lựa chọn giám khảo là các thầy, cô có trình độ chuyên môn, học hàm, học vị cao là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ khoa học, giáo viên dạy giỏi nhiều năm là giảng viên của các trường đại học có uy tín, là giám khảo các cuộc thi lớn do Bộ GD và ĐT tổ chức như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, các nhà khoa học, chuyên gia của Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà.
Bên cạnh những ưu điểm, cuộc thi cũng bộc lộ một số yếu điểm: Việc tổ chức triển khai hưởng ứng cuộc thi chưa đồng đều giữa các đơn vị. Một số sản phẩm thiết kế quá cầu kỳ, sử dụng vật liệu đắt tiền, mô hình khổng lồ gây tốn kém, lãng phí, trong khi ý tưởng chưa rõ; có nghiên cứu chưa cụ thể, còn chung chung, lặp lại các đề tài năm trước; một số sản phẩm có tính sáng tạo, tiết kiệm nhưng chưa tính đến độ an toàn khi sử dụng; chưa có ứng dụng thực tiễn hiệu quả; có dự án lĩnh vực khoa học xã hội, hành vi các giải pháp đưa ra còn nặng tính lý thuyết, việc khảo sát chưa mang tính khách quan nên độ tin cậy của kết quả thấp...
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn trao 57 giải KHKT gồm: 6 giải Nhất, 15 giải Nhì, 20 giải Ba, 16 giải Tư. Trong đó, giải Nhất thuộc về nhóm các học sinh: Trần Mai Đan - Đoàn Khánh Linh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với dự án “Gel huyết tương nghèo tiểu cầu - Giải pháp mới trong điều trị liền vết thương”; Đặng Quang Hưng - Bùi Gia Anh, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) với “Nghiên cứu cơ sở phân tử tính đối kháng của chủng xạ khuẩn VNUA116 với nấm gây bệnh héo vàng trên chuối, nhằm nâng cao hoạt tính kháng nấm trong sản xuất chế phẩm sinh học”; Nguyễn Công Hoàng - Phạm Đức Anh, Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) với “Nghiên cứu và xác định giống lúa mang gen kháng nảy mầm sớm trước gặt ở cây lúa Việt Nam”; Lại Thị Thu Thảo - Ngô Trần Trung Kiên, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) với “Giải pháp nâng cao nhận thức của học sinh THPT về tình yêu, tình dục an toàn và lành mạnh”; Phạm Hoàng Nam, Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh với “Thiết bị đóng cọc trồng cây”; Vũ Minh Hiệp - Bùi Nam Đông, THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) với “Gậy tiện ích hỗ trợ người già”. Ban tổ chức cũng lựa chọn 45 sản phẩm STEM tốt nhất để trao giấy khen. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 36 cờ lưu niệm cho các đơn vị triển khai tổ chức và đạt kết quả tốt; trong đó, khối Phòng GD và ĐT có 2 giải Nhất; khối các trường THPT 3 giải Nhất. Theo Ban tổ chức, một số giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh sẽ được lựa chọn, hoàn thiện để tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024 tại tỉnh Bắc Giang.
Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Cuộc thi KHKT và Ngày hội STEM đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thay đổi phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tạo tiền đề cho các nhà quản lý giáo dục thay đổi quan điểm giáo dục phù hợp với thời đại. Cuộc thi đã khuyến khích học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu KHKT và vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống, góp phần đẩy mạnh việc dạy học gắn với thực tiễn, triển khai giáo dục STEM gắn với nghiên cứu KHKT. Đồng thời, thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dạy học trong các nhà trường. Tham gia cuộc thi, các em đã có những trải nghiệm bổ ích về “học” và “hành”. Thời gian tới, các nhà trường cần quan tâm hơn nữa công tác tổ chức tập huấn nghiên cứu KHKT cho học sinh, chú trọng ngay trong quá trình đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; từng bước thí điểm đưa dạy học STEM vào trong nhà trường. Tích cực đổi mới phương pháp giáo dục để học sinh có kỹ năng cơ bản, quan sát, phát hiện vấn đề, biết phản biện khoa học, có đam mê nghiên cứu. Tập trung vào các đề tài, các vấn đề nóng hiện nay tại nơi các em sinh sống. Vận dụng các kiến thức tổng hợp để thiết kế sản phẩm tốt và thuyết minh tại hội thi./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin