Hội Người mù Trực Ninh quan tâm chăm lo đời sống hội viên

08:36, 30/05/2023

Với nhiều hoạt động thiết thực quan tâm chăm lo đời sống hội viên, Hội Người mù huyện Trực Ninh đã trở thành “mái nhà chung” cho người khiếm thị, góp phần dần xóa bỏ mặc cảm và tự ti, thắp sáng niềm tin cho các hội viên nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh học tập nâng cao kỹ năng tin học văn phòng tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập (Hội Người mù tỉnh).
Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh học tập nâng cao kỹ năng tin học văn phòng tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập (Hội Người mù tỉnh).

Để hỗ trợ các hội viên, Hội Người mù huyện Trực Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đã tập trung đẩy mạnh việc hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống. Công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm do Hội Người mù huyện tiếp nhận đã và đang thể hiện tính hiệu quả, giúp các hội viên và gia đình có điều kiện vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội đã tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho hội viên với tổng số tiền 196 triệu đồng. Các hội viên được vay vốn đã đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế và làm dịch vụ tẩm quất, bấm huyệt trị liệu chăm sóc sức khỏe phục vụ nhân dân. Hội viên tham gia vay vốn dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ quá hạn, nộp gốc và lãi đúng kỳ hạn. Trên địa bàn hiện có 6 cơ sở tẩm quất, bấm huyệt trị liệu của hội viên Hội Người mù huyện, tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên khác với mức lương trung bình từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm tăm tre và chổi đót của Hội Người mù huyện thu hút hơn 20 hội viên làm theo thời vụ, mỗi năm có 2 đợt, đợt 1 từ tháng 2 đến hết tháng 3 dương lịch, đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Với tinh thần năng động, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, cán bộ, hội viên và người lao động trong cơ sở sản xuất tăm tre của Hội luôn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, đem lại thu nhập trung bình 1 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên còn tham gia cùng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế ổn định như chị Vũ Thị Loan, anh Phạm Văn Tính…

Bên cạnh hỗ trợ tạo việc làm cho hội viên, công tác tuyên truyền văn hoá giáo dục cũng được Hội quan tâm chú trọng. Hội Người mù huyện đã đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, phổ biến các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; nghị quyết, điều lệ của hội để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi cho hội viên thông qua việc vận động nghe đài, đĩa CD. Đặc biệt Hội đã vận động hội viên hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường đoàn kết - chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mà nòng cốt là xây dựng nông thôn mới do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động; chọn lựa gương điển hình tiên tiến, các mô hình làm kinh tế giỏi tuyên truyền, vận động hội viên học hỏi làm theo. Trong năm 2022, Hội Người mù huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên được tham gia hội thi “Tay nghề tầm quất giỏi lần thứ nhất” tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Hội Người mù tỉnh) tổ chức; một hội viên là trẻ em được Tỉnh Hội chọn cử đi thi “Ươm hạt giống mầm non” cấp Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Hàng năm, Hội Người mù huyện luôn rà soát hội viên có nhu cầu học chữ, học nghề giới thiệu về học tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Hội Người mù tỉnh). Tháng 4 vừa qua, Hội đã cử 3 cán bộ đi học nâng cao tin học văn phòng tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh; Hội Người mù huyện đã hỗ trợ một phần xăng xe, kinh phí để động viên hội viên học tập tốt. Ngoài ra, Hội Người mù huyện thường xuyên rà soát danh sách hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động quyên góp, sửa chữa xây dựng nhà ở. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đã vận động giúp đỡ bà Nguyễn Thị Ngạch, hơn 80 tuổi, sống một mình ở xã Liêm Hải 40 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới. Xác định hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giúp hội viên vơi bớt đi mặc cảm, tự ti về bản thân, Hội tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho hội viên như: tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam và Ngày Người khuyết tật Việt Nam; tổ chức giao lưu biểu diễn văn nghệ tại các trường học trên địa bàn được các thầy, cô giáo và học sinh nhiệt tình hưởng ứng…

Bám sát chủ trương, chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước, vận dụng tối đa các nguồn tài trợ để hoạt động và chăm lo đời sống người khiếm thị đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát động các hoạt động từ thiện nhân đạo, Hội Người mù Trực Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để tạo điều kiện giúp đỡ người khiếm thị ngày càng có hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trực Ninh cho biết: “Thời gian tới, Hội Người mù huyện tiếp tục vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên hòa nhập cộng đồng”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó, Hội mở rộng mối quan hệ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để thường xuyên có sự hỗ trợ trong hoạt động; thực hiện tốt quy chế hoạt động, giải quyết kịp thời những vướng mắc của cán bộ, hội viên; cử cán bộ, hội viên tiêu biểu tham dự các lớp đào tạo. Hội Người mù huyện mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để chất lượng hoạt động Hội từng bước được nâng lên, góp phần chia sẻ, động viên hội viên người mù xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com