Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của phụ nữ Xuân Phương

08:54, 07/09/2023

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Xuân Phương (Xuân Trường) hiện có 8 chi hội với 1.274 hội viên. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã luôn vận động hội viên tích cực lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Cơ sở thêu ren truyền thống của bà Đinh Thị Minh, xóm Bắc, xã Xuân Phương tạo việc làm ổn định cho 30 lao động.
Cơ sở thêu ren truyền thống của bà Đinh Thị Minh, xóm Bắc, xã Xuân Phương tạo việc làm ổn định cho 30 lao động.

Hàng năm, Hội LHPN xã đẩy mạnh phong trào thi đua, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình. Hội đã tổ chức khảo sát và phân loại phụ nữ nghèo, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch giúp các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trong độ tuổi lao động được vay các nguồn vốn do Hội quản lý, tạo điều kiện cho chị em có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Hội cũng quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác với Ngân hàng CSXH, Quỹ TYM, tập trung đôn đốc nợ đến hạn, quá hạn, thu lãi tồn; thực hiện kiểm tra các tổ tiết kiệm vay vốn. Đến nay tổng nguồn vốn do Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện có dư nợ trên 8,5 tỷ đồng, số dư tiết kiệm trên 600 triệu đồng cho 202 hộ vay ở 6 tổ tiết kiệm vay vốn. Nguồn vốn từ Quỹ TYM trên 680 triệu đồng cho 36 thành viên vay, huy động tiết kiệm đạt trên 155 triệu đồng tại 2 cụm vay vốn. 

Bên cạnh việc hỗ trợ cho vay vốn, Hội LHPN xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh cho hội viên đạt hiệu quả cao bền vững. Đồng chí Đinh Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phương cho biết: “Hội luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; đồng thời tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên phụ nữ để tập trung phát triển. Tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, thực hiện tốt những chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình và đăng ký với cấp hội thực hiện mô hình phát triển kinh tế”. Thông qua các hoạt động, nhiều mô hình làm kinh tế giỏi của chị em phụ nữ từ trồng trọt, chăn nuôi, đến sản xuất, kinh doanh, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như xưởng thêu, may, đan cói… ngày càng được mở rộng ở khắp các khu dân cư. Tiêu biểu như mô hình đan ró cói xuất bán sang các nước: Mỹ, Thụy Điển… của chị Hoàng Thị Oanh ở xóm 3. Theo chị Oanh, việc đan ró phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu rút cói để sắp xếp gốc cói, ngọn cói cho bằng, phân ra từng loại sợi dài, sợi vừa, sợi ngắn hợp với kích cỡ từng loại ró; đến khâu ngâm, giặt, phơi để cói sạch muối, bùn đất, đạt độ trắng và mềm dẻo phù hợp với sự cần mẫn, khéo léo của chị em phụ nữ. Hiện mô hình của chị Oanh đang tạo việc làm cho 250 lao động với mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân hàng năm của cơ sở đạt từ 450-500 triệu đồng. Cơ sở thêu ren truyền thống của bà Đinh Thị Minh, xóm Bắc cũng tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, chủ yếu là lao động nữ tại địa phương. Mặt hàng chủ lực của gia đình bà Minh là áo lễ, mỗi tháng sản xuất được khoảng 150 áo với giá bán từ 1 đến 7 triệu đồng/áo. Năm 2018, gia đình bà đầu tư 2 máy thêu với tổng trị giá 1 tỷ đồng. Bên cạnh các sản phẩm được thêu bằng máy móc, cơ sở vẫn thuê thợ mang sản phẩm về nhà thêu thủ công. Gia đình bà cũng luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm, cách làm nghề ở nhiều địa phương khác, thậm chí là nước ngoài để sản phẩm thêu Phú Nhai ngày càng phát triển và giữ vững vị trí trên thị trường, không chỉ được bán trong nước mà còn xuất đi các nước như: Mỹ, Pháp… Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi, trồng trọt cũng được nhiều hội viên phụ nữ quan tâm, phát triển. Mô hình trồng dưa chuột, cà chua kết hợp nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống của chị Phạm Thị Mai ở xóm 5 có diện tích 1,2 mẫu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 130 triệu đồng. Để có được hiệu quả trên, chị Mai thường xuyên tìm tòi, học hỏi tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN xã kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức; tích cực bám sát đồng ruộng, vệ sinh ruộng, xử lý đất để phòng bệnh cho cây. 

Với việc đa dạng các hoạt động hỗ trợ thiết thực hội viên về kỹ thuật, vốn… cùng với phát triển các mô hình sản xuất, đời sống của nhiều hội viên phụ nữ trong xã Xuân Phương ngày một nâng cao, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com