Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ nước giải khát vỉa hè

07:44, 05/05/2023

Bước vào mùa hè, nhu cầu giải khát của người dân tăng cao. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm như: nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh; điều kiện, cơ sở vật chất bảo quản thực phẩm không đạt tiêu chuẩn,… nhưng những quán nước giải khát vỉa hè vẫn luôn “hút khách”.

Khoảng 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm, đi dọc đường Nguyễn Du hay khu vực đầm Bét (hồ Lộc Vượng) hoặc đường Trần Hưng Đạo kéo dài, đường đê Trần Nhân Tông… trên địa bàn thành phố Nam Định dễ dàng bắt gặp hàng chục quán, xe đẩy hàng rong nước giải khát vỉa hè nhộn nhịp khách hàng ngồi uống nước giải khát, đặc biệt là những ngày nắng nóng, hàng chục quán giải khát với đa dạng các mặt hàng như: trà chanh, trà sữa, nước mía, nước ép trái cây... đua nhau “mọc lên” đáp ứng nhu cầu “giải nhiệt” của nhiều người. Để kinh doanh nước giải khát, chủ quán không cần quá cầu kỳ về hình thức, chỉ cần 1 xe đẩy tự chế (thay cho quầy hàng) với dàn đèn nháy bắt mắt, vài vật dụng đơn giản như bàn ghế nhựa, máy ép nước và đồ dùng chế biến đã có ngay một quầy hàng di động. Thông thường, chủ quán thường tận dụng những khu vực có vỉa hè rộng, đông người qua lại để bày bán. Trong số các loại nước giải khát được bày bán ở các vỉa hè, nước mía là loại đồ uống đã và đang được nhiều thực khách lựa chọn, bởi có mức giá bình dân nhất, dao động từ 7 đến 15 nghìn đồng/cốc. Tuy nhiên, với cách thức chế biến của một số hàng nước mía vỉa hè “siêu sạch” hiện nay thì nỗi lo về tình trạng mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe con người không phải là không có căn cứ.

Các quán nước giải khát đường phố thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi.
Các quán nước giải khát đường phố thu hút nhiều khách hàng trẻ tuổi.

Tại một hàng nước mía trên đường Trần Thái Tông, chủ quán dùng tay trần liên tục bào, róc vỏ mía còn bám đầy bụi đất. Sau khi róc vỏ xong, từng khúc mía được cho vào xô nhựa để sẵn cạnh máy ép nước mía. Khi có khách vào quán, chủ quán tiếp tục dùng tay trần cầm khúc mía đã róc sẵn cho vào máy ép. Mía ép xong, bã vứt bừa bãi ngay phía trước chân máy ép, mặc cho ruồi nhặng bâu quanh. Với mức đầu tư ban đầu ít, nhưng vào những ngày nắng nóng cao điểm, quán bán mỗi ngày được khoảng 200-300 nghìn đồng tiền nước mía. Bên cạnh nước mía phải kể đến trà sữa - thức uống được giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên yêu thích trong vài năm trở lại đây. So với các hãng trà sữa đã có tên tuổi, giá thành của những cốc trà sữa được bày bán ở vỉa hè chỉ rẻ chưa bằng một nửa với đủ các loại mùi vị hấp dẫn thực khách. Đáng lo ngại là những loại siro mang đủ hương vị trái cây, màu sắc được pha chế vào những cốc trà sữa hầu hết được tạo thành từ hóa chất, không phải mùi thơm tự nhiên của trái cây. Theo tìm hiểu tại cửa hàng bán buôn các loại hương liệu pha chế, mỗi can siro 2 lít giá trên dưới 100 nghìn đồng có thể pha được cả trăm cốc trà hoặc túi nước hoa quả để bán ra thị trường với mức giá từ 10-20 nghìn đồng/cốc. Ngoài ra, những loại bột trà, bột sữa phần lớn được đóng trong túi lớn không nhãn mác, không thông tin về nhà sản xuất hay hạn sử dụng. Tuy không phải tất cả, nhưng thực tế là hiện nay, nhiều quán trà sữa vì lợi ích kinh tế mà thường xuyên sử dụng những nguyên liệu sữa, siro giá rẻ, không đảm bảo về chất lượng.

Bên cạnh đó, các loại nước giải khát tự pha như: trà đá, nhân trần, nước sấu, trà tắc, trà đào, nước ép, sinh tố, thạch, chè các loại cũng được bày bán nhiều trên các vỉa hè, thu hút nhiều khách hàng bởi sự tiện lợi, mát lành và giá cả hợp lý. Phong phú là thế nhưng cách bảo quản, pha chế các thực phẩm này thì khó ai chắc chắn bảo đảm vệ sinh hoàn toàn. Phần lớn người dùng khi có nhu cầu thường tiện đâu mua đó chứ hiếm người bận tâm, cầu kỳ “chọn mặt gửi vàng”. Có thể dễ dàng nhận thấy tại những quán giải khát vỉa hè là nguyên liệu chế biến không được bảo quản cẩn thận mà chủ yếu bày tràn lan cho khách hàng dễ nhìn, không có gì che đậy, hứng nắng gió, bụi và cả ruồi, nhặng. Do nguồn nước trực tiếp không có nên những chiếc xô tráng cốc vẩn đục, không được thay nước thường xuyên. Rất ít người bán hàng dùng bao tay để chế biến đồ uống cho khách nên nguy cơ bị các căn bệnh về đường tiêu hóa rất cao.

 Ngoài việc không bảo đảm vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm dùng để chế biến tại các quán vỉa hè cũng là vấn đề cần quan tâm. Do yếu tố lợi nhuận nên không phải quán hàng nào cũng lấy thực phẩm hay chất phụ gia từ những cơ sở có uy tín. Cùng với nước uống, các loại đá cây, đá pha lê là một trong những thứ rất quan trọng để làm nước giải khát mát lạnh, giúp thực khách giải tỏa cơn khát. Tuy nhiên, thực tế thì các quán giải khát vỉa hè chủ yếu đều sử dụng đá cây, loại đá chuyên dùng để ướp thực phẩm. Điều đáng nói, người tiêu dùng không thể biết được loại đá này làm từ nguồn nước có đảm bảo vệ sinh hay không, vì vậy nguy cơ mất vệ sinh là rất cao.

Hè đến, nhu cầu giải khát tăng đột biến. Bên cạnh những quán nước bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì vẫn còn nhiều quán tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Mặc dù là thức uống trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng các loại nước giải khát lề đường gần như không được kiểm tra chất lượng. Hầu hết các hoạt động kinh doanh giải khát tự phát này chưa có sự quản lý, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, thường xuyên từ ngành chức năng nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất dễ xảy ra. Vì vậy, ngành chức năng cần có những biện pháp đồng bộ, thường xuyên để kiểm tra, giám sát vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại hệ thống quán vỉa hè. Mỗi khách hàng cũng nên có sự lựa chọn sáng suốt thực phẩm giải khát để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trong dịp hè./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com