Cùng với việc triển khai các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ năm học 2016-2017, các nhà trường trong toàn tỉnh đã triển khai giảng dạy bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12. Qua đó góp phần đưa việc nhận thức về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ thấm sâu, chuyển hóa thành hành động từ lứa tuổi học sinh, rèn luyện đạo đức, lối sống, phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” tập hợp gần 100 câu chuyện đặc sắc, gần gũi từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch. Các câu chuyện trong bộ sách có tác dụng bổ trợ cho các nội dung dạy học về đạo đức, lối sống mà học sinh đang được học trong các nhà trường. Qua đó, học sinh không chỉ học được những bài học về đạo đức, lối sống của Bác mà còn biết vận dụng, thực hành những bài học đó vào cuộc sống hàng ngày.
Các thí sinh đoạt giải Nhất tại Hội thi kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh” cấp tỉnh năm 2022. |
Để sử dụng và phát huy hiệu quả của bộ sách, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch đưa vào giảng dạy theo hướng tích hợp trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân (GDCD), các môn học có liên quan và trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động Đoàn, Đội… đảm bảo nội dung giáo dục tự nhiên, nhẹ nhàng, tránh gây nặng nề; giáo dục cho học sinh những hiểu biết cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh; tạo sự gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống.
Cô giáo Nguyễn Thị Quế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) chia sẻ: Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 21 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Công văn 4634/BGDĐT-CTHSSV của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn sử dụng tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” trong nhà trường, chi bộ nhà trường đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt tới các đảng viên về chủ trương, nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, sử dụng bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” giảng dạy trong trường từ lớp 2 đến lớp 5. Ban giám hiệu tổ chức sinh hoạt chuyên môn; chỉ đạo các tổ, khối xây dựng kế hoạch giảng dạy bộ sách tương ứng với từng khối lớp. Để việc giảng dạy đạt hiệu quả, lôi cuốn học sinh vào bài học, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học như học cá nhân, học theo nhóm, tổ chức các hoạt động khác nhau trong từng tiết học để học sinh được chủ động tham gia với các kỹ thuật, nghiệp vụ đổi mới, đa dạng: kể chuyện, sắm vai, “lẩu băng chuyền”, “ổ bi”, “khăn trải bàn”... Qua đó, giúp các em hiểu và chủ động tiếp nhận và thấm các giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ để chuyển đổi thành hành vi trong cuộc sống, học tập, rèn luyện hàng ngày một cách tự nhiên và tích cực. Giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục trong các môn học như Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Kỹ năng sống, Tiết đọc thư viện và các hoạt động tập thể cho học sinh. Liên Đội cũng lồng ghép nội dung giáo dục đội viên học tập tấm gương Bác Hồ theo chủ đề, chủ điểm trong năm học... Qua việc tìm hiểu và phổ biến, tuyên truyền các câu chuyện trong bộ sách bằng cách thức khác nhau, học sinh còn phát triển các kỹ năng, năng khiếu cá nhân như giới thiệu sách, biểu diễn các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ về Bác Hồ, sân khấu hóa các câu chuyện trong bộ sách ở lớp, ở trường, tham gia cuộc thi kể chuyện. Em Vũ Thị Kiều Vy, học sinh lớp 5 của trường, thí sinh đoạt giải Ba tại Hội thi kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống cho học sinh” cấp tỉnh năm 2022 cho biết: “Đọc bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, chúng em học được những đức tính quý báu như trung thực, thật thà, trách nhiệm, tình yêu thương, lòng biết ơn, những cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, thấy được tình yêu thương và những ước muốn của Bác Hồ dành cho thiếu nhi qua các câu chuyện như: Bác chỉ muốn các cháu được học hành, Ai chẳng có lần lỡ tay, Không có việc gì khó…”.
Tại Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản), để sử dụng hiệu quả bộ sách, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch phù hợp, tích hợp vào giảng dạy ở các môn học Khoa học xã hội, đặc biệt là môn GDCD; lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa,... Nhà trường phổ biến đến toàn thể giáo viên, học sinh về bộ sách, mục đích, ý nghĩa của việc xuất bản bộ sách; chỉ đạo Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng bộ sách; phát động các lớp xây dựng đa dạng các đầu sách trong tủ sách của lớp học, đặc biệt là các sách về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đoàn trường phát động các chi đoàn lớp đưa vào nội dung sinh hoạt chi đoàn, các hoạt động tập thể, đưa vào chương trình rèn luyện đoàn viên, phát động cuộc thi kể chuyện về Bác trong các chi đoàn. Nhà trường còn tích hợp giảng dạy trong các môn khác như: Văn, Sử, Địa… Thông qua các hoạt động được tổ chức trên lớp, học sinh rèn luyện năng lực và phẩm chất, góp phần tạo sức lan toả sâu rộng phong trào thi đua sôi nổi, tích cực rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học sinh toàn trường…
Tuy nhiên, việc triển khai sử dụng bộ sách vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ở khối tiểu học, số lượng bộ sách gửi về các nhà trường rất ít so với số lượng học sinh, lại không có bản mềm (điện tử) nên tài liệu chỉ đủ dành cho giáo viên nghiên cứu và giảng dạy; không có cho các em tự đọc, nghiên cứu thường xuyên trong khi thời lượng dành cho dạy học với bộ sách còn ít, thời gian dành cho thực hành và đánh giá kết quả thực hành của học sinh chưa thường xuyên. Tài liệu, đồ dùng giảng dạy cho nội dung các bài đọc giáo viên cũng phải tự tìm kiếm, sưu tầm. Mặt khác, tâm lý lứa tuổi tiểu học hồn nhiên, dễ nhớ nhưng nhanh quên. Ở khối THCS và THPT, việc giảng dạy lồng ghép tài liệu Bác Hồ vào môn học đạo đức đôi lúc thực hiện còn khó khăn vì giới hạn thời gian: Môn GDCD còn tích hợp cả các nội dung khác như phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm một số lĩnh vực... Các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... thì còn bao hàm nhiều giá trị cốt lõi khác cần định hướng để các em khám phá, nên việc lồng ghép tài liệu giáo dục về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ vào những bài học chưa thực sự sâu sắc và kỹ lưỡng. Ngoài ra còn một thực trạng xu hướng xã hội hiện tại cha mẹ và học sinh tập trung quá nhiều cho việc học kiến thức, coi nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống...
Từ thực tiễn sử dụng bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, các nhà trường cần có kế hoạch cụ thể để triển khai giảng dạy với các biện pháp phù hợp, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch, giải pháp thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương học và làm theo Bác của giáo viên từ lời nói và hành động để học sinh noi theo. Xây dựng môi trường giáo dục vui vẻ, yêu thương, tạo cơ hội để học sinh được học đi đôi với hành, tham gia các hoạt động trải nghiệm, các sân chơi phù hợp để các bài học về Bác được thực hành, tạo thành thói quen tốt hàng ngày của học sinh. Tổ chức đa dạng các cuộc thi: Thi kể chuyện về Bác Hồ, thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc giáo dục định hướng cho các em hướng tới lối sống lành mạnh, tích cực; đẩy mạnh tuyên truyền đến cả cha mẹ học sinh biết việc sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” là cần thiết và bổ ích./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin