Định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực của học sinh

08:51, 26/04/2023

Kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2023 đang đến gần. Đây là thời điểm quan trọng học sinh THPT đưa ra quyết định về lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân phù hợp với năng lực và thị trường lao động.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trong một buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh vào Học viện Quân y.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trong một buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh vào Học viện Quân y.

Những năm gần đây, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT luôn được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm. Để tạo điều kiện cho các em học sinh lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình và khả năng, từ đầu năm học các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn hướng nghiệp, nhất là sau khi có các thông tin chính thức, đầy đủ về kỳ thi THPT quốc gia, phương án tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp được các nhà trường thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học... Các nhà trường bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Các trường còn liên kết, phối hợp với các đơn vị tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề mà trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đang đào tạo. Một trong những trường được đánh giá có hiệu quả trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp là Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định). Ngoài việc thực hiện nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp với thời lượng 9 tiết/năm theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), hàng năm, sau khi kết thúc học kỳ I của năm học, Ban hướng nghiệp của trường trao đổi với các em học sinh lớp 12 cách chọn trường phù hợp khả năng, đồng thời nhà trường phối hợp mời các trường đại học, cao đẳng về để tư vấn tuyển sinh hoặc mời chuyên gia dạy nghề về tư vấn nghề nghiệp, hướng chọn trường và định hướng nghề nghiệp tương lai. Qua đó, học sinh xác định được động cơ, thái độ học tập và rèn luyện, hiểu được yêu cầu và xu thế phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai. Ngoài ra, các em cũng được nghe thầy cô phân tích đặc điểm cấu trúc đề thi, thời gian và các kỳ thi được các trường tổ chức để các em biết cách lựa chọn về thời gian tham gia các kỳ thi, cách để khai thác tài liệu phù hợp với các khối ôn luyện thi đại học...

Từ nhiều năm nay, các hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các trường THPT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT quy định các chủ đề được tổ chức trong phạm vi lớp học nhằm cung cấp kiến thức cho các em học sinh thông qua các giờ lên lớp. Vào đầu năm học, Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại đối tượng học sinh theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách. Đồng thời chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng chương trình và nội dung dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, trong đó lưu ý thời khóa biểu bảo đảm hợp lý, không gây quá tải cho học sinh trong từng buổi học và giúp các em làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Đồng thời tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Các trường cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề ngoại khóa về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu trong đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh. Trong đề án này, tỉnh đề ra đạt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%... 

Chọn nghề không đơn giản là đưa ra quyết định ở một thời điểm. Đây là cả quá trình dài nghiên cứu, suy ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ gắn bó trong tương lai. Bản thân các em học sinh phải tự nắm rõ năng lực, điểm hạn chế, điểm mạnh của bản thân để chọn nghề cho phù hợp… Cha mẹ, nhà trường chỉ là người định hướng và cần thấu hiểu quá trình phát triển tâm sinh lí, cần phải biết con em mình muốn gì, năng lực tới đâu, từ đó hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều học sinh vẫn trăn trở về việc xác định mục tiêu học tập và định hướng nghề nghiệp sau này. Các em đều mong muốn sau khi ra trường sẽ có được công việc phù hợp, ổn định. Với những em có học lực khá, giỏi, việc chọn trường theo khả năng không có nhiều khó khăn. Nhưng với sức học bình thường thì các em chọn nghề gì? Trong khi, việc chọn một trường đại học, cao đẳng hiện nay để nộp hồ sơ không quá khó, hầu như sức học nào cũng có trường phù hợp, vấn đề là phải chọn được trường chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao. Vì vậy, việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cần dựa trên các yếu tố chính là nhu cầu xã hội và năng lực, khả năng đa dạng hóa kiến thức của học sinh.

Thời gian này được xem là thời điểm gấp rút để các em dần định hướng rõ ràng và đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình. Quyết định học gì, làm gì phù hợp với bản thân, nhu cầu lao động đối với các em không phải chuyện dễ dàng. Bởi thực tế, có những em khi vào đại học, cao đẳng đã phải hối tiếc do không thấy phù hợp với ngành nghề đã chọn hoặc kết quả học tập kém bởi đã lựa chọn một trường đại học, cao đẳng theo định hướng của gia đình thay vì nguyện vọng, năng lực của bản thân. Cũng không ít trường hợp khi đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng sau đó lại làm công việc trái với ngành nghề được đào tạo, thậm chí quay lại học nghề để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm gây phí toàn bộ kinh phí, thời gian, sức lực học tập... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, mỗi trường THPT cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và thực hiện thường xuyên, liên tục đồng bộ các giải pháp giúp học sinh và phụ huynh nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội. Trung bình hàng năm, tỷ lệ học sinh của tỉnh tốt nghiệp THPT không đi học đại học, cao đẳng chiếm khoảng 20%, trong số đó khoảng 14-14,5% có bằng đào tạo nghề. Ngay từ khi bước vào bậc THPT, 100% học sinh lớp 10, lớp 11 đã được học nghề theo quy định. Việc phân luồng học sinh sau THPT đang được ngành GD và ĐT và các nhà trường đặc biệt quan tâm. Bởi đây được coi là giải pháp căn bản giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng “nghề”, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội.

Vấn đề chọn nghề, chọn trường luôn là vấn đề nóng trước mỗi mùa tuyển sinh. Ngoài việc nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp trước những biến động xã hội, đòi hỏi các em phải xác định được sở thích, năng lực của mình, dựa trên tư vấn của gia đình, nhà trường để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp để khi qua đào tạo có đủ năng lực phù hợp hành nghề và tự tin bước vào thị trường lao động./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com