Huyện Đoàn Trực Ninh đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

08:02, 11/09/2023

Thời gian qua, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được các cấp bộ Đoàn trong huyện Trực Ninh triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đoàn viên, thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương.

Đoàn Thanh niên xã Trực Chính tham quan mô hình chế biến tinh bột củ sen của đoàn viên Vũ Văn Anh, thôn Bình Thành, xã Trực Chính.
Đoàn Thanh niên xã Trực Chính tham quan mô hình chế biến tinh bột củ sen của đoàn viên Vũ Văn Anh, thôn Bình Thành, xã Trực Chính.

Thanh niên Vũ Văn Anh, thôn Bình Thành, xã Trực Chính khởi nghiệp với nghề chế biến tinh bột củ sen, trà củ sen. Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, anh cho biết: Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trải qua nhiều công việc khác nhau, được người bạn hướng dẫn cho công thức, cách làm chế biến các sản phẩm từ củ sen, anh đã vay vốn từ các kênh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống bể chứa, đầu tư máy xay củ, máy vắt bột, máy đánh bột, tủ sấy, giúp cho việc sản xuất thuận lợi và đạt năng suất cao hơn. Để tạo ra lượng tinh bột và trà củ sen chất lượng, anh thường chọn nguyên liệu là loại củ sen có chất lượng bột tốt từ huyện Kiến An (thành phố Hải Phòng). Nghề chế biến tinh bột củ sen và trà củ sen thường bắt đầu từ tháng 6 âm lịch đến tháng 2 năm sau nhưng bận rộn nhất là tháng từ sau rằm tháng 6. Đó là thời điểm nguồn nguyên liệu củ sen đạt độ già vừa phải, cho lượng tinh bột nhiều hơn. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu sử dụng tinh bột củ sen và trà củ sen cao, anh đã mở rộng quy trình sản xuất, trung bình mỗi năm, gia đình anh sản xuất được 1 tạ tinh bột củ sen, 7-8 tạ trà củ sen. Sản phẩm do được làm cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng công đoạn nên đạt độ giòn khô, chất bột mịn, có mùi thơm mát, không lẫn tạp chất, khi thử tan mượt trong miệng, được nhiều người mua làm quà biếu và khách buôn mua bán lẻ. Với giá bán cho thương lái 600 nghìn đồng/kg tinh bột củ sen và 250 nghìn đồng/kg trà củ sen, trừ chi phí, gia đình anh Vũ Văn Anh thu về vài trăm triệu đồng/năm. 

Chị Phạm Thị Xuân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trực Chính với niềm đam mê về các loài hoa đã quyết định nuôi ý tưởng mở cửa hàng cung cấp các loại hạt giống hoa. Sau khi xin nghỉ công tác tại Viện Cây lương thực, cây thực phẩm tại Hải Dương để về quê lập nghiệp, chị Xuân vẫn đam mê với nông nghiệp là cung cấp giống cây trồng. Ban đầu, chị nhập các loại giống cây trồng có chất lượng tốt từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về bán, được nhiều người biết và đến tận nhà đặt hàng. Thấy quê hương có tiềm năng lớn về hoa cây cảnh, chị đã nảy ra ý tưởng kinh doanh hoa cây cảnh online, và sau hơn một năm duy trì, phát triển, chị Xuân đã mở được cho mình một cửa hàng kinh doanh chuyên cung cấp giống cây trồng, hoa cây cảnh và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng, trên thị trường đã có không ít các cửa hàng, đại lý chuyên cung cấp các loại hạt giống hoa, hạt giống rau, củ, quả đủ loại nên chị gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là vấn đề làm thế nào để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả và lâu dài để nhiều người biết đến. Theo đó, ngoài chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc cây giống, chị vừa học hỏi kiến thức trên mạng, tìm đến các nhà vườn ở xã Điền Xá (Nam Trực), xã Nam Phong (thành phố Nam Định) để học hỏi và nhờ các bác nông dân chia sẻ kinh nghiệm canh tác chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình. Sau đó, chị về cập nhật kiến thức, những bài chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc các loại giống cây thu hút đông đảo người xem. Từ một shop online nhỏ, chị Xuân đã mở được một cửa hàng với diện tích vừa đủ để bán hạt, cây hoa giống, cùng các loại củ, hạt cây giống theo mùa trong năm phù hợp với thời tiết từng vùng. Hiện, cửa hàng của chị Xuân đang cung cấp các loại hạt giống cho các khu du lịch, các phim trường chụp ảnh ở các tỉnh như: Hà Nam, Ninh Bình, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Ninh… Từ nguồn bán các loại hạt, cây trồng mang về thu nhập cho chị trên trăm triệu đồng/năm. Không chỉ là một gương điển hình về làm kinh tế giỏi, với vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên xã, chị Phạm Thị Xuân cũng luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, chị Xuân luôn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đặc biệt luôn tiên phong đi đầu trong thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên địa phương.

Đồng chí Cao Trung Kiên, Bí thư Huyện Đoàn Trực Ninh cho biết: Đến nay, tại 4 xã có vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho thanh niên đứng ra quản lý đạt dư nợ 14,963 tỷ đồng cho 485 đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế. Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, các đoàn viên, thanh niên đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ đã đạt hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động địa phương, tiêu biểu như các mô hình: làm giỏ hoa tại xã Trực Tuấn của thanh niên Trần Văn Đức, vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng “Lương Định Của” năm 2022; mô hình sản xuất lúa gạo sạch của thanh niên Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội… Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Huyện Đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt nhằm giúp các đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo. Qua đó, góp phần cổ vũ và lan tỏa tinh thần sáng tạo, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên chủ động xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com