Thời gian qua, xu hướng mua sắm phương tiện đặc biệt là ô tô cá nhân ngày càng phát triển, cùng với đó là nhu cầu học bằng lái ô tô cũng tăng lên. Tuy nhiên, những chiếc ô tô gắn chữ “tập lái” với người cầm vô lăng hoàn toàn chưa có bằng lái xe hợp lệ vẫn bon bon lưu thông trên đường khiến nhiều người không khỏi bất an, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông không chỉ cho người dân tham gia giao thông mà còn cho cả chính người tập lái.
Học viên học lái xe tại Trường Trung cấp Giao thông vận tải Nam Định (thành phố Nam Định). |
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các khu đô thị mới, dân cư còn thưa thớt thường là nơi nhiều trung tâm đào tạo lái xe cho học viên thực hành tập lái. Tại Khu đô thị mới Mỹ Trung (thành phố Nam Định), ngày nào cũng có xe ô tô tập lái vào tập, nhiều nhất vào thứ bảy, chủ nhật. Không chỉ tập lái ô tô trên các tuyến đường giao thông trong khu dân cư, nhiều người còn tự ý vẽ cả vạch sơn, sa hình xuống lòng đường trong khu dân cư để tập tiến, lùi. Việc tập xe này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân, nhất là đối với trẻ em và người già. Bác Trần Văn Minh, một người dân sinh sống gần đó cho biết, việc tập lái xe ô tô trong khu dân cư diễn ra từ lâu, trong quá trình tập, nhiều lái xe không làm chủ được tốc độ, không kiểm soát được chân phanh, chân ga dẫn tới “phi” ô tô lên cả vỉa hè. Một số trường hợp trong khi tập thiếu quan sát, lấn làn đường dẫn tới va quệt vào người đi đường, trẻ em trong khu dân cư. Anh Trần Văn Đỗ, ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết: Vào buổi chiều, rất đông người dân đến khu đô thị thị trấn để đi bộ, tập thể dục, đạp xe, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Việc nhiều người mang ô tô đến đây tập lái luôn tiềm ẩn nguy cơ cho người tham gia giao thông.
Theo quy định, việc tập lái xe ô tô luôn phải có giáo viên kèm, song cũng có lúc giáo viên xuống xe để học viên tự tập và đây là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ va chạm trong khi tập lái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông không chỉ cho người tập lái mà còn cho cả người tham gia giao thông. Điển hình như vụ việc ngày 11-8-2022, chiếc xe ô tô gắn biển “tập lái” di chuyển trên tuyến đường của khu dân cư tập trung Hải Thanh, xã Hải Thanh (Hải Hậu) và va chạm từ phía sau với xe đạp chở 2 cháu bé 5 tuổi và 11 tuổi khiến cháu N.T.T. (5 tuổi) bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Thời điểm trên, trong xe chỉ có 2 nữ học viên đang tập lái xe, còn thầy giáo dạy lái đã ra ngoài ngồi uống nước. Có thể thấy trong sự việc đau lòng trên, trách nhiệm của cá nhân (2 học viên, thầy giáo trực tiếp dạy lái xe) và của cả cơ sở đào tạo là rất rõ ràng. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, những người liên quan trực tiếp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù đến 10 năm.
Hiện, chưa có thống kê chính thức về số vụ tai nạn do xe “tập lái” gây ra, nhưng từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong, có thể nhận thấy xe ô tô “tập lái” đã và đang trở thành nguy cơ gây nguy hiểm cao cho những người cùng lưu thông trên đường. Thế nên, nhiều người điều khiển ô tô, xe máy khi thấy xe tập lái thường có tâm lý tìm cách tránh xa để tránh mang họa cho bản thân.
Có thể thấy rằng, xe tập lái ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho chính các học viên và các phương tiện giao thông xung quanh. Để đảm bảo an toàn, các cơ sở đào tạo, giáo viên dạy thực hành và bản thân các học viên tập lái cần thực hành nghiêm túc các quy định xung quanh về xe ô tô tập lái trong Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải đáp ứng các quy định, xe tập lái phải có giấy phép lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải cấp. Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái… Ngoài ra, trung tâm cũng tuyển đầu vào của giáo viên nghiêm ngặt, thường xuyên tập huấn về các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng dạy thực hành lái xe, các quy định về trách nhiệm của giáo viên… Đối với các phương tiện tập lái xe trên đường, trách nhiệm quản lý thuộc về giáo viên. Giáo viên dạy lái xe phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông và tính mạng cho mình và học viện. Các ngành chức năng yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm để xứ lý tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin