Hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng

08:34, 26/05/2023

Trong những năm qua, các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ra đời với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, đã đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học trong công tác tuyên truyền cho người dân về việc học tập thường xuyên, không phân biệt trình độ hay nghề nghiệp đã đưa phong trào học tập cộng đồng ngày càng phát triển.

Phụ nữ thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) phát triển nghề làm bánh đa.
Phụ nữ thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) phát triển nghề làm bánh đa.

Theo đó, hoạt động của các TTHTCĐ ngày càng mở rộng về quy mô và đa dạng các nội dung giáo dục, thu hút được nhiều người dân tham gia. Hàng năm, đã có hàng nghìn lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất, từng bước áp dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong năm 2021-2022, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, toàn tỉnh có 109.410 lượt người tham gia học tập ở cả 5 nhóm nội dung: Phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm; bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm đã phát huy và khai thác tốt sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng các chuyên đề phù hợp với nguyện vọng học tập của nhân dân chủ yếu tập trung vào các vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng thâm canh, các buổi nói chuyện về thời sự chính trị, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Một số TTHTCĐ còn tổ chức được các hoạt động phong phú, thích hợp như câu lạc bộ dưỡng sinh, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, khuyến khích xây dựng “Gia đình học tập’’, “Dòng họ học tập’’, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vấn đề giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, tăng cường vốn sống, kỹ năng sống cho những người ở tuổi vị thành niên…, đặc biệt các lớp dạy nghề ngắn hạn đã giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh. Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, các TTHTCĐ đặc biệt coi trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến người dân, trong đó, tập trung vào các lớp kỹ thuật trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng... Hoạt động của các TTHTCĐ đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng mô hình. 

Theo đánh giá của Sở GD và ĐT, toàn tỉnh có 125 trung tâm được xếp loại tốt, 85 trung tâm xếp loại khá, 16 trung tâm xếp loại trung bình. Các TTHTCĐ hoạt động tiêu biểu là các xã: Phương Định, Trực Thái (Trực Ninh); Yên Quang, Yên Lương (Ý Yên), Hải Anh, Hải Phúc, Hải Lý (Hải Hậu), Xuân Kiên, Xuân Hồng (Xuân Trường), Giao Thanh, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ)... Tiêu biểu như TTHTCĐ xã Trực Thái (Trực Ninh) đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các hợp tác xã nông nghiệp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện... mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao về giống mới, cây, con mới có năng suất cao vào nuôi trồng và đã mang lại giá trị kinh tế cao. Hàng năm, trung tâm mở từ 10-15 lớp học chuyên đề thu hút trên 1.000 lượt học viên đến học tập. Hiện tại, số lao động trong độ tuổi lao động qua đào tạo của xã là 3.271 người; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 65,53%. Số lao động trong độ tuổi lao động có khả năng lao động được tập huấn, phổ biến kiến thức là 4.992 người; tỷ lao động trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức đạt 100%. Từ năm 2016, TTHTCĐ xã Yên Cường (Ý Yên) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Cây củ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất chăm bón khoai tây vụ đông, vụ xuân; phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Công ty Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm bón cây ăn quả và rau an toàn. Trung tâm còn kết hợp với các Công ty Thuốc bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ý Yên tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng; tạo điều kiện để cán bộ các hợp tác xã nông nghiệp và một số hộ nông dân đã được tham gia chương trình học tập trao đổi kinh nghiệm tại Nhật Bản; đồng thời mời các chuyên gia Nhật Bản sang trực tiếp hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ theo quy mô hộ gia đình… Việc tổ chức cho người dân học tập, sản xuất rau màu theo vùng quy hoạch bằng phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm ở xã Yên Cường đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao. Hiện tại, Yên Cường có nhiều loại rau được UBND tỉnh cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Hoạt động hiệu quả của các TTHTCĐ đã và đang tạo ra nền móng cho một xã hội học tập ngoài nhà trường hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển kinh tế - xã hội từ cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ trên thực tế vẫn đang gặp không ít khó khăn. Khác với trường học chính quy, TTHTCĐ là hình thức học tập mới, chưa nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nên chưa có danh mục để đầu tư từ ngân sách Nhà nước là trở ngại rất lớn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu và trang thiết bị học tập. Nguồn lực để tổ chức và duy trì hoạt động của TTHTCĐ chủ yếu dựa vào tinh thần trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo, của Hội Khuyến học và chính quyền địa phương cùng lòng nhiệt tình của người dạy và người học. Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm chưa có trụ sở riêng nên việc tổ chức các hoạt động đều phải lấy địa điểm các nhà văn hóa của xã, phường, thị trấn và tại các thôn, xóm, khu dân cư. Các TTHTCĐ cũng chưa có cơ chế đầu tư, nguồn kinh phí giao cho các TTHTCĐ khá eo hẹp, chỉ dao động từ 10 đến 20 triệu đồng/trung tâm/năm, không đủ để chi trả mọi hoạt động hay mua sắm tài liệu và trang thiết bị...

Để các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả và đồng đều, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thời gian tới, các tổ chức, ban, ngành liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, từ đó tự giác học tập và tự đề xuất nhu cầu học tập đối với trung tâm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHTCĐ. Cùng với đó, các trung tâm cần đổi mới phương pháp, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, để xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân và sát với thực tế của địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com