Triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu. Bằng tình thương, tấm lòng nhân hậu, những người “Mẹ đỡ đầu” đã, đang dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất để các em học sinh mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp thêm nghị lực, niềm tin vững bước trên con đường tương lai phía trước.
Em Trần Bàn Long, 10 tuổi, xóm Lộc, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ mất vì bạo bệnh đã hai năm, bố sức khỏe yếu lại vướng vào vòng lao lý, bỏ lại Long để ông bà nội tuổi cao, thường xuyên đau yếu chăm sóc. Chị Đào Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long (thành phố Nam Định) sau khi biết hoàn cảnh của em đã không chút đắn đo nhận làm “Mẹ đỡ đầu”. Ngoài việc thường xuyên thăm hỏi, động viên Long và gia đình, mỗi năm chị chu cấp 5 triệu đồng giúp em có kinh phí học tập, trang trải thêm cho cuộc sống. Ông Trần Quang Hồng, ông nội của Long xúc động cho biết: “Gần 2 năm qua nếu không có sự động viên, giúp đỡ của “mẹ Thủy” và chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, chắc Long khó có thể tiếp tục việc học bởi gia đình tôi quá nghèo. Khi chưa nhận được sự hỗ trợ, chỉ tính riêng tiền học phí, chi phí mua sách vở đồ dùng học tập, quần áo cho Long đã vượt quá khả năng của gia đình. Để duy trì việc học cho cháu, tôi thường xuyên phải đi vay tiền của người thân, xóm giềng. Từ khi Long có người đỡ đầu, chúng tôi yên tâm hơn, không phải lo cháu có thể bị gián đoạn việc học”. Long chỉ là một trong số những học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh mà chị Đào Ngọc Thuỷ đang nhận hỗ trợ, giúp đỡ. Với mong muốn xoa dịu những mất mát, thiệt thòi của các học sinh mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến nay, chị Đào Ngọc Thuỷ đã nhận làm “mẹ đỡ đầu” cho 30 học sinh trong tỉnh. Để đỡ đầu cho các em, hàng năm chị Thuỷ trích 10% lợi nhuận từ hoạt động của công ty để hỗ trợ cho trẻ mồ côi nói riêng, các hoạt động thiện nguyện nói chung.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu phối hợp với nhà tài trợ trao tặng quà “Mẹ đỡ đầu” cho học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” và “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Hải Hậu đã rà soát, có kế hoạch hỗ trợ, đỡ đầu các trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí cố định hàng tháng, mức hỗ trợ từ 300-500 nghìn đồng/học sinh/tháng; nắm bắt các trường hợp và đưa ra hình thức hỗ trợ phù hợp, tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm nhằm nối rộng vòng tay, xoa dịu phần nào nỗi đau, ổn định tâm lý cho trẻ trong quá trình trưởng thành. Được Hội LHPN huyện vận động, trong tháng 2-2023, ông Phạm Văn Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Y dược Đình Cự đã đến thăm, động viên và trao tặng 21 suất quà, trị giá 10,5 triệu đồng cho 21 học sinh mồ côi trên địa bàn huyện. Chia sẻ về việc làm của mình, ông Kháng cho biết: “Tôi rất ủng hộ chương trình “Mẹ đỡ đầu” mà Hội LHPN huyện đang triển khai. Các cháu học sinh mồ côi đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, thiếu vắng tình cảm gia đình, tôi luôn mong muốn san sẻ, động viên, hỗ trợ một phần nhỏ bé giúp các cháu vơi bớt khó khăn. Hàng tháng, tôi sẽ dành tặng mỗi cháu 500 nghìn đồng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ cấp tặng mỗi cháu 1 thẻ khám, chữa bệnh miễn phí đến năm 18 tuổi”.
Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, cũng trong năm 2023 Hội LHPN huyện Ý Yên đã khảo sát và hỗ trợ 16 trẻ mồ côi. Trong đó, có một số trường hợp được đỡ đầu 1 năm và một số trẻ nhận hỗ trợ đến khi 18 tuổi với số tiền 300 nghìn đồng/tháng/học sinh. Theo đó, trong quý I năm 2023, Hội LHPN tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm đã trao quà đỡ đầu cho 35 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 36 triệu đồng. Hội LHPN huyện còn phát động cán bộ chuyên trách huyện phát huy tinh thần tương thân, tương ái hàng tháng trích từ 50-100 nghìn đồng để đỡ đầu 1 trẻ em mồ côi tại xã Yên Phương. Cùng với hỗ trợ về vật chất, cán bộ Hội các cấp còn thường xuyên xuống thăm hỏi, chia sẻ, hướng dẫn một số kỹ năng sống để các em biết cách tự chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân trước những rủi ro trong cuộc sống. Từ đó, tạo điểm tựa về mặt tinh thần cho những mảnh đời kém may mắn, bất hạnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là chương trình nhân văn thể hiện tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ Việt Nam. Chính vì vậy, khi triển khai chương trình đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong tỉnh”. Triển khai chương trình, các cấp Hội Phụ nữ đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp, gây quỹ đồng thời kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giúp các em có môi trường phát triển toàn diện; tổng hợp danh sách các đối tượng cần được đỡ đầu, giúp đỡ; bám sát thực tế tại địa phương, nhu cầu của từng em để đưa ra phương án hỗ trợ bằng tiền mặt, thực phẩm, đồ dùng học tập với mức từ 200-800 nghìn đồng/em/tháng, thời gian hỗ trợ từ 1-5 năm hoặc lâu hơn. Qua rà soát của Hội Phụ nữ các cấp, tính đến tháng 3-2023, toàn tỉnh có 1.060 trẻ mồ côi. Trong đó, 183 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; 877 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; có 3 trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Sau gần 2 năm triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, tính đến tháng 4-2023, các cấp Hội đã trực tiếp và vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 229 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ từ 200-500 nghìn đồng/tháng/em, thời gian hỗ trợ từ 1-5 năm. Trong đó, năm 2022, các cấp Hội nhận đỡ đầu 211 em; 3 tháng đầu năm 2023, có 75 em được nhận đỡ đầu mới và 154 em được tiếp tục nhận đỡ đầu.
Để triển khai sâu rộng chương trình, thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi tính nhân văn của chương trình; thực hiện rà soát, khảo sát đối tượng, đảm bảo tiêu chí đỡ đầu, giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình. Đặc biệt, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và các ngành để có được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi khó khăn. Xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các mẹ đỡ đầu nhất là các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin