Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh và đi vào thực chất, hiệu quả; góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ các phong trào thi đua, nhiều gương điển hình tiên tiến xuất hiện, trở thành “những bông hoa đẹp” trong vườn hoa “nghìn việc tốt”, góp phần khẳng định và lan tỏa bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống văn hiến, anh hùng của đất và người Nam Định.
Bơi chải trên hồ Vỵ Xuyên. |
Năm 2022, phong trào thi đua yêu nước đã được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức nhiều phong trào thi đua với hình thức, nội dung phong phú, thu hút, tập hợp đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” được tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 182/204 (89,02%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã được công nhận NTM kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu xã NTM nâng cao theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025). Tiêu biểu như các xã: Giao Phong, Giao Tân, Giao Thịnh (Giao Thuỷ), Xuân Kiên, Xuân Hoà (Xuân Trường), Trực Chính, Trực Đại (Trực Ninh), Hải An (Hải Hậu), Hồng Quang (Nam Trực)... Toàn tỉnh đã có 329 sản phẩm OCOP được công nhận và xếp hạng; đã xây dựng được 453 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 19.150ha, trong đó có 3.316ha được bao tiêu sản phẩm. Triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với các phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn” và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”… Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh đạt 21.535 tỷ đồng, tăng 2,58% so với năm 2021; năng suất lúa đạt 61,17 tạ/ha, tăng 0,8%; tổng sản lượng thuỷ sản đạt 189,3 nghìn tấn, bằng 101,5% kế hoạch và tăng 6,0% so với năm 2021.
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, đã giải quyết chính sách cho gần 50 nghìn lượt người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ chính sách theo quy định; giải quyết việc làm mới cho 35 nghìn lượt người lao động, bằng 109,4% kế hoạch; đào tạo nghề cho khoảng 35,2 nghìn người, bằng 100% kế hoạch, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn trên 3.000 người. Trong phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2022, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thăm hỏi, tặng 36.477 suất quà cho người là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người già cô đơn, học sinh nghèo vượt khó, người gặp rủi ro hoạn nạn... với tổng trị giá trên 12,152 tỷ đồng;...
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương và UBND tỉnh phát động, năm 2022, các huyện và thành phố Nam Định đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, bám sát nhiệm vụ chính trị, tổ chức phát động các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt với nội dung phù hợp gắn với tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị. Công tác khen thưởng thành tích trong các phong trào thi đua được các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; chú trọng động viên, khen thưởng những đơn vị có quy mô nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất, công tác. Nhiều phong trào, mô hình được phát động đã đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả và tính lan tỏa cao như: phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chỉnh trang đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp và vệ sinh môi trường”, mô hình “Tuyến đường hoa, cây cảnh”, xây dựng NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” của các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nam Trực và thành phố Nam Định… Các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố tiếp tục được mở rộng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư; các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống, tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm từ các làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, tiêu biểu như: làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường); làng nghề đúc đồng Tống Xá, làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên); làng nghề gỗ mỹ nghệ Hải Minh (Hải Hậu); làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, Nam Điền (Nam Trực)... đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án và thu hút vốn đầu tư được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ... tiêu biểu như các đơn vị: huyện Giao Thuỷ, huyện Nam Trực, thành phố Nam Định.
Khởi công dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (thành phố Nam Định). |
Quá trình triển khai thực hiện các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố khen thưởng, tiêu biểu như: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh); Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu; xã Giao Phong (Giao Thủy); Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định), Trường Tiểu học Xuân Vinh (Xuân Trường); Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản); Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong (Ý Yên); Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy). Các cá nhân là giáo viên, công nhân, nông dân điển hình tiêu biểu như: cô giáo Phạm Thị Long Quân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thống Nhất (thành phố Nam Định); thầy giáo Nguyễn Sỹ Hiệp, Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh); bà Nguyễn Thị Hải, xóm 11, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); ông Đỗ Duy Bắc, xóm 21, thôn Thượng, xã Điền Xá (Nam Trực); ông Trần Bùi Nam, thôn 10, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc)... Đặc biệt, tấm gương điển hình tiêu biểu anh Nguyễn Đức Chính, tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương khen thưởng và em Bùi Hải An, học sinh lớp 11A4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về hành động dũng cảm cứu người gặp nạn, nêu gương sáng cho thanh niên cả nước và trên địa bàn tỉnh học tập. Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động các hạng cho 8 tập thể và 4 cá nhân. Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 14 tập thể, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho 1 cá nhân, Bằng khen cho 21 tập thể và 53 cá nhân (trong đó có 9 cá nhân là nông dân, người lao động có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh). Chủ tịch UBND tỉnh tặng: Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” cho 117 tập thể; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” cho 28 cá nhân; danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 312 tập thể; Bằng khen cho 685 tập thể và 1.045 cá nhân (trong đó có 230 tập thể và 289 cá nhân khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất và trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19).
Nhìn lại năm 2022, các phong trào thi đua được phát động, thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước; giải quyết tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội; an ninh - chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội”; tập trung chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính... đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh đề ra với những kết quả tiêu biểu: Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 9,07% so với năm 2021, cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách Nhà nước đạt 7.750 tỷ đồng, bằng 117,4% dự toán năm; giá trị hàng xuất khẩu đạt 3.000 triệu USD, bằng 100% kế hoạch và tăng 12,5% so với năm 2021. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31.773 tỷ đồng và 57,8 triệu USD; nhiều công trình trọng điểm lớn của tỉnh được khởi công và triển khai thi công như: Dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện, Nghĩa Hưng; Cầu vượt sông Đào với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nam Định” gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xúc tiến và thu hút đầu tư. Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định và đạt hiệu quả; thực hiện tốt việc trả kết quả kịp thời, không có hồ sơ quá hạn; việc nhận và ban hành văn bản điện tử có chữ ký số đã đi vào nền nếp và được kết nối liên thông 4 cấp. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai toàn tỉnh và kết nối với Trung ương đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Các phong trào thi đua được triển khai đã góp phần cải thiện, tăng bậc chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính và chuyển đổi số của tỉnh so với năm trước.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để phong trào thi đua và công tác khen thưởng hoạt động thiết thực, hiệu quả, với chủ đề: “Đoàn kết, vượt khó - Chủ động thích ứng - Điều hành linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời hiệu quả”; các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương phát huy những kết quả đạt được, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo những chuyển biến rõ nét, động viên kịp thời sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ và các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Thực hiện tốt phương châm hành động của Chính phủ năm 2023: “Đoàn kết, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; hưởng ứng và phát động các phong trào thi đua nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông các nguồn lực cho phát triển; quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến, thu hút đầu tư... Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin