Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua trên địa bàn huyện Hải Hậu luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm tập trung chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền theo hướng thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần kiềm chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Yên Định (Hải Hậu) luôn được đảm bảo. |
Đồng chí Lương Thị Gấm, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hải Hậu cho biết: Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động xây dựng chương trình tham mưu với Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện ban hành kế hoạch công tác phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở tham mưu của Phòng Tư pháp huyện, Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện đã ra các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL đảm bảo các tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân về các lĩnh vực được quan tâm như: Hiến pháp năm 2013, trợ giúp pháp lý, tiếp công dân, hòa giải ở cơ sở, nghĩa vụ quân sự, dự thảo luật đất đai, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, khiếu nại, tố cáo, quốc phòng an ninh mạng, bình đẳng giới, căn cước công dân gắn chíp, các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác theo chuyên ngành, lĩnh vực... Quan tâm việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, đến nay toàn huyện có 16 báo cáo viên pháp luật, 546 tuyên truyền viên pháp luật ở 34 xã, thị trấn, trong năm 2023 đã tổ chức gần 200 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hàng chục nghìn lượt người dân tham dự.
Để đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện ban hành các kế hoạch như: PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.... Phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn kiện toàn 100% tổ hòa giải, làm tốt công tác rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn sau khi thực hiện đề án sáp nhập thôn, xóm. Đến nay, toàn huyện có 390 tổ hoà giải, mỗi tổ có từ 3-5 hòa giải viên, là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hàng năm, 100% hòa giải viên được bồi dưỡng và cập nhật kiến thức về pháp luật. Trong năm 2023 tại cơ sở xóm, tổ dân phố đã tiến hành hoà giải 135 vụ trong đó hoà giải thành 74/135 vụ, đạt 54,81%. Các vụ việc hòa giải phát sinh chủ yếu trong các lĩnh vực: đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật luôn được Phòng Tư pháp huyện tập trung đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền thông qua các hội nghị, mở lớp tập huấn quán triệt văn bản pháp luật; tổ chức các cuộc thi viết phóng sự, bản tin, sử dụng hình ảnh trực quan; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục “Hỏi - đáp pháp luật”, “Pháp luật và cuộc sống” phát trên Đài phát thanh, truyền thanh và đăng trên Cổng thông tin điện tử của huyện, xã, thị trấn; tổ chức nhóm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; triển khai mô hình các câu lạc bộ pháp luật như câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”; cấp phát miễn phí tài liệu, tờ gấp, tờ rơi; băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích dọc các tuyến đường giao thông chính của huyện, xã, đường trục thôn, xóm, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa; thông qua các hoạt động tiếp công dân; giải quyết hồ sơ theo vụ việc, đơn thư, phản ánh, các cuộc hòa giải ở cơ sở; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hình thức đối thoại, tư vấn pháp luật trực tiếp đến cán bộ, công chức và người dân... Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân tìm hiểu thông tin pháp luật tại các tủ sách pháp luật, hiện 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng được tủ sách pháp luật; nhiều thôn, xóm, khu dân cư có tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách các loại phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của công chức, viên chức và nhân dân. Các địa phương, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn huyện còn tập trung tuyên truyền pháp luật trên các kênh zalo, facebook, lồng ghép trong các hội nghị giao ban hàng tháng, hàng quý; tổ chức tuyên truyền lưu động dịp kỷ niệm “Ngày Pháp luật Việt Nam”... Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Phòng Tư pháp huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý hướng dẫn, cung cấp thông tin pháp luật miễn phí cho các đối tượng về các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chính sách người có công với cách mạng, người cao tuổi. Năm 2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho gần 2.500 đối tượng và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hàng chục nghìn người tại 34 xã, thị trấn. Tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã thực hiện tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân về các vấn đề như: thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, quy định về thu hồi đất, quy định về đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất, chính sách đối với người tàn tật đặc biệt nặng, thẩm quyền giải quyết các vấn đề về hộ tịch, quy định về hỗ trợ, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo.
Với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL các văn bản pháp luật mới ban hành trên địa bàn huyện Hải Hậu đã kịp thời tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin